Ngày mùng Sáu Tết, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bắt đầu quay trở lại làm việc. Trường tôi cũng khai xuân hôm nay. Tôi vẫn giữ thói quen dậy sớm từ 5h30 như thường lệ, chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà, gọi con gái dậy đi học, ăn sáng. 7h, hai mẹ con tôi ra khỏi nhà, tôi đưa con đến lớp rồi đến cơ quan. 7h30, tôi đã có mặt ở cơ quan, bắt đầu ngày làm việc đầu năm mới một cách nghiêm túc.
Sau một kỳ nghỉ Tết dài chín ngày với những buổi tiệc thâu đêm suốt sáng với gia đình, bạn bè..., nhiều người rơi vào trạng thái kiệt sức, tâm lý uể oải, hụt hẫng và vẫn tiếc nuối khi quay trở lại với công việc. Đồng nghiệp, bạn bè của tôi vẫn than thở: "Ước gì hôm nay mới chỉ là 26 Tết". Có người còn mong được nghỉ Tết cả tháng cho thỏa. Ngay cả con gái nhỏ của tôi cũng ước được nghỉ thêm, chưa phải đi học. Các sinh viên của tôi nói rằng "thèm được ở nhà lâu hơn".
Dù kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm nay kéo dài tới chín ngày, nhiều hơn mọi năm hai ngày, nhưng việc phải dậy sớm đi làm, đi học vẫn như một cơn ác mộng đối với nhiều người. Không ít người đặt chân đến cơ quan với tâm lý chán nản, u uất. Trước Tết háo hức, mong chờ bao nhiêu, thì sau Tết họ lại càng thêm thất vọng, hụt hẫng, chán chường, không muốn động tay vào việc gì. Cảm xúc tiêu cực này khiến nhiều người không có hứng thú làm việc, học tập, chỉ chờ đến giờ tan làm để đi về.
Việc cạn kiệt năng lượng sau Tết không chỉ xảy ra với bạn bè đồng nghiệp của tôi, mà là tình trạng chung mà nhiều người gặp phải. Thực tế, tâm lý chán nản, hụt hẫng, thất vọng, không thể bắt nhịp với công việc sau những kỳ nghỉ lễ, Tết dài ngày là chuyện khá phổ biến.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến mọi người rơi vào tình trạng này, như: Kỳ nghỉ lễ chấm dứt đột ngột, làm cho họ mất phương hướng, hụt hẫng và chán nản; hoặc do chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu cân bằng, không lành mạnh trong kỳ nghỉ (sử dụng nhiều đồ ăn có đường, chất béo, rượu, bia...) khiến cơ thể mệt mỏi, uể oải, ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc. Ngoài ra, những chuyến đi chơi liên tục trong ngày lễ cũng khiến nhiều người trở nên kiệt sức, không có đủ năng lượng để trở lại làm việc...
>> Cả Tết tôi không ra khỏi nhà, chẳng buồn dọn dẹp
Nhưng dù do nguyên nhân nào thì nó cũng đã và đang tác động tiêu cực đến công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên..., khiến cho các hoạt động bị trì trệ. Một nhân viên vui vẻ, năng động chắc chắn sẽ sẵn sàng sáng tạo, đề xuất những ý tưởng mới, chấp nhận thách thức và rủi ro. Ngược lại, một nhân viên với tinh thần chán nản, mệt mỏi sẽ giảm khả năng tập trung, giải quyết công việc.
Cách mà tôi làm để giữ được nhịp sinh hoạt bình thường sau nghỉ Tết, đó là luôn rèn bản thân duy trì thói quen dậy sớm, dù đó là ngày đi làm hay ngày nghỉ lễ. Suốt cả Tết, tôi luôn thức dậy vào 5h30 để chuẩn bị đồ ăn. Sau khi ăn sáng xong, tôi pha một tách trà thảo mộc để thưởng thức. Vừa ngắm hoa, vừa uống trà, vừa ăn mứt hay cái bánh ngọt khiến tâm trạng tôi thư thái, phấn chấn hơn rất nhiều, có đủ năng lượng tích cực để làm việc cả ngày. Nhờ có thói quen dậy sớm nên dù là mùng Sáu Tết, vừa mới đi khai xuân, nhưng tôi đã có mặt rất sớm ở cơ quan như ngày thường, không hề khổ sở vì đi làm muộn như nhiều đồng nghiệp khác.
Tôi cũng đề ra mục tiêu và lên một kế hoạch thật cụ thể cho cả năm. Những kế hoạch được phân theo mức độ từ thấp đến cao và sắp xếp ưu tiên cho những dự định có tỷ lệ thành công lớn để tạo cảm hứng, năng lượng làm việc dồi dào cho những ngày đầu năm. Tôi dự tính cần làm thêm những công việc gì để kiếm tiền, cân bằng chi tiêu, tiết kiệm tiền để nuôi hai con gái ăn học. Với việc đặt ra mục tiêu từ đầu năm như thế, khi bắt tay vào làm việc, tâm trạng của tôi rất bình thản, kiên định làm mọi việc theo dự định, chứ không bị vướng phải tâm lý trì hoãn như nhiều người mắc phải.
Tôi nghĩ rằng, những ngày đầu đi làm sau khi nghỉ Tết, mọi người cần cân bằng giữa làm việc, học tập và nghỉ ngơi. Mỗi người cần điều độ việc ăn uống, tập thể dục, thư giãn, giải trí. Mọi người nên chọn một kỹ năng mới để học, xây dựng kế hoạch làm việc, đặt kỳ vọng vừa sức bản thân... Có những người sẽ mất vài ngày, có người mất đến cả tuần, cả tháng để làm việc, học tập trở lại. Thay vì trì hoãn làm việc, tiếc nuối kỳ nghỉ Tết đã qua, mỗi người nên tự tìm ra niềm hứng khởi mới cho bản thân để không lãng phí thời gian một cách vô ích.
- 'Ba ngày đi chúc Tết không được ai mời ở lại dùng bữa'
- Câu hỏi bao giờ lấy chồng tra tấn tôi cả Tết
- Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
- Tôi 'nghỉ Tết' chứ không 'ăn Tết'
- Ba ngày Tết ở nhà vợ như tra tấn
- Bắt tội nhau vì nồi thịt kho hột vịt ngày Tết không ai ăn