Nghĩa bỏ qua những doanh nghiệp thu nhập 5-6 triệu đồng mỗi tháng, chỉ nhắm vào công ty điện tử, thông báo tuyển dụng ghi rõ "có tăng ca". Cuối cùng Nghĩa chọn Goertek Vina - nơi có mức thu nhập sau tăng ca khoảng 9 triệu đồng. Đó là tháng 7/2021, khi Nghĩa hoàn thành hai năm nghĩa vụ quân sự, nghỉ nửa năm ở nhà và mất cả tháng đi khắp các khu công nghiệp ở Bắc Ninh tìm việc.
"Em thích tăng ca", Nghĩa nói, lý giải cách này giúp cậu tiết kiệm được một bữa ăn vì công ty lo. Khi làm thêm khoảng hai tiếng mỗi ngày, sau khi trừ 1,1 triệu đồng tiền phòng; 2 triệu mua thức ăn, đổ xăng đi làm, điện thoại và thi thoảng đi uống nước với bạn vào cuối tuần, cậu sẽ còn khoảng 6 triệu gửi về quê cho mẹ giữ để "lo cho sau này".
Rời nhà máy lúc 18h, Nghĩa không biết làm gì ngoài cơm nước, giặt giũ, nghịch điện thoại và đi ngủ để hôm sau tiếp tục vào xưởng. Chàng trai không hẹn hò, những cuộc gặp mặt với bạn bè diễn ra vào chủ nhật, ngày duy nhất trong tuần được nghỉ.
Công ty Goertek Vina - nơi Nghĩa làm việc - có hơn 32.000 công nhân, chủ yếu là thanh niên ngoài đôi mươi đến từ các tỉnh vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Doanh nghiệp chuyên sản xuất linh kiện điện tử thuộc nhóm ngành được ưu tiên làm thêm 300 giờ mỗi năm, kịch trần theo quy định của Bộ luật Lao động.
Song lãnh đạo công ty muốn nới lên 400-500 giờ mỗi năm, áp dụng theo năm để linh hoạt sản xuất khi cần làm đơn hàng gấp chứ không theo tháng. "Phần lớn công nhân đều muốn tăng ca nhiều hơn", ông Phạm Văn Trung, Chủ tịch công đoàn Goertek, nói và cho biết đó là ý kiến được trưng cầu trong các cuộc họp của công đoàn, đại hội công nhân, nhóm sản xuất.
Khác với lao động trẻ như Nghĩa, chị Trần Thị Lan, 36 tuổi, công nhân Công ty May 10, Hà Nội, có ba con nhỏ. Chị thường thức dậy lúc 5h, nấu ăn sáng cho cả nhà rồi mang cặp sinh đôi đi gửi. 7h30 chị vào ca, 18h rời phân xưởng, về nhà cơm nước cho con. Công việc của chị kết thúc lúc 22h, lên giường đi ngủ và sáng hôm sau lại vào nhà máy.
Guồng quay ấy vận hành 10 năm nay, chị Lan chỉ thay đổi vị trí từ thợ may sang kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thu nhập hồi mới vào làm từ 7 triệu đồng, nay tăng lên hơn 8 triệu đồng mỗi tháng, đã bao gồm tăng ca mỗi ngày một tiếng, từ thứ hai đến thứ bảy, nghỉ chủ nhật.
Thợ may công nghiệp như chị Lan không nắm được mỗi tiếng tăng ca sẽ được bao nhiêu tiền, dù phiếu lương có thể hiện. Chị không để ý, chỉ quan tâm tới khoản 8 triệu đồng mỗi tháng sau khi đã trừ tiền đóng bảo hiểm, phí công đoàn. Trong đó, 1,5 triệu dành cho tiền phòng kèm điện nước; 4 triệu tiền gửi con, còn gần 3 triệu mua thức ăn.
Chồng chị cũng là công nhân, thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng và không phải khi nào cũng có việc. Một năm bùng dịch, con trai lớp 4 ở nhà học trực tuyến, chị Lan giao hai đứa em song sinh cho thằng bé, ba anh em trông nhau. Khoản 4 triệu đồng gửi trẻ đắp vào phí sinh hoạt của gia đình 5 người. Hoạt động giải trí duy nhất của gia đình là vào chiều chủ nhật, chị đưa con đi bộ quanh khu tập thể.
