"Đời tiên" của tôi bắt đầu từ năm 2019, khi chuyển sang làm tư vấn độc lập. Sau khi con trai lớn đi học xa nhà, tôi cải tạo phòng học thành nơi làm việc. Ngoài laptop, tôi trang bị thêm một máy in, một màn hình lớn và bàn phím rời.
Làm việc một lúc trên hai màn hình rất tiện cho công việc tra cứu văn bản, ngoài ra còn giúp tránh mỏi cổ do cúi nhìn laptop lâu. Phòng làm việc có cửa sổ nhìn ra công viên gần nhà, tôi có thể thư giãn mắt và hít khí trời.
Đói, tôi chạy vào bếp tìm đồ ăn. Mệt, tôi ra phòng khách ngả lưng nằm nghe nhạc. Tôi giải lao giữa các phiên làm việc bằng cách dọn nhà hoặc học đàn.
Thế rồi, con trai thứ hai của tôi, như hầu hết học sinh Việt Nam, gần 19 tháng qua hầu như chỉ học online ở nhà. Một cuộc chiến nho nhỏ xảy ra giữa hai mẹ con mà dĩ nhiên tôi là người thua cuộc. Con tôi sử dụng phòng làm việc để học, chốt cửa ngăn bố mẹ vô tình ló vào màn hình. Tôi chỉ được nhón chân vào sau khi lịch sự gõ cửa, thông báo mẹ tiếp tế đồ ăn và nước uống.
Tôi tiu nghỉu xách laptop ra phòng khách, chỉ tranh thủ dùng phòng làm việc vào khung giờ con nghỉ tiết. Vậy mà thi thoảng cũng có sự cố.
Có hôm, tôi đang hăng hái phát biểu, con cần lấy sách. Biết mẹ đang bật camera, cu cậu bò dưới sàn nhà để tránh "hiện ra" trong cuộc họp của mẹ. Nhìn cậu con 11 tuổi vận công lăn như trong phim chưởng, tôi không tránh khỏi bật cười. Các đồng nghiệp bên Singapore cười theo, dù chủ đề tôi đang nói chẳng có gì hài hước.
Nhưng có lẽ trải nghiệm làm việc từ xa của tôi khá dễ chịu so với nhiều người. Hội thảo trực tuyến với hơn 300 đại biểu tôi mới tham gia thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi tiếng chó sủa, tiếng nồi niêu loảng xoảng, tiếng trẻ con khóc và cả câu "đang bận họp" hơi gắt lên của một ông chồng với vợ. Lần khác, chúng tôi đang họp qua màn hình, những đứa trẻ leo vào lòng bố mẹ đang phát biểu. Có đứa không leo thì bò lổm ngổm xung quanh.
Với hơn 20 triệu học sinh, sinh viên học trực tuyến cùng hàng triệu nhân viên văn phòng chuyển sang chế độ làm việc từ xa do giãn cách xã hội, cách thức học tập, làm việc mới mẻ này chắc chắn không dễ với nhiều gia đình Việt Nam, vốn ít điều kiện chăm lo góc làm việc tại gia.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thế giới chứng kiến xu hướng "về nhà" chưa từng có. Các gia đình biến bếp ăn thành trường học, phòng ngủ thành nơi làm việc và sân nhà thành công viên.
IKEA, hãng nội thất hàng đầu châu Âu ghi nhận lượng bán hàng online tăng tới 45% so với thời kỳ trước dịch, với 4 tỷ lượt ghé thăm trang web trong một năm. Vào tháng 8 năm ngoái, từ khóa "bàn làm việc" được tìm kiếm nhiều thứ hai trên Amazon, chỉ sau "khẩu trang".
Quá trình chuyển đổi từ văn phòng sang làm việc tại nhà diễn ra nhanh chóng và cấp tập với nhiều tổ chức. Tuy nhiên, sau thời gian bố trí cho nhân viên làm việc ở nhà mang tính tạm thời, nhiều công ty nhận ra làm việc linh hoạt, làm việc từ xa là tương lai của văn hóa doanh nghiệp, dù có đại dịch hay không.
