"Ở Việt Nam, tôi thấy rõ một điều, với nhiều gia đình, giáo dục cũng là một dạng đầu tư. Nghĩa là, các bậc phụ huynh bỏ ra của cải, tiền bạc, để đầu tư cho việc học của con em mình. Song song với đó, họ đặt niềm kỳ vọng lớn lao về những "lợi nhuận" thu được từ công cuộc đầu tư này.
Thật ra, tôi thấy rằng ý nghĩa ban đầu của việc đầu tư này là hoàn toàn chính đáng, không có gì sai. Bởi xét cho cùng, ai cũng muốn con em mình được học tập trong những môi trường tốt nhất, sau này lớn lên sẽ thành công và thành nhân. Có chăng là cách thức đầu tư của một số người cha mẹ chưa đúng, chẳng hạn như:
- Nhiều phụ huynh bỏ hàng đống tiền cho con em mình tham dự các khóa học kỹ năng sống, nhưng lại "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" khi chúng ở nhà và ở ngoài xã hội.
- Nhiều phụ huynh sẵn sàng "chịu chi" cho con em mình học trường xịn, nhưng lại phó thác hoàn toàn việc học của chúng cho nhà trường, cho thầy cô.
- Nhiều phụ huynh sẵn sàng chịu chi, thậm chí vay nợ cho con em mình được đi du học đây đó, nhưng lại quên mất việc nói cho chúng biết rằng bố mẹ chúng phải khổ cực ra sao để có số tiền cho chúng vươn xa như thế.
Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, để có một điều gì đó tử tế, tốt đẹp, thì luôn phải đánh đổi, đó là thực tế, nhưng lại luôn hướng con em mình theo con đường "phi thực tế": không phải đánh đổi gì, mà vẫn có thể có được điều tử tế. Làm như vậy, chẳng khác nào chúng ta đầu tư vào thực tế bằng những hành động phi thực tế. Vậy thì làm sao có thể mong đợi những lợi nhuận thực tế?".
Đó là quan điểm của độc giả Duy Khang về câu chuyện đầu tư giáo dục cho con cái của các bậc cha mẹ Việt hiện nay. Nhiều cha mẹ ở một số nước Á Đông thường có suy nghĩ phải làm hết sức để có nhiều tiền để đảm bảo cho con được học hành ở những môi trường tốt nhất hoặc những điều kiện vật chất để con không thua kém bạn bè. Chúng ta vẫn thường nghe nói tới quan niệm "đầu tư vào giáo dục là khoản đầu tư tốt nhất", và phần đông phụ huynh đều coi đây là kim chỉ nam nuôi con của mình.
Tuy nhiên, đầu tư giáo dục thiếu định hướng, áp đặt đôi khi sẽ dẫn tới những hệ quả ngược, bạn đọc Thuminh nhận định: "Tôi dạy luyện thi năng khiếu vẽ đến nay cũng hơn chục năm. Tôi từng tiếp xúc với rất nhiều bạn trẻ rơi vào hoàn cảnh đam mê nhưng không được cha mẹ ủng hộ. Các bạn đã phải cố gắng rất nhiều trước sự ngăn cản của gia đình, thậm chí cả cô giáo cấp ba.
Có bậc phụ huynh cư xử rất tệ: đánh, chửi, đuổi con ra khỏi nhà; có giáo viên chê bôi học sinh ngay trên lớp... chỉ vì các em cố theo đuổi được ước mơ của mình. Tôi cũng thấy nhiều bậc phụ huynh rất xem nhẹ ước muốn của con mình, luôn cho rằng mình đúng mà không quan tâm đến việc các con có yêu thích ngành đó hay không? Kết quả là:
1. Con nghe lời bố mẹ theo học ngành mình không thích. Nhưng trong quá trình học, con không có động lực hoặc bỏ ngang, rồi giấu bố mẹ đi thi lại ngành mình muốn.
2. Con cương quyết đấu tranh tới cùng trước sự phản đối của gia đình khiến cả hai bên đều rất khổ sở và mệt mỏi.
Đây là một thực trạng rất đáng buồn đang diễn ra tại Việt Nam. Tôi mong các bậc phụ huynh nên suy nghĩ kỹ cho tương lai của các em trước khi áp đặt suy nghĩa của mình lên trẻ".
>> Các ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.