"Tôi ghét nhất là những câu hỏi thọc vào đời tư của người khác đến mức vô duyên như 'bao giờ lấy chồng?'. Tôi tự hỏi những người đã xây dựng gia đình chắc gì đã hạnh phúc hơn người độc thân mà cứ thúc người người khác? Tết là để sum họp vui vẻ chứ đâu phải tra tấn tâm lý nhau.
Tôi luôn tin rằng, chờ đến khi nào gặp được người có thể bao dung, thấu hiểu, yêu thương mình thật lòng rồi mới tính chuyện lập gia đình. Vội vàng làm chi chuyện cả đời? Tất nhiên, tôi không nói là không kết hôn mới tốt, nhưng tôi cũng không vội vàng lấy chồng, bởi vì hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời người. Ngay cả những người đặt ra những câu hỏi riêng tư đó, chắc gì đã có hôn nhân hạnh phúc?
Những câu hỏi vô duyên ấy từ những người xung quanh có thể là do họ thực lòng quan tâm, nhưng cũng có thể là những người vô tình hoặc cố tình chọc ngoáy và làm phiền tôi. Đơn giản chỉ vì tôi suy nghĩ và hành động khác biệt với số đông".
Đó là chia sẻ của độc giả Hale về những căng thẳng, áp lực khi liên tục bị thúc ép lấy chồng mỗi dịp Tết đến. Trong khoảng 5 năm qua, người trẻ sợ Tết ngày càng phổ biến. Độ tuổi trên 25 thường rơi vào tình trạng này bởi đây là giai đoạn phải đối mặt với kỳ vọng xã hội về sự ổn định, lương thưởng và chuyện lập gia đình. Khảo sát của VnExpress Tết 2023 cho thấy 44% người tham gia sợ Tết vì phải chi tiêu nhiều, 27% lo ngại bị hỏi về lương thưởng, 26% e ngại bị giục cưới, chỉ 3% lo vì trực Tết hoặc lý do khác.
Cùng rơi vào trạng thái ức chế khi sự riêng tư bị can thiệp quá đà, bạn đọc Lambabycute kể lại: "Chị tôi đi Mỹ 33 năm trước. Sau đó, chị học hành thành tài, giờ đã 51 tuổi. Cũng chính vì tập trung phát triển sự nghiệp, bản thân cũng không thích sinh con nên chị vẫn chưa đẻ. Đến sau này, chồng đề nghị nên chị mới làm IVF một lần, không được thì thôi. Ấy vậy mà mỗi lần về Việt Nam là hàng xóm, bà con ở quê ai cũng hỏi dồn: 'Sao không sinh con?'. Lúc đầu chị còn cười trừ, nhưng sau đó chị đáp lại thẳng thừng: 'Đẻ không được'. Từ đấy tôi không thấy ai hỏi chị nữa".
>> Tôi đáp trả những câu hỏi vô duyên ngày Tết của nhà chồng
Tuy nhiên, không phải lúc nào sự phản kháng cứng rắn cũng mang lại hiệu quả, độc giả Mun.nguyenvn bình luận: "Thay vì im lặng trước câu hỏi: 'Bao giờ lấy chồng?', tôi từng trả lời: 'Sắp rồi, bác cứ yên tâm'. Những tưởng vậy là thôi nhưng người bác họ lại hỏi tiếp: 'Sắp là bao giờ, nghe câu này bao nhiêu năm nay rồi?'. Tôi lại cười trừ: 'Cuối năm nhé bác'.
Bác tôi vẫn chưa chịu buồn tha, hỏi tiếp: "Cuối năm nào? Nói bao nhiêu cái cuối năm rồi? Mải mê công việc không lo chồng con rồi tới lúc già ai chăm, chết ai hương khói? Để bố mẹ già trông ngóng thế là bất hiếu đấy'. Và thế là tôi không còn có thể bình tĩnh, khéo léo được nữa. Đáng buồn hơn là nhiều khi bố mẹ tôi cũng bị ảnh hưởng phần nào bởi những tư tưởng kiểu này, rồi quay sang nói với con: 'Hay thôi lấy về trước rồi yêu sau'".
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện này dưới góc độ tích cực hơn, bạn đọc Duc Phan nhận định: "Stress không đến từ việc dám thực hiện một hành động nào đó. Stress đến từ việc bạn từ chối hoặc trì hoãn thực hiện một hành động mà trong sâu thẳm tâm trí, bạn luôn nghĩ là nên làm. Nên nếu bạn chưa có khả năng mỉm cười hay cảm ơn người ta trước những câu hỏi đó, thì cứ mặc kệ lý do người ta hỏi (do muốn trêu chọc hay chỉ là vì tò mò), thì chắc chắn bạn vẫn đang cảm thấy căng thẳng. Nếu bạn thực sự 100% cho rằng không xây dựng gia đình là tốt nhất cho bản thân, thì tại sao phải ngán những câu hỏi như vậy?".
- Treo biển 'ăn Tết văn minh không hỏi bao giờ lấy chồng?'
- Sợ Tết vì bị 'tra tấn' chuyện bao giờ mới đẻ?
- 'Cả nhà đi xe 45 chỗ ra sân bay đón một Việt kiều về nước ăn Tết'
- Tiền ăn chỉ 2 triệu một tháng nên tôi không sợ Tết
- Tôi 'nghỉ Tết' chứ không 'ăn Tết'
- Bắt tội nhau vì nồi thịt kho hột vịt ngày Tết không ai ăn