Thực trạng trầm cảm ở Việt Nam đang ngày một tăng cao, kéo theo nhu cầu điều trị tâm lý cũng thêm phần cấp thiết. Nói đến hiện trạng vấn đề về trị liệu tâm lý tại Việt Nam, với tư cách là một người học về chuyên môn này, tôi xin có vài chia sẻ cùng các bạn đọc.
Thứ nhất, thông thường trị liệu tâm lý là một quá trình rất lâu dài kéo dài, ít nhất là từ 4-10 tuần, nên không phải là cứ đến gặp nhà tâm lý là bạn sẽ khỏi bệnh sau một, hai buổi. Nó là một điều rất phi lý khi mà vấn đề tâm lý bên trong bạn đã kéo dài rất lâu. Chính bạn cũng không thể nào giải quyết hoặc thoát khỏi nó nhưng lại bắt các nhà tâm lý chỉ cần vài buổi buổi trị liệu là phải chữa khỏi cho bạn, điều đó rất vô lý.
Vì trị liệu tâm lý có một chu trình nguyên tắc trong trị liệu và thường buổi đầu người ta sẽ tập trung vào việc tạo lập mối quan hệ với thân chủ và lắng nghe, thấu hiểu sơ khai vấn đề thân chủ đang gặp, chứ chưa đi sâu vào trị liệu được liền. Đồng thời, đây cũng là buổi để thân chủ hiểu được tổng quan quá trình trị liệu mà hai bên sẽ làm, nên chuyện tiền nong là vấn đề không thể bỏ qua. Tuy nhiên, đây lại là chuyện khó nói với nhà trị liệu.
Thông thường, văn phòng nước ngoài sẽ có bộ phận hành chính làm vấn đề này chứ không bao giờ nhà tâm lý phải đụng đến. Ấy nhưng ở Việt Nam, đa phần nhà tâm lý chính gốc thì không giàu có lắm, phải làm việc độc lập, và họ phải tự bắt chuyện vào vấn đề nhạy cảm này, làm nhiều thân chủ hiểu lầm.
Thứ hai, chúng tôi không được gọi là "bác sĩ" mà chỉ có danh xưng "chuyên gia tâm lý" vì không có quyền, cũng như không học sâu vào trị liệu bằng thuốc. Khi bạn có vấn đề tâm lý, và đến tìm bác sĩ tâm thần, họ có thể kê thuốc giúp bạn thoải mái hoặc bình tĩnh trong tạm thời. Nhưng khi quay trở lại với cuộc sống, đối diện với vấn đề tâm lý ấy lần nữa, bạn vẫn chưa giải quyết được triệt để, thì dù có uống bao nhiêu thuốc đi chăng nữa cũng không giúp bạn hết bệnh được.
Đó là lý do các nhà tâm lý sẽ xuất hiện, tập trung, đồng hành để trợ giúp thân chủ tự giải quyết các vấn đề tâm lý của mình, thông qua các phương pháp trị liệu. Vì thế, người có vấn đề tâm lý luôn cần cả bác sĩ tâm thần và nhà tâm lý.
>> Thiếu giải pháp cho người trầm cảm
Tuy nhiên, so sánh môi trường và sự phát triển về tâm lý học đặc biệt trong phân ngành Tâm lý lâm sàng là rất khập khiễng:
Ở nước ngoài, các nhà Tâm lý lâm sàng (xã hội hay nhầm lẫn, gọi là "bác sĩ tâm lý) rất được tôn trọng. Mức lương, thu nhập của họ thuộc top đầu, vì đơn giản họ phải học tập có chuyên môn, phải trải qua thực hành có giám sát với Hiệp hội tâm lý quốc gia. Về bằng cấp, để có thể được hành nghề, thông thường, họ ít nhất phải là Thạc sĩ (với trị liệu gia đình) và Tiến sĩ thực hành (với các chuyên môn khác).
Trong khi đó, ở Việt Nam, vấn đề này lại rất khác biệt, nhà tâm lý thường được mượn tạm danh xưng hoặc những người chẳng có bằng cấp chuyên môn gì, chỉ học vài lần cắt lát rồi cũng tự nhận là chuyên gia, dẫn đến nhiều người nghĩ sai về nhà tâm lý. Điều đó cũng là một trăn trở lớn trong ngành khi mà quy chuẩn đạo đức và thực hành nghề chưa được nhà nước hoặc một hiệp hội nào đứng ra chuẩn hóa, đảm bảo tính an toàn cho các thân chủ được trị liệu và cả các nhà tâm lý nữa.
Xã hội cũng rất hay than trách nhà tâm lý tại sao chỉ có ngồi nói chuyện mà phải trả tiền nhiều vậy (thông thường sẽ khoảng 10-40 USD cho một phiên)? Thật ra, nhà tâm lý như chúng tôi cũng rất trăn trở về vấn đề này khi mà chi phí trị liệu tại Việt Nam đã thuộc dạng thấp nhất thế giới. Trong khi đó, nhà tâm lý cũng cần phải thường xuyên đi đào tạo, bồi dưỡng với các chuyên gia nước ngoài, với các liệu pháp, phát hiện mới. Thông thường, một khóa như vậy rất ngắn nhưng cũng đã ngốn hết của nhà tâm lý từ 1.000-2.000 USD rồi.
Đó là chưa tính chi phí học tập gần tám năm mới nhận được một tấm bằng Tiến sĩ để ra hành nghề, chi phí đó không phải là ít. Đồng thời, không phải một ngày, nhà tâm lý có thể làm việc được tám tiếng liên tục. Họ cũng cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi vì phải tiếp nhận rất nhiều cảm xúc tiêu cực, rồi lại phải tìm cách thấu hiểu và trợ giúp họ.
Nói tóm lại, đã đến lúc chúng ta cần chuyên nghiệp hóa hoạt động trị liệu tâm lý. Một mặt cần chuẩn hóa chuyên môn của các chuyên gia tâm lý, mặt khác cần đảm bảo cho họ có được một chỗ đứng, vị thế xã hội, mức thu nhập xứng đáng cho công việc của mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.