Đằng sau chiến thắng của mỗi trận đấu luôn là một chiến thuật được vận dụng hiệu quả. Chiến thuật được xây dựng trên cơ sở tính toán và đánh giá thực lực, ưu nhược điểm của bên mình để khắc chế những đòn tấn công nguy hiểm từ đối phương. Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng. Trong bài viết này, tôi xin trình bày về cách tiếp cận của người Đức và của chúng ta trong việc phòng chống dịch Covid-19 dưới góc nhìn của chiến thuật bóng đá – môn thể thao vua mà ai cũng biết.
Đúng vậy, hoàn toàn có thể so sánh trận chiến chống Covid-19 như một giải bóng đá thế giới mà nước nào cũng có thể (phải) tham gia. Đội nào trụ được lâu, ít tổn thất thì sẽ là đội chiến thắng. Các giải thưởng (cũng là mục tiêu) quan trọng của "đại hội thể thao" này là: 1. Giữ sạch lưới. 2. Ít bị thủng lưới. 3. Giữ thế trận không bị "toang".
Luật thi đấu là: mỗi đội (nước) sẽ thi đấu với đội Covid-19, không giới hạn số hiệp (cả chính lẫn phụ) và trận đấu chỉ kết thúc khi đội Covid-19 chán không buồn chơi nữa, hoặc bị đả bại tuyệt đối. Ngoài ra, cho phép các đội tham gia thông đồng nhau để cùng chiến đấu với đội Covid-19 và được điều phối (cared) thông qua một tổ chức gọi là WHO.
Tuy nhiên, trên thực tế thì khả năng phối hợp này vẫn có nhiều hạn chế. Việc này không quá bất ngờ vì đã được phản ánh đầy đủ về ý nghĩa bởi từ WHO cares. Do đó, ở giải đấu này có thể xem là đội nào biết đội đấy là chính, gọi là tự lực cánh sinh.
Việt Nam ta đã chính thức tham gia giải đấu. Mà đã tham gia là phải thắng, đặc biệt khi chúng ta đá trên sân nhà. Nhưng để niềm tin chiến thắng không phải là viển vông thì chúng ta cần xây dựng một chiến thuật hợp lý.
Nghĩa là, như đã nói ở trên, chúng ta cần hiểu luật, tôn trọng đối thủ, biết ưu điểm cũng như hạn chế của mình để ra đối sách cho từng kịch bản cụ thể trên sân đấu. Cũng cần lưu ý đây là giải đấu dài, nhanh thì vài ba tháng, chậm thì vài ba năm. Do đó, nhiều khía cạnh, đặc biệt là về nhân vật lực, cần được hết sức lưu tâm và tính toán hợp ý.
Về mặt nguyên tắc thì có ba chiến thuật chính là: tấn công, phòng thủ và kết hợp cả hai. Tùy từng sức mạnh của đội và thời điểm trận đấu mà xem xét nên sử dụng chiến thuật nào để đạt hiệu quả cao cho toàn trận. Chúng ta có thể phân tích rút kinh nghiệm từ các đội đang thi đấu trực tiếp.
Hãy nói về đội Đức
Những năm gần đây, đội Đức hay dùng chiến thuật tấn công tổng lực và đá pressing tầm cao trong các trận đấu. Cách tiếp cận này thay thế cho chiến thuật đổ bê tông và tiền đạo cắm ngày trước, vốn được gọi là cỗ xe tăng Đức. Vì sao chiến thuật mới (có vẻ đẹp mắt) lại được sử dụng ở Đức trong trận đấu với Covid-19? Sau đây là vài thông tin tôi tìm hiểu được:
Sau trận đấu với Ebola năm 2014, Đức đã cho củng cố dàn hậu vệ phân bố đều trên cả nước với tổng 497 nghìn giường bệnh, trong đó có 28 nghìn giường điều trị tích cực, 60 phòng áp lực âm và 1.200 đơn vị chăm sóc đặc biệt. Đi kèm là nhiều chuyên gia được đào tạo bài bản để vận hành các trung tâm này.
