Sau cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi năm 2018, tình báo Mỹ nhận định Thái tử Mohammed bin Salman, lãnh đạo thực tế của Arab Saudi, là người đã ra lệnh tiến hành vụ ám sát. Báo cáo này đã khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Arab Saudi phần nào rạn nứt, dù tổng thống Donald Trump vẫn duy trì chính sách thân thiết với Riyadh.
Mọi thứ thay đổi khi ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ. Trong quá trình tranh cử, ông từng tuyên bố sẽ khiến Arab Saudi "phải trả giá". Sau khi nhậm chức, ông cho công bố báo cáo tình báo về vụ sát hại Khashoggi và áp lệnh trừng phạt một số người có liên quan, dù không có động thái nào chống lại chính Thái tử Mohammed.
Chính quyền Biden cho hay họ không sẵn sàng chấm dứt mối quan hệ gần 8 thập kỷ với Arab Saudi, một đồng minh quan trọng trên nhiều mặt.
"Saudi Arab là một đối tác quan trọng của chúng tôi trong đối phó với chủ nghĩa cực đoan ở khu vực, cũng như các thách thức từ Iran", Ngoại trưởng Antony Blinlen nói hôm 1/6. Ông thêm rằng nhân quyền quan trọng, nhưng Mỹ "phải cân nhắc tổng thể lợi ích của chúng tôi trong mối quan hệ đó".
Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền liên quan đến vụ Khashoggi và vai trò của Arab Saudi trong cuộc chiến ở Yemen đã khiến quan hệ giữa Riyadh và Washington lao dốc. Tổng thống Biden kể từ khi lên nắm quyền đã nhiều lần từ chối đối thoại trực tiếp với Thái tử Mohammed.
Hồi tháng 3, sau khi Mỹ áp lệnh cấm dầu Nga, một số quan chức Nhà Trắng đã tới Riyadh, thúc giục Arab Saudi tăng sản lượng khai thác dầu để hạ nhiệt giá dầu thế giới. Thái tử Mohammed đã không đáp ứng đề nghị này của Mỹ.
Nhưng sau thời gian dài tăng sức ép cô lập với Thái tử Mohammed, ông Biden đang lên kế hoạch tới thăm Riyadh vào cuối tháng 6, sau khi tới công du Israel và gặp Thủ tướng Naftali Bennett.
Dù lịch trình cụ thể của chuyến thăm chưa được chốt, Tổng thống Biden nhiều khả năng sẽ gặp và bắt tay Thái tử Mohammed, cũng như hội đàm với nhiều lãnh đạp các quốc gia Arab khác như Ai Cập, Jordan, Iraq và UAE.
Động thái "làm hòa" với Arab Saudi được chính quyền ông Biden đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ, khiến giá xăng liên tục duy trì ở mức cao, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và đẩy tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.
Sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, ông Biden nhận thấy cần phải bắt tay với các ông lớn dầu mỏ khác để thay thế nguồn cung của Moskva và tạo sự ổn định cho thị trường năng lượng thế giới. Nhóm nước sản xuất dầu mỏ OPEC+, dẫn đầu là Arab Saudi, hôm 2/6 tuyên bố sẽ tăng sản lượng khai thác trong tháng 7 và 8.
Chính quyền Biden gần đây cũng tăng cường hợp tác với Arab Saudi trong nhiều vấn đề, đặc biệt là nỗ lực tìm cách chấm dứt cuộc chiến kéo dài 8 năm do Arab Saudi dẫn đầu ở Yemen. Một thỏa thuận ngừng bắn trong hai tháng được các bên tham chiến ở Yemen gia hạn vào ngày 2/6 và ông Biden đã lên tiếng ca ngợi Arab Saudi.
"Arab Saudi đã thể hiện khả năng lãnh đạo bằng cách sớm đưa ra các sáng kiến để ủng hộ và thực hiện điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn", ông nói.