Tại phiên thảo luận về tăng giờ làm thêm trước khi thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi tháng 10/2019, đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Thị Quyết Tâm nói: "Tại sao công nhân cần làm thêm giờ? Câu hỏi này khá dễ trả lời. Là vì tiền lương hiện nay không đủ trang trải cuộc sống tối thiểu". Bà Tâm cho rằng công nhân không tự nguyện mà phải làm thêm để có thu nhập. Nhiều người phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp.
Thời điểm bà Tâm đặt câu hỏi trên nghị trường, lương tháng tối thiểu trung bình của Việt Nam đạt 3,51 triệu đồng. Gần 3 năm sau, mức lương tối thiểu được điều chỉnh một lần, tăng thêm 150.000-240.000 đồng cho các vùng, đạt trung bình 3,71 triệu đồng. Trong khi đó qua một năm, giá xăng đã tăng gấp rưỡi, giá một bình gas tăng thêm 35%, các loại dầu ăn, mắm muối tăng 20-30 %.
Trần làm thêm trong tháng đã tăng từ 30 giờ (trước năm 2021) lên 40 giờ, sắp tới có thể tăng tiếp lên 72 giờ, tối đa 300 giờ mỗi năm cho tất cả ngành nhằm phục hồi sản xuất sau đại dịch, theo đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, đặt vấn đề: Nếu hỏi công nhân có muốn tăng ca không, câu trả lời sẽ luôn là có. Nhưng bản chất của việc này là họ muốn tăng thu nhập. Công nhân không có lựa chọn nào khác để tăng thu nhập ngoài làm thêm giờ. Lương tối thiểu vùng chỉ là hình thức, từ lâu đã không đuổi kịp mức sống của người lao động.
Những công nhân như Nghĩa có thể vắt kiệt tuổi thanh xuân trong nhà máy bằng 8 tiếng làm việc bình thường mỗi ngày và vài tiếng tăng ca mỗi tối "cũng không thành vấn đề". Song theo TS Lộc, đây là cách bào mòn nguồn nhân lực quốc gia, khiến lực lượng lao động chưa đến tuổi về hưu đã bị vắt kiệt sức, về lâu dài sẽ tạo áp lực lên hệ thống bảo hiểm, y tế, hưu trí.
Khảo sát chuyên sâu năm 2019 của Oxfam cùng Viện Công nhân Công đoàn với lao động ngành may mặc cho kết quả 69% công nhân trả lời tiền lương không đủ trang trải nhu cầu sinh hoạt; 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương trong tháng; 37% luôn trong tình trạng vay nợ từ người quen để bù đắp thiếu hụt chi tiêu trong tháng và 96% không bao giờ hoặc hiếm khi đi ăn nhà hàng.
"Rất khó để tính được số tiền mà công nhân được trả cho giờ làm thêm trong tổng tiền lương tháng của họ", báo cáo nhận định. Bởi công nhân được trả theo lương sản phẩm và họ thường không theo dõi chặt chẽ số giờ làm thêm. Phần lớn công nhân làm thêm ít nhất một giờ mỗi ngày. Tiền làm thêm giờ chiếm khoảng 11-16% thu nhập.
Nếu nhà nước tăng giờ làm thêm, công nhân như chị Lan hay Nghĩa sẽ sắp xếp để tăng ca, bởi không có lựa chọn khác. Họ trực tiếp sản xuất, lương khoán theo sản phẩm, ít sản phẩm thì thu nhập thấp. Khoản tiền dành dụm 6 triệu đồng mỗi tháng Nghĩa vẫn đều đặn gửi về quê, để vài năm sau đi học hoặc chuyển công việc. "Không thể làm công nhân mãi", Nghĩa nói, nhưng cũng không biết khi nào sẽ rời công xưởng.
Chính phủ đề xuất nâng số giờ làm thêm trong một tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ, khống chế 300 giờ mỗi năm, được áp dụng cho tất cả ngành, nghề, công việc. Dự kiến trong phiên họp thứ 9 vào ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết này.
Hồng Chiêu