(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tới thời điểm hiện tại, chúng ta chứng kiến mỗi nước chống dịch Covid-19 theo các cách không ai giống ai và cũng cho các kết quả rất khác nhau. Chúng ta thấy hai mô hình chống dịch phát huy hiệu quả nhất hay được đem ra so sánh là cách của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tôi xin nêu quan điểm về hai mô hình chống dịch này. Trước hết tôi điểm lại một số phương pháp hiệu quả đã áp dụng ở các nước:
1. Phong toả toàn bộ, cấm người dân ra ngoài nếu không cần thiết, kể cả đi làm trong tầm 1-3 tháng.
2. Khóa một phần, vẫn giữ lại các hoạt động kinh doanh tạo ra giá trị kinh tế lớn, người dân vẫn được đi làm, hạn chế một số hình thức kinh doanh không thiết yếu, khuyến khích người dân ở nhà.
3. Giữ khoảng cách xã hội: Khuyến cáo người dân không tụ tập đông người, giữ khoảng cách với nhau 1-2m.
4. Test nhanh số lượng lớn nhằm truy vết F1 lẫn tìm kiếm ngẫu nhiên trong cộng đồng. Việc rửa tay, đeo khẩu trang là biện pháp nước nào cũng nên áp dụng.
>>Tôi đang ở Đức, không đeo khẩu trang
Trung Quốc đã sử dụng cách thứ nhất, Hàn Quốc sử dụng cách thứ hai, ba, tư. Để so sánh cách nào tốt hơn, trước tiên chúng ta hãy nhìn kết quả hiện tại:
- Trung Quốc: Hiện nay mỗi ngày thêm tầm 40 ca mắc mới. Nhưng tìm hiểu kỹ chúng ta thấy các ca này đều là ngoại nhập bị cách ly 14 ngày, nên coi các ca này đã kiểm soát được, trong nước có tầm từ 0-2 ca mỗi ngày, nhiều ngày không có ca nào.
- Hàn Quốc: Ba tuần gần nhất mỗi ngày đều khoảng 100 ca mắc mới (chúng ta thấy sự tăng giảm có tính chu kỳ theo tuần do lịch làm việc của người dân, tầm thứ 2, thứ 3 sẽ có số ca mắc thấp nhất).
Ban đầu tôi rất ấn tượng với cách của Hàn Quốc, vì trong ngắn hạn sẽ không gây tốn kém và xáo trộn như cách một, vẫn giữ các doanh nghiệp hoạt động, mọi người vẫn làm việc mà khống chế được dịch kể cả khi dịch vào giai đoạn bùng phát.
Tuy nhiên cuối cùng cách của Hàn Quốc chỉ hướng tới một ngưỡng bão hòa (tức là mỗi ngày số người mắc mới bằng với số người ra viện), với Hàn Quốc ngưỡng này tầm 100 người mắc mới mỗi ngày, nếu tỉ lệ chết 1% thì trung bình có thêm 1 người chết/ ngày.
Nếu một người trung bình hai tuần khỏi bệnh thì khi bão hòa có khoảng 100*14=1400 bệnh nhân trong bệnh viện một thời điểm, cũng không gây quá tải y tế. Lý giải cho hiện tượng tại sao số người mắc không về 0 là do khi dịch phát triển rộng, các cụm nhiễm lớn, như Tân Thiên Địa hàng nghìn người mắc, khi tóm được một người điều tra F1 sẽ lôi được ra được cả nghìn người, đồng thời việc kiểm tra ngẫu nhiên ngoài xã hội sẽ có tỉ lệ bắt được người dương tính cao. Chính vì thế Hàn Quốc nhanh chóng khống chế được mặc dù dịch bùng phát mạnh.
>>Hai lối suy nghĩ về khẩu trang của người Á- Âu
Tuy nhiên khi các cụm lớn bị bắt hết chỉ còn nhiều cụm nhỏ âm thầm thì lại khó khăn hơn rất nhiều. Khi ít người bị nhiễm thì tỉ lệ dương tính khi xét nghiệm ngẫu nhiên cũng giảm rất nhiều. Mà khi tìm được một người chúng ta chỉ lần ra được một số lượng nhỏ người, nếu sót có thể âm thầm phát triển thành nhiều cụm nhỏ khác, vì tuy áp dụng giãn cách xã hội nhưng khi người dân đi làm khó tránh khỏi tiếp xúc với nhau.
Muốn dập hẳn dịch Hàn Quốc phải áp dụng kèm thêm các biện pháp khác nữa. Có thể gọi cách của Hàn Quốc là cách khống chế dịch chờ vaccine. Khả năng có vacxin đại trà mất tầm 6-12 tháng nữa (các nước nói dự kiến mất 12-18 tháng, với tình hình này có thể được đẩy nhanh hơn tầm 6 tháng, nhanh thì tháng 10 sẽ sản xuất đại trà). Để tới Việt Nam và tiêm đại trà tôi nghĩ mất thêm tầm 3-6 tháng nữa.