Những người này thậm chí mong tiếp nhận ca cấp cứu để được thỏa mãn thể hiện kỹ năng thực hành chuyên môn của mình. Người Đức nói rằng, ngay cả những trường hợp khó họ cũng tự tin sẽ cứu được bệnh nhân khi đưa vào những phòng điều trị đặc biệt. Điều họ lo ngại là nếu bị tấn công dồn dập (số bệnh nhân nhiều) thì khả năng đáp ứng của hệ thống sẽ kém (hiện có 17 nghìn y tá).
Do đó, chiến thuật của Đức là câu giờ càng nhiều càng tốt, vì họ không thể dùng chiến thuật liên tục chạy đuổi theo bóng nữa. Mục đích chính là để giảm tải cho hệ thống phòng ngự cũng như để một số tiền đạo có cơ hội phát triển hệ thống tấn công trực tiếp.
Hiện nay, nhóm tiền đạo ở Marburg và Tübingen đang phát triển loại thuốc tiêm phòng dịch coronavirus với tín hiệu tích cực, sắp tới sẽ thử nghiệm trên động vật để có thể đầu năm sau ra vaccine. Có tin là "ông bầu Donald Trump" của đội Mỹ muốn mua lại "cầu thủ "này với giá cao (hàng tỷ đôla) để về chỉ đá cho đội Mỹ.
Về phía Đức, đã thành công giữ chân "cầu thủ" này để phục vụ cho Đức và Châu Âu, cũng như cả thế giới nói chung. Tuy nhiên, thời gian ra vaccine đòi hỏi như vậy là quá lâu.
Do đó, Đức đang điều chỉnh chiến thuật tấn công bằng cách cố gắng sau vài ba tuần sẽ ra thuốc điều trị trước đã. Việc giảm áp lực cho dàn hậu vệ được thực hiện bằng một số biện pháp như hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách và rửa tay thường xuyên. Những điều chỉnh mang tính tổng thể cũng được thực hiện như hủy các sự kiện trên 1.000 người tham dự, đóng cửa trường học và một số đơn vị cho phép người lao động làm việc ở nhà (home office).
Trước diễn biến quá nhanh của trận đấu, Đức đã tiếp tục điều chỉnh chiến thuật và mới đây nhất là thực hiện việc khóa hệ thống (lockdown). Đó là việc chủ động chặn các đường bóng từ biên (khu vực tiếp giáp với Áo, Pháp, Đan Mạch). Bayern vốn vẫn là nơi cung cấp nhiều cầu thủ giỏi và đội trưởng Söder vừa tổ chức phát triển hệ thống phòng thủ ở mức cao hơn nữa, đó là shutdown tạm thời hệ thống.
Theo đó, chỉ có một số dịch vụ được tiếp tục hoạt động bao gồm: siêu thị, hiệu thuốc, bưu điện (dịch vụ chuyển phát) và giao thông cơ bản. Bayern hiện có 4 nghìn giường điều trị tích cực, trong ít ngày nữa sẽ lắp đặt thêm 6 nghìn để đạt con số 10 nghìn giường bệnh.
Theo phân tích của "trợ lý huấn luyện viên", 6% ca nặng cần điều trị tích cực. Như vậy, năng lực Bayern có thể đáp ứng cho 166 nghìn ca nhiễm tại một thời điểm.
Một vấn đề cần giải quyết là nhân lực y tế. Bayern đang kêu gọi những người đã nghỉ hưu, những sinh viên trường y đều tham gia đá chính trong trận đấu này. Có thêm sự bổ sung của Bayern, tổng số giường điều trị tích cực của Đức sẽ là 34 nghìn, đủ đáp ứng cho khoảng 567 nghìn ca nhiễm. Chiến thuật shutdown trước mắt áp dụng trong 2 tuần. Điều này sẽ hạn chế tốc độ lây nhiễm, và theo đánh giá của tôi, hiệu quả có thể quan sát được bắt đầu từ ngày thứ 10.
