Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 31/3 ra lệnh xuất một triệu thùng dầu mỗi ngày trong 6 tháng liên tục từ Kho dự trữ Dầu Chiến lược (SPR) nhằm bình ổn giá xăng đang ở mức cao nhất trong 14 năm qua do ảnh hưởng từ khủng hoảng Ukraine và lệnh cấm dầu Nga.
Amber Phillips, nhà bình luận chính trị Mỹ kỳ cựu của Washington Post, cho rằng thông qua quyết định này, Tổng thống Biden đang nỗ lực khai thác vai trò của SPR. Quyết định của ông không chỉ nhằm bình ổn thị trường, mà còn tạo tác động tâm lý, giúp người Mỹ cảm thấy chính phủ đang nỗ lực để hạ nhiệt giá năng lượng giữa khủng hoảng, tạo ấn tượng rằng chính quyền Biden đang có bước đi vững chắc để người dân được mua xăng với giá rẻ hơn.
Kho dự trữ chiến lược được Mỹ lập ra sau cuộc khủng hoảng năng lượng vào đầu thập niên 1970, khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu Arab, bao gồm Iran, Iraq, Kuwait, Qatar và Arab Saudi, từ chối xuất khẩu dầu sang Mỹ vì nước này ủng hộ Israel trong Chiến tranh Arab - Israel năm 1973.
Lệnh cấm vận dầu mỏ với Mỹ kéo dài đến tháng 3/1974, khiến giá dầu tăng gấp 4 lần trên toàn thế giới, từ khoảng 3 USD lên gần 12 USD/thùng. Một năm sau, quốc hội Mỹ thông qua Luật Bảo tồn và Chính sách Năng lượng 1975, thành lập SPR để đề phòng trường hợp nguồn cung gián đoạn.
Ý tưởng xây dựng SPR chủ yếu để ứng phó với các cuộc khủng hoảng nguồn cung dầu, thảm họa thiên nhiên hoặc chiến tranh, không phải để tung dầu ra thị trường bất cứ khi nào giá tăng. "Chúng là một chính sách bảo hiểm", Meg Jacobs, chuyên gia năng lượng, tác giả cuốn Panic at the Pump, cho biết.
SPR gồm 4 kho dự trữ tại các hang muối sâu tới 1.000 mét ở Freeport, Winnie ở Texas và Lake Charles, Baton Rouge ở Louisiana. Những hang này được đào sâu xuống khu vực có đá muối, giúp lưu trữ dầu rẻ hơn và an toàn hơn so với bể chứa trên mặt đất, vì thành phần hóa học của muối và áp suất trong lòng đất ngăn dầu rò rỉ.
Các kho có thể chứa tối đa 714 triệu thùng dầu và đã được các đời tổng thống Mỹ nhiều lần ra lệnh xả kho mỗi khi có khủng hoảng hoặc thiên tai xảy ra. Sau siêu bão Katrina tàn phá nước Mỹ, tổng thống George W. Bush đã ra lệnh tung 11 triệu thùng dầu từ SPR ra thị trường.
Khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 1/2021, kho dự trữ dầu chiến lược của Mỹ có 638 triệu thùng. Ông Biden sau đó đã cho xuất 50 triệu thùng dầu trong nỗ lực hạ giá xăng hồi tháng 11/2021, và tiếp tục xả kho 30 triệu thùng hồi đầu tháng 3.
Quyết định hôm 31/3 của Tổng thống Biden là lần xả kho dầu lớn nhất của Mỹ từ trước tới nay, với khoảng 1/3 kho dự trữ của SPR được tung ra thị trường, có thể bắt đầu từ giữa tháng này. Ông Biden dự tính giá xăng ở Mỹ sẽ giảm 10-35 cent mỗi gallon (gần 3,8 lít). Giá xăng trung bình ở Mỹ trước khi ông Biden ra lệnh xả kho dầu là 4,23 USD/gallon, trong khi mức giá năm ngoái là 2,87 USD, theo Hiệp hội Ôtô Mỹ (AAA).