Chỉ số Niềm tin lực lượng lao động do LinkedIn khảo sát năm ngoái cho thấy, 55% người được hỏi cho biết họ duy trì hiệu quả công việc khi làm việc từ xa. Nhóm lạc quan nhất là các nhân viên thuộc các ngành ứng dụng kỹ thuật số mạnh mẽ, bao gồm phần mềm, tài chính và truyền thông.
Tới giữa năm nay, các công ty gồm nhiều tên tuổi lớn như Facebook, Amazon, Microsoft, SAP, Siemens liên tiếp tuyên bố triển khai các chương trình làm việc từ xa lâu dài cho nhân viên, với những lựa chọn linh hoạt như làm việc ở nhà toàn thời gian hoặc bán thời gian kèm chế độ hỗ trợ. Cơ sở của mô hình mới này là sự thay đổi tư duy của lãnh đạo, từ cách quản lý nhân viên thông qua thời gian có mặt của họ tại văn phòng sang quản lý dựa trên lòng tin và hiệu suất công việc.
Vài năm trước thôi, tôi còn nhận được ánh mắt nghi hoặc của một quản lý bộ phận khi xin làm việc tại nhà, nhưng nay thì không. Đại dịch góp phần phá tan những nếp nghĩ quen thuộc, vô hiệu hóa các hình mẫu tư duy truyền thống và đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân tăng cường khả năng thích ứng nghịch cảnh. Nhiều đối tác của tôi đã chấp nhận cho nhân viên vừa họp vừa bế con.
Cũng nhờ đại dịch, ý thức của mỗi cá nhân về sự an toàn và sức khỏe cũng tiến bộ. Các không gian làm việc kín, tập trung đông người sẽ nhường chỗ cho không gian làm việc mở và linh hoạt. Nhiều gia đình có thể biến thành những văn phòng vệ tinh - văn phòng ngoài văn phòng - của các công ty. Do vậy, các tổ chức và cá nhân làm việc từ xa cũng phải xây dựng cho mình một chiến lược hiệu quả.
Từ kinh nghiệm bản thân, tôi nghiệm ra rằng làm việc ở nhà hiệu quả đòi hỏi ban lãnh đạo các doanh nghiệp sự hỗ trợ về cả vật chất lẫn tinh thần. Bởi, như ta thấy, hầu hết chi phí điện, nước, sinh hoạt của các gia đình đều tăng mạnh trong đại dịch. Và nhiều người phải vừa làm việc, vừa chăm sóc người già, trẻ nhỏ trong nhà, không tránh khỏi căng thẳng.
Bên cạnh đó, làm việc tại gia cần sự hợp tác và chia sẻ rất lớn từ các thành viên trong gia đình. Điều này bao gồm việc tổ chức thời gian biểu sinh hoạt rõ ràng, mọi người báo trước cho nhau về kế hoạch làm việc, học tập trong ngày. Việc nhà nên được san sẻ giữa các thành viên để các ông bố bà mẹ tránh cảnh đầu bù tóc rối khi họp trực tuyến.
Quan trọng nhất, làm việc ở nhà không có nghĩa làm việc bất kể giờ nào. Mỗi người đều có nhu cầu đảm bảo quỹ thời gian dành cho vận động, nghỉ ngơi và các sở thích cá nhân để duy trì cảm hứng, lối sống lành mạnh. Đó là lý do vợ chồng tôi thi thoảng vẫn hát cùng nhau và chia sẻ trên mạng.
Làm việc ở nhà kéo dài, chúng ta có lúc bị kém tập trung trong không gian gia đình, bị trì trệ và mất hứng do thiếu tương tác trực tiếp với đồng nghiệp, đối tác và thiếu hoạt động nhóm.
Dù ta muốn hay không, kỷ nguyên làm việc từ xa đã bắt đầu.
Cẩm Hà