Chiến thuật của Việt Nam
Những năm gần đây, điều kiện sân bãi ở Việt Nam được cải thiện, công tác đầu tư vào cầu thủ được thực hiện tốt hơn. Tuy nhiên, ở hai biên (Hà Nội và TP HCM) của phía sân Việt Nam, mỗi nơi chỉ chịu được khoảng 1.000 cú sút. Nhiều hơn là rất dễ vỡ trận. So với đội Đức được phân tích ở trên, chúng ta không thể chơi chiến thuật tấn công tổng lực được và cần liệu cơm gắp mắm. Hiện nay chúng ta đang thực hiện việc bắt chặt và đánh chặn từ xa.
Mỗi khi bóng ở bên sân Việt Nam, chúng ta thực hiện chiến thuật đeo bám quyết liệt, áp sát tốc độ cao, cố gắng bắt chết tại chỗ, không để bóng bật nảy hoặc lăn sang khu vực khác.
Việc phòng ngự số đông, nhiều lớp (F1, F2..., Fn) đã phát huy hiệu quả nhất định (dù cũng có nhược điểm, sẽ bàn ở bài viết khác). Trong mấy phút đầu, đối phương chơi bóng sệt, thường xuất phát nhiều từ đường biên (với TQ), chúng ta đã chặn hiệu quả và trong gần một tháng đã giữ cho bóng không thể sang được phần sân của Việt Nam.
Tuy nhiên, thế trận thay đổi liên tục. Đối phương chuyển sang chơi bóng bổng, khai thác các lỗ hổng ở hai cánh Nội Bài và Tân Sơn Nhất với những cú chuyền xa từ Hàn Quốc, Anh, Pháp thậm chí từ Mỹ. Trong một tình huống nhạy cảm, chúng ta đã để lọt lưới một bàn ("cầu thủ số 17" đá phản sân nhà) và tiếp theo là một số bàn khác không đáng có (số 21), đặc biệt việc đá phản tai hại của số 34. Sau vài phút choáng váng, chúng ta đã chấn chỉnh ngay đội hình và chặn ngay các cú chuyền dài từ châu Âu và đường biên dọc có rủi ro tiềm năng (Campuchia), đồng thời tiếp tục củng cố các đường biên ngang (với TQ).
Hiện giờ, hậu vệ hai bên cánh Nội Bài và Tân Sơn Nhất chủ yếu thực hiện những cú đẩy bóng trở ra, trong khi các hậu vệ khác cố gắng bắt dính ngay khi bóng chạm đất trên sân nhà, đặc biệt khi thu các cầu thủ có nguy cơ chấn thương về. Các miếng đánh chặn đang được thực hiện chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng và tỏ ra hiệu quả.
Về hàng tiền vệ, cầu thủ từ lò đào tạo Học viện quân y, bằng kỹ thuật cá nhân xuất sắc, phối hợp ăn ý với cầu thủ Công nghệ đã thành công trong việc nhận dạng tình huống bóng. Việc này giúp đội hình của chúng ta ổn định, thêm tự tin và đang kiểm soát tốt trận đấu. Điều này cho thấy cầu thủ trong nước có thể chơi tốt, không cần bị động chờ đợi các cầu thủ nhập tịch về thi đấu.
Trận đấu vẫn đang tiếp tục và có những phút phần gay cấn. Một số bài học kinh nghiệm trong những phút vừa qua:
1/ Hạn chế lỗi cá nhân: Trong trận đấu quyết liệt này, mỗi một cầu thủ chỉ cần lơ là có thể phạm lỗi. Những lỗi cá nhân tưởng nhỏ như không thông tin đầy đủ đường chạy cá nhân (số 17, 21 và 34) gây hậu quả nghiêm trọng và làm hàng hậu vệ mệt nhọc chạy theo kèm người. Việc đá phản lưới nhà, bán độ là tội đồ đúng nghĩa.
