Chủ đề "mua nhà trước 30 tuổi" đang rất được quan tâm, bàn luận trên VnExpress. Tuy nhiên, tôi ít thấy các tác giả chia sẻ bí quyết mua được nhà hoặc cách thức phương pháp tăng thu nhập, nên rất khó cho người trẻ áp dụng. Nhưng tôi khâm phục, trân trọng những người xa xứ đến lập nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ. Nên mỗi khi có dịp tôi lại hỏi han, ghi chép những cách thức thành công của những người đi lên từ hai bàn tay trắng, mua được nhà đất hay có sự nghiệp ổn định ở vùng đất này.
Có khoảng vài chục cách thức mà họ tăng thu nhập, làm thêm mà không quá khó thực hiện, bằng chính sức lao động của những con người bình thường, có phần yếu thế. Họ không phải những người có chuyên môn, giỏi công nghệ, kinh tế hay có nền tảng tài chính vững chắc. Họ không có cả phương tiện và tư liệu sản xuất. Tôi xin chia sẻ một số cách thức cụ thể tăng thu nhập để họ mua được nhà Sài Gòn, hoặc ở tỉnh lân cận Sài Gòn đắt đỏ.
Đầu tiên là trường hợp những anh công nhân mà tôi biết (không phải là những người có trình độ cao, có tài chính mạnh) mua được nhà ở Thủ Dầu Một, Bình Dương sau 5 năm.
Khoảng những năm 2012, anh bạn mà tôi biết làm công nhân xưởng cơ điện của một công ty trên khu Mỹ Phước, Bình Dương. Anh từ miền Trung vào Nam lập nghiệp. Khi đó, anh chỉ là công nhân bình thường, chưa có bằng cấp, chứng chỉ. Anh phụ việc trong xưởng cơ điện nên việc gì cũng phải làm từ điện nước, điện lạnh, hàn xì, cầu hư, cống nghẹt... học dần từ người có kinh nghiệm đi trước rồi cũng thành thuần thục. Anh làm việc chăm chỉ, thái độ, tác phong tốt nên công ty cử đi học thêm buổi tối lớp kỹ thuật hàn. Rồi anh tự học thêm lớp điện sơ cấp trong ba, bốn tháng. Từ đó, anh vừa có bằng cấp và kinh nghiệm nghề nghiệp.
Sau đó, anh lập gia đình, vợ cũng là công nhân. Để tăng thu nhập, anh và người bạn cùng chí hướng làm chung công ty thành lập nhóm riêng bảo trì cơ điện: cả hàn xì, điện nước, vệ sinh bảo dưỡng máy lạnh... Tôi hỏi anh đi làm ở công ty tám tiếng rồi thời gian đâu mà làm thêm? Anh kể, hai anh em hợp tác để người xin làm ca sáng, người làm ca tối, luân phiên nhau nên lúc nào cũng có mặt một người ở xưởng. Ban đầu, trực chính ở xưởng là một người bà con ở quê lên học nghề nên chỉ nuôi ăn ở là chính, sau tuyển thêm ba, bốn thợ nữa khi đông khách hàng. Lúc quá nhiều việc thì anh thuê ngắn hạn thợ ngoài hoặc rủ anh em công ty về làm phụ.
>> Giấc mộng 30 tuổi mua được nhà
Đất thuê làm xưởng là bãi trống khoảng 300-400 m2 trong hẻm rộng 4 mét, giá thuê rất rẻ (chỉ 1-2 triệu đồng mỗi tháng), 2-3 năm mới tăng giá lên một ít. Anh tự mua sắt, thép, tôn cũ về, dựng tạm lên xưởng hết khoảng 15 triệu, máy móc, thiết bị đơn giản vừa đủ hoạt động khoảng 15 triệu (mấy cái máy mài hàn cắt, máy bơm vệ sinh máy lạnh...).
"Làm sao họ biết mình mà đặt hàng?", tôi thắc mắc. Anh kể: "Rảnh thì đi phát tờ rơi in thông tin quảng cáo dán khắp nơi. Làm uy tín trách nhiệm, giá thành rẻ, chế độ hậu mãi tốt nên họ giới thiệu cho nhiều người khác. Thượng vàng hạ cám đều làm, có những việc làm sửa chữa nhỏ mình đến tận nơi làm miễn phí hoặc lấy vài chục ngàn, lỗ công nhưng khách hàng thấy mình chăm chút tỉ mỉ không nề hà việc lớn nhỏ (thường mấy chỗ lớn họ không nhận làm việc nhỏ ít tiền). Thế nên khách hàng thương, họ chờ, chừa việc cho mình, có khi làm cả tối, bất kể lúc nào mình rảnh.