Nếu 6-12 tháng có vacxin số người chết vì đại dịch sẽ còn tăng.
Cách của Trung Quốc hiểu đơn giản là cấm tối đa, người bị bệnh chỉ có thể lây lan trong gia đình. Sau 1-2 tháng một là sẽ tự khỏi, hai là đến bệnh viện và được chữa trị, ba là tử vong chứ không lây lan. Mặt khác cách này có tác dụng rất lớn là làm mỗi người dân do đều trải qua khổ cực khi bị cấm dài ngày nến sẽ nhìn về một hướng, có ý thức hơn trong việc giãn cách xã hội, bảo vệ gia đình, làm tỉ lệ lan truyền R0 < 1, về sau nếu có ca bệnh trong cộng đồng cũng không lan ra mạnh, dần dần sẽ tự biến mất. Khi hết dịch vẫn kiểm soát người nhập cảnh phải cách ly, xét nghiệm.
>>Trump sợ kinh tế Mỹ 'mắc dịch' trước người dân
Như vậy tôi gọi cách Trung Quốc là phương pháp dập dịch không cần vacxin và cách Hàn Quốc là khống chế dịch chờ vaccine. Cách Trung Quốc gây ra cảm giác quá tiêu cực, chắc chắn sẽ gây thiệt hại kinh tế lớn lúc đầu, xáo trộn nhiều thành phần kinh tế nên các nhà đầu tư và người dân chưa tới bước đường cùng hầu hết đều thích lựa chọn cách của Hàn Quốc.
Vậy nếu phải lựa chọn giữa hai phương pháp dập dịch và khống chế dịch chờ vacxin, tôi nghĩ Việt Nam sẽ thiên về phương pháp dập dịch, do cách của Hàn Quốc về lâu dài sẽ gây mất mát thêm người.
Tuy nhiên để dập dịch trước khi có vacxin không phải chỉ có một con đường duy nhất là cấm như Trung Quốc. Tôi thấy cách của VN đang áp dụng rất hứa hẹn có thể đạt được mục tiêu dập dịch. Việt Nam áp dụng cách thứ hai, thứ ba và truy vết F1, nhưng khác là ở cách 2, Việt Nam áp dụng khá mạnh mẽ hơn Hàn Quốc, nhưng cũng không tiêu cực như Trung Quốc. Đồng thời việc truy vết F1, F2 cũng làm quyết liệt hơn Hàn Quốc.
Test nhanh thì chưa được bằng Hàn Quốc do vẫn phải mua, nguyên liệu giờ cũng khan hiếm. Tuy nhiên test nhanh hiệu quả nhất chỉ khi dịch lan rộng và test tầm vài chục nghìn test / ngày mới hiệu quả, tình hình như Việt Nam nên dùng để ra soát các bệnh viện, những người có triệu chứng là tốt nhất.
Việt Nam cũng thuận lợi là chưa để dịch lan rộng như ở Hàn Quối. Việt Nam nên tận dụng các tuần mạnh tay cách ly xã hội để đẩy mạnh xét nghiệm các khu vực nguy cơ cao, test người có triệu chứng ở các bệnh viện trên cả nước, kiểm tra người nước ngoài nhập cảnh thì tôi tin sau 4 tuần cơ bản dập được dịch.
>> Lối chơi của Việt Nam và Đức trong 'trận bóng' Covid-19
Dựa vào tình hình thế giới hiện nay tôi thấy khả năng nhiều nước khác sẽ lựa chọn con đường khống chế dịch chờ vacxin. Như vậy sau này dù cách ly 14 ngày, xét nghiệm với người nhập cảnh cũng không thể đảm bảo không có người lọt do thời gian ủ bệnh lâu.
Việt Nam sau bốn tuần chắc chắn không thể đạt tới độ mọi người đều nhìn chung một hướng, chỉ cần 10% số người không tự giác dịch bệnh vẫn lan ra, tỉ lệ R0 > 1, các ca bệnh lọt lưới hoặc chưa hết sau thời gian cách ly đầu tiên sẽ âm thầm phát triển theo cấp số nhân, sẽ phải thực hiện cách ly xã hội thêm nhiều lần. Vì thế thành công hay thất bại thực sự dựa vào sự đồng lòng của người dân.
Nhà chức trách nên khuyến khích giãn cách xã hội, test thường xuyên các điểm nóng như bệnh viện, một mặt phải đưa ra các chế tài mạnh mẽ phạt người vi phạm, vì chỉ 10% số người không có ý thức thì công sức 90% còn lại sẽ đổ sông đổ bể. Cả nước đồng lòng, Việt Nam sẽ chiến thắng dịch bệnh nhanh chóng.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.
Minh Trí