(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hôm nay, 22/4, là ngày dự kiến kết thúc thời hạn cách ly xã hội tại Hà Nội, TP HCM, 10 tỉnh thành có nguy cơ lây lan cao,15 tỉnh thành thuộc nhóm có nguy cơ, cùng nhiều địa phương khác. Thời điểm này, người ta bắt đầu bàn luận nhiều đến việc nới lỏng giãn cách xã hội và những biện pháp phòng dịch hậu cách ly.
Mới đây, TP HCM đã gửi đề xuất được khôi phục kinh tế khi hết cách ly xã hội. Bên cạnh việc cho các ngành kinh doanh, dịch vụ hoạt động lại, học sinh đến trường, thành phố cũng lên kế hoạch cho người từ các nước đang có dịch, hay lây nhiễm nCoV, khi đến Việt Nam phải được xét nghiệm ngay lúc xuống máy bay, rời xe lửa, ôtô và được cách ly 14 ngày nếu có dấu hiệu nghi ngờ lây nhiễm.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, liệu cách biện pháp ngăn chặn nguồn lây nhiễm từ nước ngoài như vậy đã đủ an toàn? Tại sao chỉ những người nghi nhiễm đến từ vùng dịch mới bị cách ly, mà không cách ly có thu phí tất cả những ai từ nước ngoài về? Bởi ai cũng viết Covid-19 đã và đang lan rộng trên phạm vi toàn cầu với diễn biến hết sức phức tạp. Trong khi không phải nước nào cũng có khả năng kiểm soát cũng như phương pháp chống dịch đúng đắn. Đó là chưa kể những người không đến từ vùng dịch nhưng đi qua hoặc quá cảnh tại khu vực có dịch (dù chưa phát hiện ra) cũng không phải là ít. Tất cả đều là những nguy cơ tiềm tàng lây nhiễm Covid-19 vào Việt Nam.
Việc tạm dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, áp dụng từ 0h ngày 22/3. Ngoài ra, chúng ta còn tạm dừng nhập cảnh vì lý do dịch bệnh với tất cả các trường hợp mang giấy miễn thị thực được cấp cho người gốc Việt Nam và thân nhân. Trước đó, từ 0h ngày 21/3, mọi hành khách đến Việt Nam buộc phải cách ly tập trung 14 ngày.
Đến nay, dịch trong nước về cơ bản đến lúc này đã được kiểm soát. Vấn đề đáng lo ngại nhất chỉ còn là người nhập cảnh. Trong thời điểm này, điều quan trọng nhất là cần hạn chế tối đa cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, ít nhất cho tới khi có vaccine hoặc nếu tới thì bắt buộc phải cách ly 14-22 ngày cho dù có nhiễm bệnh hay không. Ngay cả việc xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh cũng chưa chắc đảm bảo an toàn vì có những ca mới mới nhiễm chưa đủ lượng virus để cho kết quả dương tính hoặc tỉ lệ âm tính giả của que thử.
Việt Nam đã ghi nhận nhiều trường hợp như vậy. "Bệnh nhân 22" điều trị ba tuần, có ba lần xét nghiệm âm tính, được xuất viện và cách ly đủ 14 ngày. Đến ngày 10/4, xét nghiệm lại cho kết quả dương tính. Ở Trung Quốc có một số trường hợp lúc đầu kết quả âm tính nhưng khi xét nghiệm lại, lại dương tính với nCoV. Thế giới cũng ghi nhận nhiều người tái dương tính sau khi khỏiCovid-19. Do đó, để tránh hậu quả nghiêm trọng, tôi đề xuất những người từ nước ngoài về (dù không phải từ vùng dịch) phải cách ly tập trung toàn bộ và phải đượ làm xét nghiệm ngay khi xuống sân bay tới khi hết thời hạn cách ly. Chi phí cách ly sẽ do cá nhân hoặc công ty chịu hoàn toàn.
Trung Quốc từng chứng kiến làn sóng nhập cảnh ồ ạt với tâm lý "tìm nơi an toàn" sau khi nước này kiểm soát được dịch bệnh ở Vũ Hán. Sau khi nới phong tỏa tại Hồ Bắc, tâm Covid-19, nước này liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm nCoV "ngoại nhập", làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch thứ hai khi dịch bệnh "nhập ngược". Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy đến với Việt Nam thời gian tới, khi lệnh cách ly được nới lỏng hoặc dỡ bỏ và chúng ta không ghi nhận thêm ca bệnh nào mới.
Tính đến 6h ngày 22/4, Bộ Y tế không ghi nhận thêm ca dương tính nCoV, đánh dấu 6 ngày không ca nhiễm mới. 52 người đang điều trị. Như vậy, đến lúc này, tổng số ca nhiễm tại Việt Nam vẫn là 268, số người khỏi bệnh cả nước là 216, hơn 67.000 người đang được cách ly. Đây là một tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến ngăn chặn Covid-19 lây lan cộng đồng tại nước ta.
Tuy nhiên, những con số này vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn thành công cuối cùng của cuộc chiến. Nguy cơ vẫn còn hiện hữu, nhất là khi chúng ta tiến hành nới lỏng giãn cách xã hội, khôi phục kinh tế, và mở cửa trở lại với người từ nước ngoài. Nếu không làm gắt gao, bao nhiêu công sức cách ly xã hội, ngưng trệ kinh tế của chúng ta suốt thời gian qua sẽ trở thành vô nghĩa. Thái độ và cách hành động của Việt Nam với nguồn lây nhiễm "ngoại nhập" sẽ quyết định thành bại sau cùng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Bảo Nam