Đồng nghiệp, các sếp trong công ty cũng tạo điều kiện giới thiệu nhiều mối, có khi làm hàng cho công ty. Về chi tiêu anh em hợp tác phải cùng chí hướng, đồng cam cộng khổ và rõ ràng minh bạch các khoản thu chi, nên làm ăn ngày càng phát triển, dôi dư ra".
"Thế anh vừa làm công ty rồi làm thêm ở xưởng riêng thì ngủ giờ nào?", tôi hỏi. Anh nói: "Ví dụ mình làm ca đêm (18h đến 2h đêm) không phải lúc nào máy móc cũng hư hỏng nên tranh thủ ngủ ngồi đâu đó hoặc lúc 23h30 ăn xong thì tranh thủ ngủ được khoảng một tiếng, 2h đêm về nhà tranh thủ ngủ tiếp đến 7h sáng. Sau đó vào xưởng làm việc, hoặc đi công trình, buổi trưa tranh thủ ngủ một tiếng nữa nên ngày cũng gần đủ 6-7 tiếng nghỉ ngơi".
Con nhỏ của anh gửi về cho ông bà ngoại ở quê chăm. Mỗi tháng anh gửi về khoảng một triệu đồng để vừa lo bé, vừa biếu ông bà, ở quê chi tiêu cũng ít. Vợ anh đi làm công ty, tăng ca vừa phải, cũng được khoảng năm triệu mỗi tháng; tối nhận thêm việc trông coi phòng trọ cho chủ, thu điện nước, thu tiền trọ của 40 phòng. Trước đây, anh hay sửa chữa đồ hư hỏng lặt vặt trong khu nhà trọ, có cơ sở làm nên chủ cũng tin tưởng giao cho việc trông coi. Vì thế, tiền nhà trọ, điện nước không mất đồng nào, chủ cho ở một phòng, còn cho thêm ít tiền. Vợ anh cũng tranh thủ mua bán lặt vặt trong khu trọ, rồi bỏ nước khoáng cho các phòng... để kiếm thêm.
Cứ như vậy, mỗi tháng coi như gia đình anh chỉ tiêu xài vào phần lương của vợ, tất tần tật từ ốm đau, tiền ăn sinh hoạt, hiếu hỷ... Du lịch thì nhà anh đi với công ty mỗi năm nên không mất phí. Mỗi dịp Tết về quê, quà cáp, chi tiêu khoảng 20 triệu đồng. Chỗ đất làm xưởng dùng không hết nên anh quây lại trồng rau, nuôi gà, vịt... cải thiện bữa ăn cho gia đình và mấy anh em trong xưởng. Cuối tuần nào anh cũng cho anh em lai rai, nhưng mua đồ, bia, rượu ăn uống tại xưởng nên rất tiết kiệm và an toàn.
>> Tăng 20 lần thu nhập để mua nhà Sài Gòn
Tổng lương của anh, do ít tăng ca, vào khoảng bốn triệu, để tiết kiệm mỗi năm cũng được 50 triệu. Trong một vài năm đầu, việc làm thêm ở xưởng của anh dư được khoảng 50-100 triệu sau khi trừ hết tất cả chi phí. Những năm sau, càng ngày có uy tín, anh càng tích góp được nhiều hơn. Nhưng vợ chồng anh vẫn làm ở công ty để có mức lương cơ bản. Khoảng 10 năm sau, nếu xưởng lớn mạnh, anh sẽ tính sau. Vì không ai đỡ đầu hỗ trợ, máy móc trang thiết bị cũ không có nhiều, không mối quan hệ lớn, nên anh chỉ sửa chữa, làm công trình nhỏ, nên cũng không dám bung hết ra ngoài, nghỉ làm hẳn ở công ty.
Trong khi đó, vào những năm 2014–2015, một lô đất ở khu vực Mỹ Phước có giá khoảng 300-400 triệu đồng. Sau một, hai năm, vì không đủ tiền mua riêng một lô đất nên anh và các anh em hợp tác mở xưởng, cùng mua chung lô đất, cùng đứng tên trong sổ đất. Cứ như vậy, gần đủ khoảng 50-60 % giá trị đất là anh vay mượn thêm để mua, thế chấp chính lô đất. Sau 9-10 năm, các anh có khoảng 5-7 lô đất. Sau đó, anh bán những mảnh nhỏ, tách ra mua riêng.
Hiện giờ, mỗi người có vài lô, có nhà, nhà trọ, hoặc nhà ở trung tâm lớn của tỉnh. So với nhiều người giàu có, các anh chẳng là gì, nhưng với mặt bằng chung của công nhân, những người từ miền Trung vào Nam lập nghiệp, được như vậy là cả một hạnh phúc...
Lê Huy
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.