"Học tiếng Anh để làm gì? Đó có lẽ là câu hỏi tôi và nhiều người hẳn đã từng đặt ra. Dù rằng cốt lõi ta đều có thể trả lời rằng học một ngôn ngữ là để giao tiếp, để sử dụng nó vào cuộc sống hằng ngày, hay xa hơn là sử dụng vào những bài viết, nghiên cứu...
Tuy vậy, đối với tiếng Anh, hiện nay mục đích học của nhiều người không chỉ là như thế. Khi nhiều người hiện nay đi học tiếng Anh mục đích chính không phải để biết ngoại ngữ nhằm sử dụng vào cuộc sống, học thuật, mà để có chứng chỉ, đã tạo nên nhiều hệ quả khác nhau.
Tiếng Anh, nếu ta nhìn nhận nó như một thứ ngôn ngữ thì mục đích khi học vẫn phải là để sử dụng nó vào cuộc sống, công việc. Các chứng chỉ ngoại ngữ, theo tôi, mục đích lớn nhất là để đánh giá năng lực, trình độ người học, có nhiều mục đích cho việc nhiều người có chứng chỉ ngoại ngữ, nhưng hầu hết xoay quanh việc công nhận trình độ.
Tuy vậy, có lẽ do độ phổ biến của tiếng Anh và nhiều loại chứng chỉ về trình độ của ngôn ngữ này, mà hiện nay có lẽ đã xuất hiện nhiều "cơn sốt" về chứng chỉ đã được đưa tin.
Tôi hiếm thấy một bài viết nói về việc sở hữu chứng chỉ tiếng Nhật, tiếng Trung hay tiếng Đức... được tuyển thẳng vào lớp chuyên ngoại ngữ đó, nhưng đã thấy đối với trường hợp tiếng Anh. Hay như việc ít thấy những người giỏi những ngoại ngữ khác được chia sẻ như là "JLPT N1 180 điểm", còn người điểm cao IELTS rất nhiều.
Có lẽ sự quan tâm đến tiếng Anh đã cho thấy chúng ta đã dần quan tâm hơn đến việc học ngoại ngữ. Nhưng, phải chăng chúng ta đã quá chú trọng vào tiếng Anh, mà lý do lớn nhất như trên tôi đã nói có lẽ do độ phổ biến của nó.
Sự quan tâm đến tiếng Anh ấy thực chất hiện nay là chú trọng vào các chứng chỉ của nó mà quên mất mục đích ban đầu của việc học ngôn ngữ. Các chứng chỉ tiếng Anh cũng không phải là rẻ khi người học vừa phải trả chi phí cao cho việc thi chứng chỉ, mà trước đó còn là chi phí ôn luyện.
Nhưng tuy vậy, nhiều người, nhiều bậc phụ huynh vẫn quyết tâm luyện thi hoặc cho con em luyện thi để lấy chứng chỉ để lấy lợi thế khi đăng ký việc học, việc làm.
Việc bất chấp quyết tâm luyện thi cũng xuất phát từ thực trạng nhiều nơi bắt đầu chấp nhận IELTS như tấm "giấy thông hành". Tuy vậy, khi chỉ chú trọng vào các chứng chỉ dẫn đến quên mất thực chất của việc học một ngôn ngữ là phải sử dụng được nó vào thực tế, vào giao tiếp, công việc, vì vậy, đã có nhiều trường hợp điểm IELTS cao nhưng vẫn khó giao tiếp khi sang nơi bản ngữ, vì sự biến đổi của một ngôn ngữ có số người nói lớn như tiếng Anh không thể nào gói gọn hết trong một bài thi chứng chỉ ngôn ngữ, hay chỉ vài năm trong lớp học.
Nhưng theo tôi, như vậy không có nghĩa chứng chỉ là không quan trọng, mà nó góp phần đánh giá một người học ngôn ngữ. Tôi cho rằng không nên quá "thần thánh hóa" hoặc ưu tiên một chứng chỉ, một ngoại ngữ quá nhiều, như hiện nay tiếng Anh, và chứng chỉ IELTS đang nhận được nhiều sự ưu tiên mà theo tôi là đã vượt quá mục đích chính của nó là một ngôn ngữ, chứng chỉ ngoại ngữ.
Có lẽ cũng sẽ có luồng ý kiến cho rằng nếu như không thích chứng chỉ ngoại ngữ thì chỉ cần không tham gia vào việc thi và ôn luyện. Tuy vậy, với việc nhiều nơi yêu cầu chứng chỉ như hiện nay, việc ôn chứng chỉ ngoại ngữ đã dường như phải trở thành "bắt buộc", nhất là đối với những học sinh, sinh viên, khi các chứng chỉ đã trở thành "mặt bằng chung" buộc phải có, vì thế không thể chỉ nói không tham gia là được.
Cuối cùng, để việc học ngoại ngữ được thực tế, ta phải nhìn xa hơn những chứng chỉ đơn thuần, việc có môi trường nhằm thực hành và phát triển với ngôn ngữ đó cũng rất quan trọng, về việc nhìn nhận chuyện học ngoại ngữ và sử dụng chứng chỉ thế nào có lẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như những góc nhìn khác nhau.
Riêng đối với tôi, tôi nghĩ không nên quá "thần thánh" một ngôn ngữ hay một chứng chỉ nào đó, nhất là khi ngôn ngữ là một thứ luôn thay đổi và cần gắn liền với thực tế. Có được việc sử dụng thực tế, rồi ta sẽ thấy ngôn ngữ không chỉ nằm trên những con số điểm 8.0 hay 9.0.
iive
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.