(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Hiện tại cách phòng chống dịch chúng ta đang làm chủ yếu là phát hiện các ca bệnh dựa trên yếu tố dịch tễ (đi đến từ vùng dịch, ổ dịch, có tiếp xúc gần với người bị mắc hoặc nghi mắc Covid19), yếu tố lâm sàng là các yếu tố quan sát được ngay như ho, sốt, khó thở.
Khi tìm được người bị bệnh F0, chúng ta sẽ khoanh nhóm F1 (người tiếp xúc gần với người bệnh), F2 (người tiếp xúc gần với F1), và thậm chí tìm cả đến F3, F4 và tiến hành cách ly các nhóm này. Phương pháp này cho đến nay đã thực sự phát huy rất hiệu quả nhờ cách làm việc rất triệt để của cơ quan chức năng và sự đồng lòng của người dân.
Để phương pháp này thành công, điểm cốt lõi nhất là sàng lọc và tìm được người bị bệnh F0 càng sớm càng tốt. Tuy vậy, theo tôi chúng ta cũng có những vấn đề sau:
1. Dịch bệnh lây ra cộng đồng càng rộng thì việc chỉ sử dụng các yếu tố dịch tễ sẽ càng mất sự chính xác. Ví dụ một người tên là A ở Hà Nội bị sốt và ho, anh ta sẽ ra hiệu thuốc và được người bán thuốc đưa thuốc giảm sốt, giảm ho, tiêu đờm và có thể thêm kháng sinh phổ rộng uống. Trạm y tế của phường, CDC của quận, hoàn toàn không biết về trường hợp này.
Cũng là anh A này, giả sử ngày hôm trước đi về Lai Châu thăm họ hàng, ở Lai Châu mọi người sẽ coi anh A này là người có yếu tố dịch tễ (đi về từ Hà Nội) và việc sốt, ho của anh A sẽ được gia đình, chính quyền xã và CDC lưu ý. Anh A rất có thể sẽ được cách ly trong vài ngày, thậm chí lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ngay nếu bệnh tình không thuyên giảm. Như vậy trong trường hợp này, việc áp dụng các yếu tố dịch tễ là không đồng đều, sẽ rất khó để phát hiện sớm những trường hợp có triệu chứng ngay cả khi người bệnh ở giữa thủ đô.
>> Lối chơi của Việt Nam và Đức trong 'trận bóng' Covid-19
2. Có thể hiệu thuốc, không phải bệnh viện, là nơi các ca bệnh ẩn sẽ đến đầu tiên.Mặc dù chúng ta đã rất cố gắng khi sàng lọc F1, F2 nhưng tôi cho rằng có thể sẽ có những người bị bỏ sót. Những trường hợp này do họ không biết họ là F1, F2 nên khi bị bệnh với các triệu chứng như sốt, ho, có thể họ sẽ ra ngay hiệu thuốc để mua thuốc về uống, chứ không đến bệnh viện. Điều này là rất phổ biến ở Việt Nam do nhiều yếu tố như thói quen, sợ bệnh viện, phòng khám và có thể là cả vấn đề kinh tế nữa. Họ sẽ không nghĩ mình có thể mang mầm mống bệnh và như thế họ sẽ ở cộng đồng và âm thầm lây bệnh cho nhiều người. Chỉ 10 - 15% số người mang bệnh sẽ thực sự bị nặng như viêm phổi và sẽ phải đến bệnh viện.
Ở đây bệnh viện có thể làm xét nghiệm, phát hiện Covid-19 và chính quyền sẽ cách ly F1, F2 của bệnh nhân nặng này. Tuy vậy 85-90% trường hợp còn lại ở cộng đồng vẫn đang lây lan, bệnh viện, chính quyền hoàn toàn không biết. Nhưng có một người có chuyên môn về y khoa sẽ biết, và biết rất sớm, đấy là dược sĩ (chính quy hoặc không chính quy) người bán những viên thuốc giảm đau, hạ sốt đầu tiên cho nhóm người này.
Số ca bị bệnh được xác nhận bao giờ cũng là bề nổi của tảng băng. Tỷ lệ phần nổi và phần chìm sẽ khác nhau ở từng nước, từng giai đoạn. Đất nước chúng ta còn nghèo, cơ quan chức năng không thể nào thực hiện những xét nghiệm diện rất rộng như cả một quận hay thành phố để có con số chính xác được. Nguồn lực phòng bệnh phải cân đối với nguồn lực chữa bệnh như hai mặt của một đồng xu.
Và nếu chúng ta phát hiện và kiểm soát tốt các trường hợp không có yếu tố dịch tễ mà ho, sốt 24 - 48 tiếng (1-2 ngày) không giảm, thì rất có thể chúng ta sẽ có thể phát hiện sớm thêm nhiều ca nữa.
>> Nỗi lo Đông Nam Á 'vỡ trận' như châu Âu
Do vậy, theo ý kiến của tôi, chúng ta có thể làm thêm một số việc sau để phát hiện sớm các ca bệnh Covid-19 trong cộng đồng.
1. Kiểm soát việc bán thuốc hạ sốt tại các hiệu thuốc. Người mua thuốc hạ sốt là người đang có viêm nhiễm. Chỉ bán thuốc hạ sốt cho người thường trú tại địa phương. Các dược sĩ ở các hiệu thuốc cần lấy thông tin của người mua và thông báo cho trạm y tế phường về các trường hợp mua thuốc hạ sốt. Người mua thuốc hạ sốt cũng cần phải khai báo y tế.
2. Nhân viên y tế phường theo dõi những trường hợp bị sốt trong phường. Nếu 24 - 48 tiếng mà không đỡ, thì phải đặt vấn đề có phải Covid-19 hay không?
3. Y tế và công an phường chú ý đặc biệt đến nhóm người lao động phổ thông. Họ có thể là những người có kinh tế khó khăn, có bệnh không dám khám thậm chí còn phải tiết kiệm tiền thuốc, ở tập trung, đông người, khả năng tiếp cận thông tin ít. Theo tôi đây là nhóm người dễ bị tổn thương và cần quan tâm nhất.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.