(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hà Nội ngày đầu tiên sau 22 ngày giãn cách xã hội, mưa buồn nhưng lòng người ai cũng vui vì cuộc sống lại quay về thường nhật, với câu hỏi: "Ngày đầu tiên sau khi hết cách ly xã hội, bạn sẽ làm gì?". Với tôi chắc chắn sẽ lại là ăn một bát phở bò, nhâm nhi tách cafe buổi sớm – những đặc sản đã gắn liền với Hà Nội của tôi ngót cả thế kỷ cho thỏa cái nỗi nhớ mong suốt những ngày qua.
Đại dịch Covid-19 ập đến bất ngờ như một thảm họa đối với toàn nhân loại, khiến cả thể giới lao đao. Việt Nam cũng vừa trải qua 22 ngày cách ly xã hội trên cả nước. Tất nhiên, giãn cách xã hội khiến cuộc sống lao động và sinh hoạt của chúng ta gặp nhiều bất tiện, thậm chí là bức bí, nhưng với tôi, có lẽ, điều đó lại mang lại nhiều thay đổi tích cực không tưởng, đưa chúng ta trở lại với những chân giá trị bấy lâu đã bị đời sống công nghiệp cuốn đi.
Trong những ngày cách ly toàn xã hội, một bầu không khí mới lạ bao trùm cả cộng đồng, tôi chợt nghĩ đến câu nói của người xưa: "Trong nguy có cơ" hay "Cái khó ló cái khôn". Với tất cả chúng ta, Covid-19 có thể đang làm đảo lộn toàn bộ nhịp vận hành của cuộc sống thường nhật, thậm chí làm chao đảo cả thế giới, nhưng nhìn ở một góc độ khác, bên cạnh những gam màu xám, chúng ta đâu đó có thể thấy những mảng màu sáng, những thay đổi tích cực và thú vị về cách nghĩ, cách sống mà Covid-19 đã mang lại.
Nếu như trước đây, trong guồng quay hối hả của nền kinh tế thị trường, của hội nhập và toàn cầu hóa, mỗi người trong chúng ta chắc hẳn đều không có nhiều thời gian để cùng nhau ăn những bữa cơm quây quần với đầy đủ tất cả những thành viên trong gia đình. Nhưng nay, vì Covid, chúng ta ở nhà nhiều hơn, và vì thế, mâm cơm gia đình trở nên đầm ấm, sum vầy và đông đủ hơn. Cha mẹ cũng dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, dạy bảo con cái, còn con cái cũng biết chăm lo và chia sẻ việc nhà hơn cùng cha mẹ. Chúng ta tìm thấy những chân giá trị của sự hạnh phúc ngay từ những niềm vui rất đỗi bình dị mà lâu nay chúng ta đã vô tình quên mất để chạy theo những niềm vui nhất thời của nhịp sống đô thị. Bởi gia đình vẫn luôn là tế bào bền vững nhất của xã hội.
>> Chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch
Nếu như trước đây, mỗi ngày, chúng ta hối hả ra đường, đi làm, đi học để kiếm sống, mưu sinh. Các doanh nghiệp, cửa hàng, trường học... luôn sáng đèn, đông đúc kẻ ra người vào từ sáng đến đêm khuya. Nhưng nay, vì Covid, phố sá, hàng quán đều đóng cửa, thay cho không khí sôi động, tấp nập bằng một vẻ đẹp vắng lặng, yên bình đến lạ thường trong những ngày tiết trời tháng tư đẹp nhất. Và hình như âm thanh phố phường không còn nữa, để nhường chỗ cho tiếng cười và niềm vui nhiều hơn trong mỗi nếp nhà. Ta chợt nhận ra, âm thanh xao động của cuộc sống đâu nhất thiết phải tìm đâu xa ngoài mái nhà của chúng ta.
Nếu như trước đây, giao thông ở các đô thị lớn luôn là bài toán đau đầu cho các nhà quy hoạch với đủ các vấn nạn và hệ lụy gây ra từ tắc đường, tai nạn cho đến ô nhiễm khói bụi, ô nhiễm tiếng ồn. Nhưng nay, vì Covid, giao thông trở nên thông thoáng, dễ chịu hơn, không còn thấy những cảnh ùn tắc kéo dài cả cây số, không còn nữa tiếng còi xe inh ỏi. Đặc biệt nhất là trong mấy tuần trở lại đây, hai đô thị lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP HCM đều ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức tốt chưa từng có trong khi chỉ mấy tháng trước đó, chất lượng không khí của hai đô thị này luôn được đánh giá ở mức xấu, thậm chí gây nguy hại tới sức khỏe của người dân. Chúng ta mong rằng bệnh dịch qua càng nhanh càng tốt, nhưng giao thông thì vẫn cứ như bây giờ.