Trên lý thuyết, việc có nhiều dầu hơn trên thị trường sẽ khiến giá xăng giảm. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng vai trò bình ổn thị trường và hạ nhiệt giá xăng của SPR trong lần xả kho này sẽ không lớn và không được duy trì trong thời gian dài.
Người Mỹ đang tiêu thụ khoảng 20 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi SPR chỉ bơm thêm một triệu thùng mỗi ngày ra thị trường. "Lượng tiêu thụ dầu tại Mỹ quá lớn", Jacobs nhận định. "Do đó, Mỹ rất khó giảm đáng kể giá xăng bằng bất kể hình thức xuất kho nào".
Tuy nhiên, Jay Hakes, một chuyên gia về năng lượng của Mỹ, cho biết khi kết hợp với các chính sách khác, việc xả dầu dự trữ tại SPR vẫn có thể làm giảm giá xăng.
Chính sách đó bao gồm khuyến khích người Mỹ sử dụng ít xăng dầu hơn, đồng thời kêu gọi các quốc gia đồng minh tung dầu dự trữ chiến lược ra thị trường toàn cầu. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể khuyến khích các doanh nghiệp dầu khí trong nước tăng cường sản xuất.
"Có quá nhiều công ty đang chọn cách thu lợi trong hoàn cảnh bất thường, thay vì đầu tư thêm cho hoạt động sản xuất để tăng nguồn cung", Nhà Trắng cho biết trong thông cáo về động thái xả kho dầu chiến lược.
Tổng thống Biden đã yêu cầu quốc hội ra quy định buộc các doanh nghiệp dầu mỏ trả một khoản phí trong trường hợp có giấy phép khai thác mà không tiến hành khoan dầu trên đất của chính phủ liên bang.
Hakes cho rằng tác động lớn nhất của quyết định xả kho dầu dự trữ là củng cố tinh thần của người Mỹ, trong bối cảnh Washington ngày càng quyết tâm áp trừng phạt với lĩnh vực năng lượng của Moskva. "Việc người dân Mỹ biết rằng họ luôn có một nguồn dầu dự trữ chiến lược sẽ là điểm mạnh của đất nước", chuyên gia này nói.
Chuyên gia năng lượng Jacobs cũng cho rằng trong trường hợp này, kho dự trữ dầu có thể được coi như một vũ khí của Mỹ nhằm gây sức ép với Nga. "Vũ khí đó được thiết kế chính xác cho những tình huống như vậy", ông nói.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cũng phải đối mặt với thực tế rằng tung ra 1/3 trữ lượng tại SPR đồng nghĩa Mỹ sẽ có ít dầu hơn để ứng phó với những cuộc khủng hoảng khác trong tương lai. Quá trình bù đắp kho dầu cũng có thể mất 4-10 năm, đòi hỏi chính phủ Mỹ phải tìm cách mua thêm dầu trong bối cảnh nguồn cung trên thế giới đang khan hiếm.
"Ông Biden kỳ vọng rất lớn từ lần xả kho dầu này vào nền kinh tế, nhưng nếu nó không phát huy hiệu quả như mọng đợi, ông sẽ không còn thêm vũ khí quan trọng nào để tung ra", bình luận viên Phillips nhận định.
Kevin Book, chuyên gia năng lượng tại tổ chức tư vấn ClearView Energy Partners Mỹ, cũng cảnh báo hậu quả từ quyết định xả kho dầu kỷ lục của Tổng thống Biden.
"Vấn đề là điều gì xảy ra khi bạn tiêu hết khoản bảo hiểm của mình? Nếu chúng ta đối mặt với một cuộc khủng hoảng dầu mỏ khác thì sao", Book đặt câu hỏi. "Luật quy định sau khi xả kho, chúng ta phải tìm cách mua dầu để bù đắp trong vòng một năm. Nếu lúc đó giá dầu vẫn cao, người Mỹ sẽ chẳng vui vẻ gì".
Đức Trung (Theo Washington Post, NY Times)