Minh là một cậu bạn thân với vợ chồng tôi từ thuở đánh khăng, bắn bi. Minh là con cán bộ nhưng nhà rất nghèo, được cái sớm bộc lộ tính cần cù hiếu học, thông minh. Tài năng thực sự nở rộ khi lên cấp ba, Minh liên tục đi thi học sinh giỏi quốc gia môn Toán, Tin và đều được giải cao. Suốt những năm đại học, Minh luôn là ngôi sao sáng của cả khoá.
Ra trường, khi các bạn còn đang vất vả kiếm việc thì Minh đã được toàn những nơi danh tiếng mời về làm việc. Sau vài năm kinh qua các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài, Minh quyết định kiếm học bổng du học, thoả mãn khát khao khám phá và học tập ở những quốc gia tiên tiến.
Cầm tấm bằng loại ưu về nước, Minh hừng hực khí thế khởi nghiệp với khát vọng làm giàu và khẳng định khả năng nghiệp chủ chứ không phải đi làm thuê cho người khác. Cậu ta có một nhóm bạn xuất sắc đều từng làm quản lý cấp phó phòng trở lên ở các công ty, người giỏi về công nghệ, người giỏi về quản trị nhân sự - marketing, người giỏi về tài chính, họ đã cùng nhau giương cánh buồm khởi nghiệp với một niềm tin sắt đá.
Hai năm đầu tiên, công ty tạo được nguồn thu nhất định, đủ nuôi sống gần 30 người đang làm việc. Với những cái đầu trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng đổi mới, Ban lãnh đạo công ty quyết định đầu tư thêm nhánh mới. Từ đó, Minh tâm sự, tiền công ty và tiền trong nhà cứ ùn ùn đội nón ra đi, chỉ để lại vừa đủ tiền cho vợ con sinh hoạt. Năm thứ ba, thứ tư, nguồn thu chững lại, những khoản đầu tư mới không có dấu hiệu khởi sắc. Năm thứ năm, công ty quyết định đóng cửa.
>> Nhiều người sai lầm khi đam mê thứ ít người theo đuổi
Nhóm của Minh lại tiếp tục nghiên cứu thị trường và chuyển hướng mở công ty mới, cung cấp giải pháp phần mềm. Lượng vốn đổ vào khá lớn so với nguồn lực tài chính của các cổ đông, niềm tin cũng không hề nhỏ, kế hoạch phát triển rõ ràng. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm hoạt động, công ty đành khai tử vì sản phẩm làm ra không bán được.
Cơ quan nhà nước chê sản phẩm phức tạp, khó vận hành, tư nhân chê giá đắt và không phù hợp. Minh tính toán, nếu tiếp tục theo đuổi thì không đủ lực, gọi vốn nhiều sẽ khó thành công vì sản phẩm còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, gọi vốn ít thì không đủ để phát triển sản phẩm, vay ngân hàng lại không thể thế chấp nhà cửa vợ con đang ở vì rủi ro cao. Cùng lúc đó, Minh có vài lựa chọn để đầu quân cho công ty nước ngoài với mức lương vài nghìn đôla một tháng.
Giờ thì nhóm của Minh không ai còn đứng ra lập công ty nữa. Mỗi người mỗi ngả, họ đều làm giám đốc tại các doanh nghiệp lớn, có người lại "khăn gói quả mướp" sang nước ngoài làm thuê. Trò chuyện với Minh trong các cuộc gặp gỡ, tôi nhận thấy cậu ta vẫn bộc lộ sự nuối tiếc vì chưa thoả mãn được đam mê và khát vọng xây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Những khát vọng đó bị đè nén, thúc ép bởi rất nhiều suy tính, lo toan, bộn bề khác. Hơn bốn mươi tuổi, không thể mạo hiểm cuộc sống của gia đình chỉ để thoả mãn đam mê của mình được nữa. Mình vẫn luôn phải là trụ cột cả về tinh thần và vật chất cho gia đình. Dù có làm tiếp thì khả năng thành công cũng không cao vì Minh nhận ra rằng có năng lực chuyên môn và có đam mê thôi chưa đủ để xây dựng sự nghiệp kinh doanh thành công.
Lý do thất bại thì nhiều. Nhóm của Minh không trường vốn, "thân cô thế cô", không có nhiều mối quan hệ, làm từ sáng đến tối nhưng chỉ tập trung chuyên môn, ai cũng quá tự tin vào năng lực và nỗ lực của mình sẽ mang lại thành công. Họ rất ghét kiểu đi "quan hệ" thông qua những bữa nhậu lề nhề rượu bia ở nhà hàng, hay đến nhà quan chức "luồn cúi" để được ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, tính cạnh tranh khốc liệt, môi trường kinh doanh còn nhiều bất cập, rủi ro luôn rình rập. Tuổi tứ tuần đã bắt đầu xuống sức và giảm mộng mơ, nhiều trải nghiệm thực tế đã làm họ mất niềm tin và hy vọng.