Peter Baker và Ben Hubbard, hai nhà phân tích của NY Times, nhận định đây là một phần nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm hàn gắn rạn nứt trong mối quan hệ hai nước.
Giới chức Mỹ và Arab Saudi đã có nhiều chuyến thăm trong những tháng gần đây. Brett McGurk, điều phối viên Nhà Trắng về Trung Đông và Bắc Phi, tuần trước tới Arab Saudi để thảo luận về chuyến thăm của Tổng thống Biden và các vấn đề khác. Thứ trưởng Quốc phòng Khalid bin Salman, em trai Thái tử Arab Saudi, thăm Washington tháng trước và gặp Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.
Chính quyền Mỹ tỏ ra hài lòng khi Arab Saudi ủng hộ nghị quyết LHQ lên án chiến dịch quân sự của Nga hồi tháng 3 và Riyadh gần đây cũng gửi thông điệp thúc giục Moskva dỡ phong tỏa vùng biển quanh UKraine để giải phóng 25 triệu tấn lương thực mắc kẹt ở nước này.
Tuy nhiên, nỗ lực làm hòa của Tổng thống Biden có thể vấp nhiều rào cản, khi Arab Saudi vẫn hoài nghi với chính sách của ông, theo bình luận viên Baker và Hubbard. Ngoài việc công bố báo cáo về vụ sát hại Khashoggi, chính quyền ông Biden đã loại nhóm nổi dậy Houthi của Yemen khỏi danh sách tổ chức khủng bố, đảo ngược chính sách dưới thời Trump mà Riyadh vốn rất coi trọng.
Riyadh cũng bất bình với nỗ lực chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo của chính quyền Biden, cho rằng nó làm suy yếu mô hình kinh doanh của họ. Ngoài ra, Arab Saudi cũng lo ngại về khả năng Mỹ khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, điều mà Riyadh cho rằng có thể tăng ảnh hưởng khu vực cho Tehran.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Arab News tháng trước, Hoàng tử Turki al-Faisal, thành viên cấp cao trong hoàng gia Arab Saudi, tuyên bố Mỹ khiến họ cảm thấy thất vọng.
Bên cạnh việc Tổng thống Biden chưa gặp Thái tử Mohammed dù đã nhậm chức hơn một năm, quyết định loại bỏ các khẩu đội tên lửa phòng không Patriot của Mỹ khỏi Arab Saudi vào thời điểm vương quốc đang trở thành mục tiêu của máy bay không người lái, tên lửa của phiến quân Houthi ở Yemen cũng khiến Riyadh không hài lòng.
"Đó không phải là một sự việc đơn lẻ", Hoàng tử Turki nói. "Tôi nghĩ đó là âm hưởng chung của mối quan hệ hiện tại", Turki al-Faisal nói.
Động thái tăng sản lượng mà Arab Saudi cùng các quốc gia khác trong OPEC+ công bố ngày 2/6 có thể không tác động lớn đến giá xăng dầu tại Mỹ. Nhưng một số quan chức Mỹ tin tưởng rằng khi mối quan hệ song phương cải thiện, Arab Saudi sẽ tăng sản lượng dầu vào tháng 9 và đủ tác động tới thị trường.
Một số chuyên gia hoài nghi về điều này. Bruce Riedel, học giả Viện Brookings, nói chuyến thăm Riyadh của Tổng thống Biden chỉ có thể thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Yemen, thay vì đạt được một cam kết bơm thêm dầu ra thị trường.
"Thỏa thuận ngừng bắn có thể giúp cứu sống hàng nghìn người, đặc biệt là trẻ em ở Yemen", Riedel nói. "Nhưng người dân Mỹ đang nhìn vào giá xăng, chứ không phải Yemen. Arab Saudi dường như không làm bất kỳ điều gì đáng kể để bình ổn giá xăng dầu, cũng như không rõ họ có thể làm đủ để giúp giảm giá hay không. Chuyến thăm của ông Biden dường như không mang tới điều cử tri muốn là giá xăng giảm".
Thanh Tâm (Theo NY Times)