Đọc nhiều bài viết, ý kiến phản ánh về tình trạng lạm dụng còi xe ở Việt Nam, đồng thời so sánh với thói quen lái xe im lặng ở các nước phương Tây, tôi rất thông cảm với nỗi khó chịu của những người bị tiếng còi "tra tấn". Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, dù tôi không ủng hộ việc bấm còi vô tội vạ, nhưng phải thú thật, để tránh hoàn toàn việc này khi tham gia giao thông trong nước là rất khó.
Tại Mỹ, phương tiện chính để di chuyển đường dài của người dân là ôtô. Trên đường phố hầu như không có xe máy qua lại. Thế nên, xét một cách khách quan, giao thông ở Mỹ không phức tạp như tại Việt Nam. Luật giao thông tại đây cũng nghiêm ngặt, phạt nặng và thậm chí truy tố hình sự người vi phạm nghiêm trọng. Thế nên, các tài xế buộc phải tự có ý thức tuân thủ luật lệ khi lái xe tham gia giao thông. Đó cũng là lý do tiếng còi xe rất hiếm khi được bắt gặp trên đường phố.
Trong khi đó, quay lại với câu chuyện giao thông ở Việt Nam, cụ thể là tại các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội, có thể thấy một thực trạng là xe máy, ôtô, xe đạp, xe chở hàng, thậm chí người đi bộ cũng đều sử dụng chung một làn đường, điều đó khiến giao thông ở ta trở nên vô cùng phức tạp. Nhiều người cho rằng không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, nhưng chỉ khi rơi vào tình huống cụ thể, chúng ta mới có thể hiểu rõ mình sẽ hành xử thế nào?
Tôi lấy ví dụ, khi bạn đang lái ôtô mà xe máy bất ngờ cắt ngang đầu, hoặc chen vào làn dành riêng cho ôtô, hay ở giao lộ không có đèn tín hiệu và các phương tiện cứ mặc sức di chuyển không ai nhường ai... khi đó mọi thứ sẽ xảy ra theo hướng rất khó đoán trước. Nếu không dùng tới tiếng còi thì nhiều khả năng bạn sẽ gặp va chạm với các phương tiện khác hướng.
>> Sáu năm bị tra tấn bởi tiếng còi xe
Có lẽ nhiều người đã sống quen ở nước ngoài, quen với cuộc sống thảnh thơi, với việc tham gia giao thông không bị áp lực thời gian, nên mới cảm thấy bị sốc vì nhịp sống gấp gáp ở các thành phố lớn trong nước. Thực tế, tôi đi du lịch ở các thành phố nhỏ như Phan Rang, Phan Thiết, Tuy Hòa hay Buôn Ma Thuột... thấy rằng tiếng còi xe cũng rất hiếm. Thế nên, mỗi nơi đều mang đến những trải nghiệm khác biệt, tùy thuộc vào nhịp sống và môi trường giao thông ở mỗi địa phương chứ không hoàn toàn là "đặc sản" văn hóa lái xe ở Việt Nam như vậy.
Bản thân tôi cũng đang ở Đức, nhưng cũng không thể so sánh giao thông của một nước tiên tiến, đã phát triển vài trăm năm, có cơ sở hạ tầng giao thông tốt bậc nhất thế giới, với một nước đang phát triển như Việt Nam được. Điều đó sẽ là rất khập khiễng. Chưa kể, giữa một thành phố nhỏ, có vài trăm ngàn dân ở Đức, với thành phố mười mấy triệu dân như TP HCM thì cách vận hành giao thông chắc chắn cũng khác hẳn.
Thế nên, thay vì cái gì cũng so sánh, chê bai, tôi nghĩ rằng chúng ta nên kiên nhẫn, hiểu rằng đất nước sẽ ngày càng tốt hơn. Tôi lấy ví dụ, trong tương lai, khi các tuyến Metro được hoàn thiện và đưa vào vận hành đồng bộ, người dân sẽ ngày càng sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn thay vì xe máy. Lúc đó mật độ giao thông sẽ giảm đáng kể, kết hợp với tăng mức phạt vi phạm giao thông thì đương nhiên ý thức lái xe của người dân cũng sẽ được cải thiện.
Khi đường thông, hè thoáng và ý thức giao thông tốt lên, người dân cũng sẽ bớt phải sử dụng còi xe hơn vì ai cũng đi đúng luật. Dĩ nhiên là chúng ta không thể đòi hỏi điều đó phải xảy đến ngay trong một sớm một chiều được, nhưng nó là xu hướng phát triển tất yếu. Tôi cũng mong đất nước mình ngày càng phát triển và người Việt tham gia giao thông sẽ đỡ phải căng thẳng khi di chuyển. Đó là lúc tiếng còi xe cũng sẽ trở nên xa xỉ trong đời sống xã hội.
- 'Tiền phạt nặng làm lộ ra nhiều người lái xe không hiểu luật'
- 'Ôtô đi thẳng hàng để xe máy bớt khổ'
- 'Phạt nặng người cố ý vi phạm giao thông thay vì người vô tình mắc lỗi'
- Vòng luẩn quẩn 'kẹt xe, đường bé nên phải leo vỉa hè'
- Xe rùa bò trên Quốc lộ như 'chim mồi' bẫy vi phạm giao thông
- Bị phạt vì đi xe máy lên vỉa hè nhưng đổ lỗi tại ôtô