>> Không có tỷ phú nào muốn con bỏ học làm giàu
Hơn 40 tuổi vẫn còn sớm để khởi nghiệp so với đại uý Sanders – người đã thành công với thương hiệu gà rán KFC ở tuổi 60 hay Leo Goodwin mở hãng bảo hiểm ôtô Geico khi bước vào tuổi 50. Tuy vậy, 40 tuổi bị coi là quá muộn khi Bill Gates hay Steve Jobs bắt đầu khởi nghiệp từ năm 19, 20 tuổi. Thật thú vị, Cục nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBER) đã phân tích dữ liệu hàng trăm ngàn doanh nhân khởi nghiệp thành công và kết luận rằng tuổi trung bình để khởi nghiệp thành công nhất là 42.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Việt Nam, tuổi 40 và khởi nghiệp không phải là dấu hiệu của một mối lương duyên thành công, khi mà vào tuổi này, tuổi trẻ và sức khoẻ đang xuống dốc. Quỹ tài chính và môi trường kinh doanh chưa phải là miền đất hứa để tạo động lực; quy mô và nền tảng đào tạo về kinh doanh còn rất hạn chế.
Một điều nữa không kém phần quan trọng là tinh thần doanh nhân. Ở Việt Nam, yếu tố này dường như còn khá xa xỉ, nó như ngọn lửa cháy bập bùng, cháy cục bộ, dễ cháy lên nhưng cũng dễ bị dập tắt bởi một thời gian sau khởi nghiệp họ nhận thấy rằng "đời không như là mơ", làm giàu không phải là khó mà là vô cùng khó.
Nguyên nhân thất bại nhiều tất sẽ có những giải pháp tương ứng. Đó là trách nhiệm mà mỗi thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp. Dưới góc độ của người làm công tác đào tạo, tôi cho rằng khi công cuộc khởi nghiệp được phát động và được điều khiển bởi "bàn tay" của Chính phủ thì hành động gốc rễ để biến Việt Nam thành một quốc gia khởi nghiệp nên bắt đầu từ việc phổ cập giáo dục về tinh thần khởi nghiệp cho học sinh cấp 2, 3. Tiếp đó, các chương trình giảng dạy bậc đại học, cao đẳng cần bổ sung thêm những môn học về kỹ năng khởi nghiệp và quản trị. Nên coi môn học này như một định hướng nghề nghiệp để các em mở rộng thêm cơ hội lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Con tôi học lớp 8, ngoài rất nhiều cuộc thi học sinh giỏi thì thấy nhiều thông báo tham dự cuộc thi tìm hiểu về chính trị, cuộc thi về giáo dục công dân, về an toàn giao thông... mà những câu hỏi và trả lời đều có sẵn. Sinh viên đại học thì gắn bó với những môn học về tư tưởng, đường lối, pháp luật... Tuy nhiên, tinh thần tự lập tự chủ; tính sáng tạo đổi mới; khát vọng làm giàu cho bản thân và xã hội đối với đa số bạn trẻ ở Việt Nam là điều xa vời.
Những quốc gia khởi nghiệp thành công như Mỹ, Nhật, Israel, ... đều có văn hoá giáo dục cho con em họ từ rất sớm về tính tự lập, tư duy đổi mới, cách ứng xử với tiền bạc và "phát triển" túi tiền của mình. Không có gì lạ khi đây là những quốc gia có bước phát triển thần kỳ về kinh tế, có nhiều doanh nhân mới ngoài 20 tuổi và có những triệu phú ở tuổi 30.
>> Học lớp 9 vẫn có thể làm chủ công ty thu 100 tỷ đồng
Câu chuyện nhóm của Minh ở trên vẫn là một khoảng sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Việt Nam vì họ có năng lực thì quăng đâu cũng sống được. Nhưng câu chuyện của hàng triệu người khác không biết phải làm gì ý nghĩa khi họ còn trẻ, hàng triệu người khác đơn độc, nhụt chí, vô vọng khi tuổi ngày càng cao? Hơn lúc nào hết, tinh thần nghiệp chủ cần được gieo trồng và lan toả trong mỗi công dân khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường thông qua những bài học có ý nghĩa thực tiễn. Tinh thần nghiệp chủ cũng cần được vun trồng, bồi đắp, tạo niềm tin với bất cứ ai, ở bất kỳ lứa tuổi nào thông qua những hành động hỗ trợ cụ thể của Chính phủ về chính sách, vốn, cơ sở vật chất, công nghệ, truyền thông...
Tôi chợt nhớ câu nói nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Kennedy: "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho Tổ quốc" đã trở thành từ khoá trong bài hát "Khát vọng tuổi trẻ". Thiết nghĩ, chúng ta ngưỡng mộ những con người đã và đang tự vấn bản thân "cần phải làm gì đó cho Tổ quốc" nhưng sẽ là tuyệt vời hơn nhiều nếu như nhà chức trách biết lựa chọn cách hành động cụ thể, mạnh mẽ, quyết liệt với mục tiêu thực sự là "vì dân".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.