Vấn đề nhập tịch cầu thủ hiện nay là một chủ đề nóng. Nhập tịch có thể là một chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển của chính cầu thủ nội? Nhập tịch sẽ trở thành chiến lược đúng đắn và hiệu quả hay trở thành công thức ăn xổi? Điều đó hoàn toàn nằm trong sự tính toán và lựa chọn của những người làm bóng đá.
Cốt lõi của vấn đề là cách sử dụng cầu thủ nhập tịch thế nào, mức độ, tỷ lệ ra sao cho phù hợp, chứ không phải nhập tịch hết cả 11 cầu thủ trên sân. Muốn biến nhập tịch thành một chiến lược, chúng ta cần xác định đâu là các vị trí cần thiết mà mình đang yếu và dùng cầu thủ nhập tịch vào đúng vị trí đó.
Thập niên 90, Nhật Bản nhập tịch ngôi sao gốc Brazil - Wagner Lopes. Chính sự có mặt của cầu thủ này đã góp phần cực kỳ quan trọng giúp Nhật lần đầu có vé dự World Cup 1998. Nhận thấy hiệu quả của chiến lược đúng đắn này, người Nhật lại đưa một cầu thủ Brazil khác lên tuyển để tiếp tục công cuộc phát triển bóng đá. Lần này, người được chọn thậm chí còn là một cầu thủ da màu - Alessandro Santos.
Thời điểm đó, giữa một tuyển Nhật Bản nhiều cầu thủ da vàng thấp bé, bỗng xuất hiện một cầu thủ da trắng, dong dỏng cao và một cầu thủ da đen đến từ vùng đất nhiệt đới Brazil. Hình ảnh đó thực sự là một việc lạ lùng, gây rất nhiều sự chú ý của dư luận. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, tuyệt nhiên không có bất kỳ một quốc gia nào lên tiếng chỉ trích hành động của Nhật Bản, hay coi thường danh dự của bóng đá đất nước mặt trời mọc vì điều đó. Bởi vì nhập tịch cầu thủ, trong quan niệm của bóng đá thế giới, chẳng liên quan gì đến lòng tự hào dân tộc.
Cả hai cầu thủ nhập tịch trên đều từng khoác áo Nhật Bản dự World Cup vào các năm 1998 và 2006. Bản thân họ không có một chút nào dòng máu Nhật Bản nào chảy trong huyết quản. Nhưng chính sự có mặt của họ đã gây áp lực to lớn lên rất nhiều cầu thủ Nhật Bản lúc bấy giờ. Nó đã thúc đẩy các cầu thủ nội địa buộc phải tìm cách phấn đấu vượt ngưỡng, nhằm đạt tới trình độ của các cầu thủ nhập tịch, thậm chí vượt lên cao hơn nữa để có thể cạnh tranh một suất đá chính, nếu như không muốn bị loại khỏi ĐTQG.
>> Bài học nhập tịch cầu thủ của Nhật Bản để bóng đá Việt thoát 'ao làng'
Đến thời điểm này, sau gần 30 năm, có thể nói rằng, chiến lược của Nhật Bản đã thành công mỹ mãn. Giờ đây, đội tuyển Nhật Bản đã không còn phải nhập tịch thêm một cầu thủ nước ngoài nào nữa, bởi cầu thủ của họ đã phát triển tới một trình độ ngang ngửa với châu Âu và Nam Mỹ rồi. Những cái tên như Mitoma, Endo, Minamino, Kubo, Ito... hay trước đó là những huyền thoại Nakata, Nakamura, Kesuke Honda... thậm chí còn chơi hay hơn nhiều cầu thủ hạng A khác ở châu Âu, mặc dù thể hình của họ vẫn rất thấp bé hơn so với các đồng nghiệp từ châu lúc khác.
Thành quả đó của người Nhật có sự đóng góp không nhỏ từ các cầu thủ nhập tịch như Lopes và Santos - những người đã dùng sự cạnh tranh của mình để giúp cho cầu thủ nội địa Nhật Bản phát triển vượt bậc. Và đến đây chúng ta đã thấy được hiệu quả to lớn có được từ việc nhập tịch cầu thủ với sự phát triển của cả một nền bóng đá. Người Nhật đã biến việc nhập tịch cầu thủ thành chiến lược vĩ đại để phát triển bóng đá nước nhà, hoàn toàn không có một chút tư duy ăn xổi nào cả.
Tôi rất khâm phục người Nhật, không phải vì cái văn hóa cúi người xin lỗi, hay là văn hóa xếp hàng ngay ngắn, hay chuyện nhặt rác sau khi xem bóng đá. Thứ tôi cảm phục ở họ là sự chấp nhận gác cái tôi, cái sĩ diện hão qua một bên, để thực hiện mục tiêu lớn lao cho đất nước. Lòng tự tôn dân tộc là rất đẹp đẽ, rất đáng trân trọng nếu nó được đặt đúng chỗ. Nhưng nếu muốn phát triển, đôi khi chúng ta phải tạm thời cất cái "lòng tự tôn dân tộc" ấy sang một bên, đừng để nó bóp nghẹt những bộ não sáng tạo, trở thành gông cùm trói chặt sự phát triển của của đất nước.
Trên thế giới, chơi thể thao để giành lấy vinh quang cho cá nhân và cho đất nước. Ở đâu có vận động viên giỏi là họ sẵn sàng chiêu mộ về để giành lấy vinh quang. Tinh thần thể thao, tinh thần dân tộc có nghĩa là khi bạn chơi cho một quốc gia nào, quốc kỳ nào, bạn cũng hết lòng phụng sự cho quốc gia đó, không cần biết bạn sinh ra ở đâu, da và tóc bạn màu gì, không phân biệt dòng máu bạn mang. Đó mới là tinh thần thể thao chân chính.
Thậm chí, trong khu vực ĐNA, tư duy và nhận thức chúng ta còn đang đi sau cả Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan. Và chưa biết chừng nếu, chúng ta cứ tiếp tục đứng yên thì ngay cả Campuchia, Lào cũng sẽ sớm vượt mặt.
Kiệt Nguyễn Tuấn
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.