Xung quanh câu chuyện trường học ở Hà Nội, TP HCM tách lớp, chia ca học, xếp mỗi học sinh một bàn và so le để phòng Covid-19, độc giả Phamthanhthuy0212, trên cương vị là một phụ huynh học sinh, chia sẻ những bất cập:
"Việc tách lớp đối với học sinh các lớp 9 và 12 là cần thiết vì các em phải chuẩn bị cho các kỳ thi cuối cấp. Còn học sinh các khối lớp khác, nếu cảm thấy chưa an toàn, thì nên tiếp tục duy trì học online cho đến khi đi học bình thường lại được. Ví dụ, học sinh tiểu học khi tách lớp ra làm hai thì giáo viên phải dạy lại hai lần, dạy lớp này xong lại chạy sang lớp kia dạy.
Chưa kể nếu nhà có hai con học hai buổi khác nhau: 6h30 phải đưa một bé đi học, 10h đã phải lo đi đón; 12h30 lại phải đưa bé tiếp theo đến trường, 16h lại lo đi đón. Vậy có phải quá khó khăn cho phụ huynh không? Nếu phụ huynh mà phải đi làm thì không khéo bị đuổi việc. Thời buổi kinh tế khó khăn, các công ty phải sa thải rất nhiều, vậy phụ huynh làm thế nào để đi đưa đón con mỗi ngày bốn lượt như vậy?".
Trong khi đó, dưới góc độ một giáo viên, bạn đọc Mchkp2000 lại thừa nhận những khó khăn trong công tác giảng dạy khi phải chia ca, tách lớp:
"Đủ kiểu khổ. Trường tôi chia đôi một lớp thành hai lớp cạnh nhau. Giáo viên phải chạy qua chạy lại, dạy hai lớp cùng lúc. Hiệu quả chống dịch được bao nhiêu khi các em vẫn tiếp xúc nhau giờ ra chơi, dạy được bao nhiêu khi giaó viên phải dạy cùng lúc hai lớp?".
>> Giải pháp giúp đảm bảo khoảng cách 1,5 m giữa các học sinh
Đánh giá về quy định phòng chống dịch tại trường học, độc giả Son Voquang nhận định:
"Quy định giãn cách 2 m và hạn chế tiếp xúc, ai cũng hiểu có nhiều điểm vô lý, và khó mà đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nếu nhà trường không làm theo, và không có biện pháp thực hiện, thì xã hội, người dân lại trách móc. Nói chung là cứ phải đi nhẹ, nói khẽ, và hy vọng Covid chừa mình ra".
Cùng chung quan điểm, bạn đọc Thanh nhấn mạnh:
"Một cách làm vô nghĩa, trong khi người người chen nhau đi du lịch, chen nhau ăn uống không khẩu trang, thì một lớp học mấy chục cháu ngồi như mấy chục con robot được đeo khẩu trang. Nói thật, với kiểu này thì học sinh đến lớp chỉ mang tính hình thức chứ làm sao có thể tập trung học hành gì được".
Chia sẻ hướng tháo gỡ những bất cập trong công tác bảo đảm an toàn cho học sinh khi đến lớp, độc giả Tungnt.ap cho rằng:
"Nên mềm dẻo trong tình huống này, vì nếu làm thì phải đảm bảo cả trong suốt quá trình học, chứ nếu không triệt để thì cũng không phát huy được tác dụng lắm. Các bạn học sinh rất nghịch, trong giờ ra chơi làm sao có thể kiểm soát được hết. Hơn nữa, nếu phải tách lớp thì sẽ gây áp lực lên các thầy cô (do phải dạy nhiều hơn bình thường)".
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.