2/ Không để đối phương phá bẫy việt vị: chúng ta không thể chơi liên tục kiểu dựng xe buýt được, bóng đá hiện đại không thế. Với sự giao lưu quốc tế sâu rộng, nguy cơ phản việt vị là có. Các đường chuyền liên tục từ nước ngoài về hai cánh Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất dễ vượt qua hàng hậu vệ. Hiện nay đối phương chủ yếu thực hiện các cú chọc khe để khoét thủng hàng hậu vệ cánh của chúng ta. Do vậy, hãy xác định đây là điểm mấu chốt cần đánh chặn ngay từ đầu và hết sức cảnh giác.
3/ Chặn bóng từ các quả ném biên: Những cú ném biên dọc hiện nay ngày càng có nguy cơ nguy hiểm (từ Campuchia). Chúng ta cần cảnh giác đánh chặn ngay từ đầu.
4/ Ổn định khu trung tuyến (Đà Nẵng): Đây là khu vực có nhiều khách du lịch, cũng cần phải theo sát và sẵn sàng chặn bóng.
5/ Bắt bóng dính: Vị trí thủ môn cần bình tĩnh, tỉnh táo và ra vào hợp lý, không để bóng qua đầu, vượt khỏi tay lăn vào lưới. Chúng ta đã bị vài quả như thế rồi. Khả năng bắt bóng bổng vẫn luôn cần được cải thiện.
6/ Phản ứng linh hoạt: Nếu không may để mất bóng, cần phải đánh chặn và chuyển sang phòng ngự số đông. Lưu ý, khả năng bóng được chuyền bổng vượt hàng hậu vệ là có, ví dụ từ Hà Nội đến TP HCM hay Phan Thiết.
7/ Phát triển tấn công từ hàng tiền vệ: Hàng tiền vệ đang làm tốt (test kit), làm tiền đề để tiền đạo tiếp tục phát triển các mũi tấn công mới, trực tiếp vào đối thủ. Hiện nay, việc nghiên cứu thuốc chữa trị là điều quan trọng hàng đầu và cấp bách. Vaccine cần nhiều thời gian hơn.
8/ Tuyệt đối tuân thủ chiến thuật: Một chiến thuật thực hiện tốt nếu các cầu thủ trên sân luôn tuân thủ chiến thuật. Và rồi có một cầu thủ đã không tuân thủ chiến thuật, gây khó khăn cho đội. Việc này cần phải chấn chỉnh ngay với án phạt nghiêm khắc.
9/ Cầu thủ dự bị: Việc phòng ngự số đông và đá pressing trên các tuyến rất dễ mất sức. Do đó, cần có chiến thuật luân chuyển cầu thủ vào sân một cách hợp lý. Đào tạo và huấn luyện các cầu thủ trẻ, sẵn sàng đá chính khi cần thiết.
10) Cổ động viên: thường xem là cầu thủ thứ 12 trên sân. Cổ động viên hãy yên tâm, tin tưởng cũng như bình tĩnh trước các tình huống nguy hiểm, tránh sự lo lắng thái quá. Có thể thực hiện bằng cách: ủng hộ, tiếp sức cho các cầu thủ trên sân hoặc có nguy cơ bị thương (đồ ăn, thức uống, khẩu trang, thiết bị y tế,... ). Cũng cần kiểm soát tinh thần, cổ động viên quá khích. Các bài hát cổ động sẽ luôn cần thiết.
Chúng ta tự tin, không chủ quan, tôn trọng đối thủ bằng việc đánh giá đúng mức những nguy hiểm mà đối thủ có thể gây ra và thực hiện các chiến thuật một cách nghiêm túc, chắc chắn sẽ giành chiến thắng.
Tóm lại, cách tiếp cận của cả hai đội Đức và Việt Nam đều hợp lý đối với điều kiện về sân bãi, cầu thủ của mình. Dù bạn đang đá cho đội nào thì hãy tin tưởng vào ban huấn luyện của mình, bình tĩnh, tự tin, chơi hết mình và điều quan trọng là đừng bao giờ đá phản lưới nhà. Thân ái và quyết thắng.
>> Bài viết cùng tác giả: Dịch nCoV - nên để bà hay cháu đi chợ?
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.