Nếu như trước đây, sau giờ đi học, đi làm, chúng ta lại thích tụ tập, hội hè với biết bao là những thú vui hấp dẫn, khó cưỡng như ăn nhậu, cafe, trà đá, tán dóc, shopping với bạn bè, đồng nghiệp. Nhưng nay, vì Covid, hàng quán, khu vui chơi, giải trí - những tụ điểm không thể tách rời với nhu cầu của cư dân đô thị đồng loạt đóng cửa, những thú tiêu khiển đó cũng dần hạn chế hẳn để thay bằng những lối sống tích cực và văn minh hơn. Chúng ta trở lại thói quen tự phục vụ nhiều hơn bởi sức khỏe hiện tại là ưu tiên số một của tất cả mọi người. Chúng ta chợt nhận ra rằng niềm vui không nhất thiết phải xuất phát từ tụ tập mà niềm vui có thể bắt nguồn từ những việc nhỏ bé mình tự làm và những sẻ chia trong gia đình.
Nếu như trước đây, chúng ta lập nên cả một kế hoạch những việc cần học, cần làm nhưng vì cuộc sống bộn bề, hối hả của đời sống đô thị đã khiến chúng ta chạy đua theo những trào lưu thời thượng mà không có thời gian để thực hiện nó. Nhưng nay, vì Covid, chúng ta có nhiều thời gian thảnh thơi để sống chậm hơn, để cùng lắng lại, suy ngẫm, chiêm nghiệm; và đây cũng là thời điểm lý tưởng để chúng ta thực hiện những kế hoạch còn dang dở, ví như học chơi một loại nhạc cụ, học thêm một ngôn ngữ mới, tự tay nấu những món ăn mình thích, làm những chiếc bánh thơm phức để tự thưởng cho bản thân và gia đình. Niềm vui không ở đâu xa mà là do mỗi người chúng ta tự tạo nên.
Nếu như trước đây, vì cuộc sống bon chen, xô bồ, vì những lợi ích cá nhân, những cạnh tranh, hơn thua tủn mủn, hẹp hòi, bản chất thật sự của chúng ta có thể vô tình bị che lấp. Nhưng nay, vì Covid, chúng ta được chứng kiến một xã hội đẹp đẽ với biết bao nhiêu chục triệu con người đoàn kết, chung sức, đồng lòng, biết nghĩ đến cộng đồng, biết chia sẻ và yêu thương nhiều hơn. Trong những ngày qua, chúng ta được chứng kiến vô vàn những tấm gương "người tốt, việc tốt", những hành động dù nhỏ nhưng có sức mạnh lan tỏa và hiệu triệu vô cùng lớn lao, thể hiện rõ tinh thần "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách" của dân tộc. Đoàn kết, đồng lòng giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng, Chính phủ, lực lượng vũ trang và đội ngũ nhân viên y tế đang là "liều thuộc" hiệu quả nhất chống lại kẻ thù chung: Covid-19. Nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội". Đây vẫn luôn là những giá trị cốt lõi làm nên bản sắc trường tồn của dân tộc ta.
>> Những việc cần làm ngay trước khi nới lỏng cách ly xã hội
Nhà văn Moustapha Dahleb, người Cộng hòa Chad, đã viết trong tác phẩm "Virus Corona khiến thế giới..." với mấy ý rất đáng suy ngẫm như thế này: "Bỗng nhiên, người ta thấy trong thế giới phương Tây nhiên liệu xuống giá, ô nhiễm giảm, mọi người bắt đầu có thời gian, nhiều đến mức họ thậm chí không biết phải làm gì với nó. Cha mẹ bắt đầu tập tìm hiểu con cái, con cái tập sống nhiều hơn với gia đình, công việc không còn là ưu tiên, du lịch và thú vui không còn là chuẩn mực của một cuộc đời thành đạt.
