Hiện tại, chứng chỉ IELTS là một "giấy thông hành" mà nhiều người đi làm không thể thiếu được, nếu không có, sẽ bị loại ngay từ vòng gửi xe. Còn việc sử dụng tiếng Anh trong cuộc sống như thế nào thì tùy theo khả năng mỗi người.
Năm 2018 con trai lớn của tôi nộp hồ sơ vào một trường đại học quốc tế tại Việt Nam, học ngành Machanical Engineering. Đầu vào họ yêu cầu phải trải qua bài kiểm tra TestAs gồm hai phần: giải quyết vấn đề với chuyên ngành, tổng thời gian làm bài 7 tiếng (sáng chiều), ngôn ngữ là tiếng Anh.
Khi trúng tuyển sẽ học một năm dự bị, những sinh viên nào chưa đạt chứng chỉ IELTS 6.0 trở lên sẽ được học khác lớp với các sinh viên đã đạt IELTS. Hết năm dự bị (Foundation Year - FY) nếu không đạt IELTS 6.0 sẽ bị loại, vì không đủ kiến thức để vào học chuyên ngành.
Ngoài ra còn phải hoàn thành ngôn ngữ thứ hai cấp độ A2 học tại trường. Khóa học chỉ tuyển 60 sinh viên một năm. Hết thời gian FY, các sinh viên rụng dần và cho đến năm thứ 4 chỉ còn khoảng hai phần ba số sinh viên.
Đến giờ này con trai lớn của tôi sử dụng tiếng Anh tốt là có quá nhiều cơ hội để lĩnh hội kiến thức của các giáo sư nước ngoài truyền đạt. Khi làm đồ án tốt nghiệp theo đề tài của giáo sư gợi ý, tham khảo các bài biết được đăng trên tạm chí khoa học thế giới rất nhiều để dễ dàng hoàn thiện đồ án.
Tổng số tiền tôi đầu tư cho hai con học Anh Văn ở trung tâm từ lớp 2 đến lớp 11 hết 120 triệu. Số tiền này không bằng tiền học bổng các con lãnh ở bậc đại học. Con trai thứ hai nay cũng đang học đại học ở ngôi trường này. Bố mẹ có tiền mua xe sang, biệt thự chỉ có muốn hay không, chứ không thể mua được kiến thức cho con trong thời gian ngắn.
Còn việc tác giả bài viết 'Thần thánh hóa' chứng chỉ IELTS như tấm giấy thông hành thắc mắc tại sao các ngôn ngữ khác như Đức, Nhật không phổ biến. Tôi xin trả lời: Học tiếng Nhật, Đức khi vào đại học chỉ du học tại hai nước này để học chuyên ngành. Còn học tiếng Anh thì có thể du học nhiều nước trên thế giới, tài liệu học rất nhiều.
Thời buổi này người ta đầu tư cho con học ngoại ngữ để tiếp cận với môi trường đào tạo tốt nhất ở các bậc học, chứ không còn khái niệm học ngoại ngữ để chỉ đi làm.
Ở tỉnh, việc học tiếng Nhật, Đức cũng không hề dễ. Khi con tôi bắt đầu học tiếng Nhật, trung tâm tổ chức được hai lớp. Khi học hết N4, chỉ còn được chưa đầy 5 học viên tiếp tục theo N3. Giáo viên bản ngữ hầu như rất ít tham gia giảng dạy.
Còn tiếng Đức muốn học thì tìm giáo viên dạy kèm, chứ chẳng có trung tâm nào dạy. Vì ngôn ngữ này ai có nhu cầu du học hoặc định cư ở Đức mới học. Vậy tiếng Anh vẫn là lựa chọn hàng đầu mà bố mẹ cho các con học.
Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.