Tôi học tiếng Anh từ lúc bảy tuổi. Ở một thị xã miền Tây, tất cả những gì mà tôi có là bộ giáo trình tiếng Anh Streamline, mấy cuốn tự điển, băng cassette và các thầy cô ở trung tâm tiếng Anh của thị xã. Sau 10 năm cày cuốc trong những lớp học buổi tối, tôi thi IELTS được 6.5, vừa đủ để du học.
Chất lượng giảng dạy mà tôi nhận được ngày ấy rất hỡi ôi, mà phần lớn là vì điều kiện vật chất chỉ có từng ấy. Các giáo viên của tôi học tiếng Anh từ những năm 80, họ còn khổ sở hơn tôi nên trình độ cũng không cao. Họ phải cố gắng lắm để dạy dỗ những đứa trẻ như tôi. Hì hụi mãi thì cũng làm được một chút, tất cả đều nhờ vào sự cố gắng của thầy trò.
Giáo dục là một mặt hàng đặc biệt. Những thứ được dạy và những gì người học giữ lại và vận dụng được có một khoảng cách rất kỳ quặc. Nó có thể là rất kém, bằng, và hơn. Ngôn ngữ là môn học mà cái khoảng cách đó rất khó nắm bắt bởi nó phụ thuộc rất nhiều vào người học.
Vì vậy trong việc học ngôn ngữ, những gì được dạy chỉ chiếm một phần, còn lại đều trông chờ vào người học. Người học vừa phải chăm vừa phải giỏi thì mới trở nên thành thạo ngôn ngữ đó, ít nhất là cũng thành thạo vừa đủ dùng cho mục đích của mình.
Ngày tôi đi thi IELTS, tôi chả biết nó là cái gì cả. Nói ra thật buồn cười nhưng tôi đi xin học bổng và được tổ chức thi tiếng Anh. Lúc đó tôi mới biết là mình sẽ thi IELTS, vậy mà cũng được 6.5.
Tôi học tiếng Anh chỉ dựa vào chuyện "học thuộc lòng". Tôi ghét ngữ pháp học kiểu chia động từ và chọn cách nuốt trọn cả câu trong ngữ cảnh. Cách học đó giúp tôi rất nhiều, bởi khi nói người ta đâu có thời gian mà chia động từ.
Các trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm có nguyên nhân của nó. Các giáo viên dạy tiếng Anh phải có đủ "công lực" tiếng Anh thì mới dạy được. Các vị "tây ba lô" với tiếng Anh là bản ngữ có một lợi thế rất lớn là họ biết nói ngôn ngữ đó thành thạo, người học chỉ mỗi việc nghe và lặp lại là đã học được rất nhiều.
Cho dù họ không có chuyên môn sư phạm nhưng ngôn ngữ, do sự đặc thù của nó, khiến cho khoảng cách ấy được khỏa lấp. Người học chỉ cần áp dụng biện pháp như tôi, đó là nuốt trọn mấy câu chữ mà các vị ấy thốt ra rồi học thuộc lòng và lặp lại bằng cách viết hay nói là đã khá lên nhiều rồi.
Tuy vậy, sự thành công trong việc học ngôn ngữ tùy thuộc rất lớn vào sự chăm chỉ của người học. Các khóa học đắt tiền sẽ trở nên công cốc nếu người học không chú tâm vào việc học. Việc chọn khóa học, đặc biệt là cho trẻ em, chỉ có tầm quan trọng tương đối.
Các khóa học đắt nhất chưa chắc đã tốt mà các khóa học rẻ hơn chưa chắc đã xấu. Cái quan trọng là lựa chọn những gì phù hợp với bản thân và túi tiền rồi thật chăm chỉ mới tiến bộ được.
Những lầm tưởng về việc các ứng dụng có thể thay thế việc biết một ngôn ngữ là một sai lầm trầm trọng. Đừng nói là các ứng dụng dịch như Google translate vẫn còn rất yếu kém và sai be bét, mà việc sử dụng chúng khiến giao tiếp trở nên chậm chạp.
Bạn thử nghĩ xem, bạn nói tiếng Việt vào một ứng dụng, nó dịch sang tiếng Anh và phát âm cho người đối diện nghe. Sau đó người kia tiếp tục như vậy để bạn nghe bằng tiếng Việt, thì sẽ mất bao lâu? Trí thông minh nhân tạo có đạt tới trình độ đó thì người dùng sẽ vẫn phát điên với sự chậm chạp không thể tránh khỏi khi ngồi chờ máy dịch cho nghe.
Ngày xưa, khi cha mẹ tôi đổ tiền bạc và công sức vào sự học tiếng Anh cho tôi, bao người lắc đầu không thể hiểu nổi. Cũng lắm vị, đặc biệt là các giáo viên dạy các môn Toán - Lý - Hóa, nói rằng học tiếng Anh chỉ để nói chuyện với người nước ngoài thôi, chứ chuyên môn mới là quan trọng. Có người còn nói, học tiếng Anh ra trường chỉ có đi dạy với làm hướng dẫn viên du lịch mà thôi.
Cha mẹ tôi chỉ tiếp tục bắt con học tiếng Anh cũng như các môn khác. Sau cùng thì ngày xin đi du học, các môn khác điểm phải cao nhưng tiếng Anh mới là cái cửa ải cuối cùng mà các sinh viên phải vượt qua để được đi. Lúc đó thì mười năm ôm tự điển cassette tiếng Anh mới đáng đồng tiền bát gạo.
Khi các bạn làm việc cho các công ty nước ngoài hay cụ thể hơn là làm việc với bất kỳ đối tác nào không biết tiếng Việt thì biết tiếng Anh vẫn là quan trọng nhất. Các nhà khoa học quốc tế hiện tại thật ra họ đều biết tiếng Anh, bởi vì học phải đọc rất nhiều tài liệu khoa học bằng tiếng Anh thì mới nghiên cứu được.
Tôi biết như vậy vì tôi là luật sư chuyên về phát minh sáng chế. Các nhà khoa học ở các nước châu Âu ngoài Anh, các nhà khoa học ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc mà tôi đã từng làm việc cùng đều biết tiếng Anh ở mức độ cao, họ có thể giảng giải các phát minh của họ bằng tiếng Anh cho các luật sư nghe. Còn việc phát minh của họ thì cũng cần phải biết tiếng Anh, không thì họ đọc tài liệu thế nào?
Vì vậy, chúng ta hãy chăm chỉ học ngoại ngữ, mà cần nhất vẫn là tiếng Anh. Bỏ tiền để học là cần thiết, nhưng chỉ phát huy tác dụng nếu chúng ta chịu học. Còn bỏ tiền ra chỉ để "được dạy" mà không chịu học, thì sẽ có ngày chúng ta lại ngồi đó tức giận với mấy cái trung tâm ngoại ngữ bị mang tiếng oan là "làm tiền" mà thôi.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.