Đột nhiên, trong thinh lặng, chúng ta quay về với nội tâm của chính mình và thông hiểu giá trị của các từ đoàn kết và sự dễ tổn thương. Bỗng nhiên, chúng ta nhận ra tất cả đang trên cùng một chiếc thuyền, giàu nghèo gì cũng thế. Chúng ta biết chúng ta đã cùng nhau vét sạch ngăn kệ trong các cửa hàng và bệnh viện đang đầy ắp người và tiền không còn mảy may quan trọng. Rằng tất cả chúng ta đều có cùng một bản sắc con người khi đối mặt với coronavirus.". Quả đúng như vậy, "con virus nhỏ nhoi" ấy đã khiến cả nhân loại phải thay đổi trong cách nghĩ, cách sống.
Để cùng nhau chiến đấu chống tại kẻ thù chung, các quốc gia trên toàn thế giới đều đồng lòng, nhất trí tạm gác lại những xung đột, mâu thuẫn, bất đồng, cùng nhau đoàn kết, hợp tác để vượt qua khủng hoảng, chiến thắng đại dịch. Dịch bệnh rồi cũng sẽ sớm qua đi, cuộc sống lại trở lại bình thường. Nhưng những lo lắng, hoang mang, mất mát do đại dịch đem lại như là một khoảng lặng để chúng ta soi chiếu lại mình và biết trân quý hơn, kể cả những điều chúng ta coi là tất nhiên của cuộc sống ban tặng cho con người.
Chúng ta sẽ mang tâm lý của những con người vừa mới vượt qua cơn bạo bệnh, sẽ trân quý hơn giá trị của cuộc sống, yêu quý hơn những điều bình dị như không khí trong lành, những khoảng khắc cùng gia đình, bạn bè ăn một bữa cơm ấm cúng, cùng nhau tản bộ thư thả ngắm hoa. Khi nhận thức thay đổi, người ta càng có những hành động vì mình, vì cộng đồng hơn.
Lịch sử nhân loại đã trải qua không ít đại dịch kinh hoàng như bệnh tả, dịch hạch, sởi, cúm Tây Ban Nha, đậu mùa, HIV, MERS, Ebola, SARS... Cứ mỗi khi các dịch bệnh đi qua thì thế giới lại bắt đầu lao vào một guồng quay mới để mưu sinh, để phục hồi và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nếu cứ bị cuốn đi như vậy thì chúng ta lại quên mất việc phải chuẩn bị đối phó với những mỗi hiểm họa như vậy trong tương lai. Ông Tedros Adhanom – Tổng Giám đốc WHO cảnh báo: "Lâu nay, thế giới đã vận hành theo một chu kỳ, đó là hoảng loạn và sau đó bỏ bê. Chúng ta ném tiền vào để dập một ổ dịch, và khi nó kết thúc, chúng ta quên nó đi và không làm gì để ngăn chặn một đợt dịch tiếp theo. Nếu chúng ta thất bại trong khâu chuẩn bị, chúng ta đang chuẩn bị cho sự thất bại tiếp theo".
Chúng ta đang trải qua những thời khắc khó khăn khi đại dịch lan tràn toàn cầu, những hệ lụy về mọi mặt mà đại dịch Covid – kẻ thù vô hình đã tạo ra có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ tới. Chúng ta chỉ có thể chiến thắng trong trận chiến này khi chúng ta đi cùng nhau và quan trọng là thấm thía được những bài học sinh tử để tạo ra những thay đổi tốt đẹp cho thế giới trong tương lai, một thế giới hậu Covid hòa bình, an toàn và đáng sống với tất cả chúng ta.
Trên hết, Covid-19 làm cho mỗi người trong chúng ta trân trọng hơn sự quý giá của sức khỏe, ý nghĩa đích thực của cuộc sống, sự kết nối giữa mọi người và ý thức, trách nhiệm của công dân với cộng đồng, đất nước.
Còn với những người sinh ra và lớn lên tại Hà Nội như tôi, được chứng kiến biết bao những thăng trầm, bể dâu của Thủ đô, thời điểm này, vì Covid, tôi đang như được quay trở về nhịp sống xưa cũ, tĩnh lặng và an yên hơn. Với những người hay chiêm nghiệm, đây chính là khoảng lặng để nhìn lại sự phát triển hạ tầng đô thị và những chuyển động bên trong lòng Thủ đô. Hà Nội vẫn vậy, dù có dịch Covid hay không, vẫn đẹp và có sức quyến rũ đến lạ thường.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội