Đã bao giờ bạn hỏi tại sao có những người không đọc sách, học vấn không cao những vẫn rất thành công, trong khi lại có nhiều người học vấn rất tốt, đọc nhiều sách nhưng vẫn thất bại chưa? Những gì tôi viết ra dưới đây là đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên dựa trên quan điểm khoa học tìm hiểu "nó là gì" theo duy vật biện chứng, chứ không dựa vào quan điểm duy tâm biện luận "nó nên là gì".
1. Giải thích khái niệm
"Nó là gì": là cách trả lời đi vào vấn đề thực sự như vốn có tự nhiên của một vấn đề, không mưu lợi, không áp đặt, không cố định hình, không gán ghép..., chỉ quan sát, nhận thức đúng bản chất sự vật, hiện tượng. Đó là cách giải thích thường thấy ở duy vật biện chứng, của khoa học.
"Nó nên là gì": là cách trả lời đi vào vấn đề dựa trên sự mưu cầu lợi ích (có thể cho chính mình, có thể cho người khác, cộng đồng...), có tính áp đặt, có sự gán ghép..., suy luận, nhận thức dựa trên ý thức có trước, vật chất có sau. Đây là cách giải thích sao cho có lợi để phục vụ lợi ích của một cá nhân, nhóm lợi ích nào đó như tu sĩ, tăng lữ... nhằm củng cố vị trí thần quyền của họ để thống trị xã hội; hoặc thần thánh hóa bản thân, nâng tầm địa vị, bảo vệ vị trí, lợi ích của các bậc sáng thế chủ (chủ nhân sáng tạo ra các hình thức tâm linh nào đó); hoặc tự thôi miên bản thân để đạt cảm giác hạnh phúc khi không cần hành động.
2. Quá trình chiếm hữu tư liệu sản xuất và khai thác tài nguyên thiên nhiên ở xã hội loài người:
Hình thái không tranh chấp: Đây là thời không gian sinh tồn rộng lớn, đất rộng người thưa, năng lực tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên của con người ở mức thấp và tự nhiên có dư thừa để đáp ứng được nhu cầu của con người. Lúc này, con người tập trung vào săn bắt, hái lượm là đủ sống và có của ăn của để, các bộ tộc người không xâm phạm lãnh thổ tự nhiên của nhau. Trạng thái này vẫn chưa hề kết thúc như người ta vẫn nghĩ, nó vẫn tiếp tục diễn ra ở đâu đó, ở những đất nước, hòn đảo hoang sơ nào đó. Lúc này, không có sự tranh chấp giữa người với người mà chủ yếu là cạnh tranh không gian sinh tồn giữa con người và các loài động vật.
Hình thái chiếm hữu tư liệu sản xuất nông nghiệp: Đây là thời kỳ con người bắt đầu biết trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất hàng hóa nông nghiệp kiểu tự cung tự cấp hoặc ở mức độ trao đổi các sản phẩm nông nghiệp với nhau. Thời kỳ này, con người sống chủ yếu bằng các sản phẩm nông nghiệp (có cả các sản phẩm khai thác từ tự nhiên như săn bắn nhưng không đóng vai trò chủ đạo). Thời kỳ này bắt đầu xung đột về không gian sinh tồn do loài người trở nên đông đúc hơn, tư liệu sản xuất chủ yếu là đất đai nông nghiệp.
Do sự khan hiếm hoặc phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên, khả năng cải tạo đất đai tự nhiên thấp, loài người tăng dân số dẫn tới việc xung đột không gian sinh tồn, tranh giành tư liệu sản xuất bắt đầu diễn ra. Những người sở hữu nhiều ruộng đất sẽ sống trong giàu có, trong khi đó những người sơ hữu ít hoặc không sở hữu sẽ có cuộc sống khá khó khăn. Trạng thái này được đánh dấu bằng các cuộc xâm lược, cướp bóc của các bộ tộc, bộ lạc với nhau, đặc biệt là các bộ lạc du mục, sa mạc với các bộ tộc đồng bằng châu thổ.
Hình thái tranh chấp này đã càng ngày cáng trở nên quyết liệt qua các thời kỳ dưới đây:
- Thời kỳ tranh chấp bằng vũ khí đơn giản thô sơ.
- Thời kỳ tranh chấp bằng vũ khí hiện đại đặc biệt là dưới giai đoạn xã hội thực dân, đế quốc với các khu đồn điền được lập ra ở các thuộc địa.
- Thời kỳ tranh chấp phi thực dân hóa khi mà các thuộc địa vùng lên mạnh mẽ hình thành các quốc gia có quân đội, pháp luật bảo vệ người dân, xóa bỏ hệ thống thuộc địa.
>> 'Hãy làm thuê trước khi khởi nghiệp'
Hình thái chiếm hữu tư liệu sản xuất công nghiệp, dịch vụ: Đây là hình thái mà xã hội loài người xuất hiện các hình thức tăng năng xuất sản xuất nông nghiệp và hình thức trao đổi, buôn bán, chế biến lại, vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp bằng công nghiệp phục vụ cho việc tiêu dùng. Mô hình xã hội đông dân đã hình thành, tốc độ tăng dân số khủng khiếp, con người cần phải tổ chức lại cách sản xuất và vận hành hệ thống để tạo ra năng suất cao hơn, sản phẩm có khả năng bảo quản lâu hơn để phục vụ cho việc "nuôi sống" dân số ở quốc gia đông dân.
Các hình thức áp dụng công nghiệp và tổ chức sản xuất theo dây chuyền đã tăng năng suất lao động của con người, tăng cường khả năng vận hành, lưu thông hàng hóa đã cho phép con người có thể duy trì các khu dân cư đông đúc trong một không gian chật hẹp xuất hiện các khu phố, thành phố... Lúc này, người nào sở hữu được các phát minh công nghiệp và sản phẩm công nghiệp làm tăng năng suất lao động sẽ có lợi thế rất lớn. Đất đai cạnh các khu công nghiệp, dịch vụ cũng sẽ tăng cao. Do các hoạt động sản xuất của con người chủ yếu diễn ra trên mặt đất. Những ai sở hữu các tư liệu sản xuất trong đó có đất phục vụ cho công nghiệp, dịch vụ sẽ là lợi thế rất lớn.
Hình thái chiếm hữu tư liệu sản xuất mặt nước: Lúc này, ngoài mặt đất, con người đã có đủ trình độ để sản xuất hàng hóa, khai thác tự nhiên trên mặt nước, nên xuất hiện hình thức tranh chấp tư liệu sản xuất, nguồn tài nguyên mặt nước. Khi việc tranh chấp mặt đất (nơi xảy ra các hoạt động sản xuất của con người) không còn dễ dàng như trước thì việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào của quá trình sản xuất cũng tạo ra một lợi thế nhất đinh.
Một trong những thứ không thể thiếu cho các hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp của con người quan trọng nhất chính là nguồn nước. Việc có thể kiểm soát nguồn nước có thể cải tạo được đất đai sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy điện, nước sạch... đã làm cho con người xuất hiện hình thức tranh giành nguồn nước. Các đập thủy điện mọc lên như nấm. Các quốc gia đầu nguồn cố gắng kiểm soát nguồn nước các con sông. Đặc biệt khu vực Tây Tạng được xem là nguồn nước chính của cả châu Á đang bị bao vây bởi hệ thống đập thủy điện. Nguồn nước sông Nin vẫn là vấn đề tranh chấp ở Châu Phi.
Không những thế việc tranh chấp nguồn nước không chỉ diễn ra ở trên sông, hồ mà còn ở mặt biển. Việc dân số tăng cao đã làm con người phải khai thác các nguồn tài nguyên dưới biển mới có thể đáp ứng được nhu cầu của các quốc gia dân số đông. Mặt biển không chỉ cung cấp không gian sản xuất, tài nguyên hải sản mà còn các tài nguyên khí đốt, đất hiếm, băng cháy và trong tương lai có thể là không gian sinh sống khi mà con người có thể xây dựng thành phố dưới biển.
Đặc biệt là các hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa mậu dịch xuyên quốc gia chủ yếu diễn ra bằng vận tải biển do ưu thế rất lớn về chi phí vận chuyển. Không một hình thức vận chuyển nào tính tới thời điểm hiện tại có thể vận chuyển số lượng lớn, chi phí rẻ như hoạt động hàng hải. Việc kiểm soát các con đường buôn bán, giao thương ở mặt biển sẽ tạo lợi thế rất lớn. Các vụ tranh chấp mặt biển càng ngày càng trở nên quyết liệt hơn.
Hình thái chiếm hữu tư liệu sản xuất không gian số, sở hữu trí tuệ: Các hoạt động sản xuất, buôn bán của con người càng ngày càng trở nên phức tạp. Các công cụ sản xuất hàng hóa càng ngày càng trở nên tinh vi hơn và có chứa nhiều yếu tố công nghệ, tự động hóa. Việc kiểm soát được sở hữu trí tuệ, bằng sáng chế sẽ giúp con người có thể thu lợi lớn hơn bằng việc kiểm soát và bắt đối tượng sử dụng công nghệ chia sẻ lợi nhuận. Cách thức tiếp cận thị trường, dữ liệu khách hàng cũng ngày càng trở nên tinh vi, phức tạp. Việc khống chế quyền tiếp xúc thị trường cũng là một cách để buộc đối phương chia sẻ lợi nhuận hoặc bảo vệ các đối tượng công nghệ nội địa. Do đó, các cuộc tranh chấp dữ liệu khác hàng, thị trường, sở hữu công nghiệp, sở hữu trí tuệ... ngày càng trở nên phổ biến, phức tạp hơn. Các vụ thương chiến về công nghệ gần đây là ví dụ tiêu biểu cho hình thức này.
Hình thái chiếm hữu tư liệu sản xuất trên không gian vũ trụ: Khi nguồn tài nguyên của trái đất càng ngày càng cạn kiệt, nhu cầu khai thác tài nguyên ngoài vũ trụ là điều không thể tránh khỏi. Các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực vũ trụ đang kiểm soát không gian vệ tinh nhằm phục vụ cho việc trao đổi thông tin, truyền thông tin trên không gian số, thậm chí đe dọa chủ quyền các quốc gia khác, điều khiển thời tiết... Trong tương lai, những cạnh tranh này tất yếu sẽ xảy ra quyết liệt hơn khi mà nhiều nước có thể phát triển được nền công nghiệp vũ trụ.
>> Trăn trở khởi nghiệp ở tuổi 37 với tài sản chín tỷ đồng
3. Kẻ thành công là kẻ chiếm lợi thế trong tranh giành tư liệu sản xuất:
Như đã dẫn ra ở trên, các hình thái sản xuất hàng hóa của con người rất phong phú, song vẫn phải có những đảm bảo nhất định về không gian sản xuất, mặt bằng sản xuất, thị trường, nguyên liệu đầu vào... Và việc những cá nhân chiếm thế thượng phong trong việc kiểm soát tư liệu sản xuất sẽ thành công là một điều tất yếu. Xã hội con người đã đi từ việc phụ thuộc vào nguồn tài nguyên tự nhiên đến mức có thể cải tạo, kiểm soát một phần tự nhiên. Hình thái sản xuất cũng đi từ hái lượm đến việc có thể sản xuất nông nghiệp, có thể tăng năng suất bằng công nghiệp, dịch vụ.
Tất cả diễn ra với nhiều điều kiện nhưng không thể thiếu một điều kiện quan trọng nhất đó chính là trí tuệ của loài người. Điều kiến chúng ta vượt xa phần còn lại của thế giới chính là trí tuệ. Với trí tuệ con người đã không ngừng cải tiến và sáng tạo ra nhiều công cụ lao động nhằm tăng cường quy mô sản xuất hàng hóa phục vụ chính mình. Vì thế trí tuệ là tài sản quan trọng chỉ sau sức khỏe (chúng ta không phải là loài sinh vật quá yếu đuối, nếu không sẽ bị các động vật khác xơi thịt trước khi có được trí tuệ vượt trội), nó quyết định sự thành bại của con người.
Trí tuệ quan trọng như vậy nhưng tại sao có nhiều cá nhân có học vấn tốt mà vẫn không thành công? Lý do là bởi họ không chiếm được lợi thế trong hệ thống sản xuất hàng hóa, không có vị trí đứng được coi là thành công. Nguyên nhân có thể là do trí tuệ của họ không phù hợp, không được trọng dụng, hoặc họ không nằm trong phạm vi tìm kiếm của các doanh nghiệp phù hợp.
Vậy tại sao có những cá nhân học ít vẫn thành công? Đó chính là nhờ việc "cộng sinh học vấn" trong xã hội loài người. Sự thành công chỉ diễn ra khi có trí tuệ để tăng năng suất hàng hóa, chiếm lợi thế trong sản xuất hàng hóa. Khi một nhà khoa học tạo ra một phương pháp sản xuất nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa thì các doanh nghiệp sẽ hợp tác để tạo ra các hệ thống tương tự. Các doanh nghiệp này dựa vào sự hiểu biết thị trường của chủ doanh nghiệp và năng lực bán hàng, đầu tư của mình để tạo dựng doanh nghiệp, hệ thống bán hàng. Như vậy, ở đây, đã diễn ra ít nhất hai sự cộng sinh học vấn giữa nhà khoa học và chủ doanh nghiệp.
Khi chủ doanh nghiệp tuyển công nhân, dành vị trí công việc cho công nhân thì chính công nhân là người tiếp theo được cộng sinh học vấn dù trình độ thấp hơn chủ doanh nghiệp và nhà khoa học. Đến khi làm ra sản phẩm hàng hóa, hệ thống bán hàng cũng tiến hành cộng sinh học vấn để phân phối sản phẩm. Những người bán hàng có thể có trình độ cao có thể không có trình độ nhưng vẫn có thể cộng sinh học vấn. Khi công nhân tập trung quần tụ trong các khu vực nhất định thì làm giá dịch vụ tiêu dùng, sinh hoạt, nhà ở, đất đai tăng cao thì xuất hiện hình thức cộng sinh học vấn với chủ đất, chủ nhà trọ, bà bán hàng rau, bán hàng thịt, tạp hóa... Thậm chí, những người hoàn toàn xa lạ ở hai quốc gia cách xa nhau nửa vòng trái đất vẫn có thể cộng sinh học vấn để thành công thông qua hình thức xuất khẩu lao động.
Do đó, dù có học hay không có học, bạn vẫn phải hành động và chiếm lấy vị trí phù hợp trong hệ thống sản xuất hàng hóa mới có thể thành công. Không học, học ít, bạn vẫn có thể thành công nếu biết cộng sinh học vấn để nắm lấy thị trường mở ra trước mắt mình. Dù bạn khởi nghiệp ở tuổi nào cũng phải có vị trí nhất định, có thể nắm được lợi thế trong không gian sinh tồn, cạnh tranh tư liệu sản xuất, thuận tự nhiên sẽ thành công, dù bạn có nhiều hay ít kinh nghiệm.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.