(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Học sinh các cấp đã nghỉ gần ba tháng, có nơi lên đến ba tháng và ba tháng rưỡi vì dịch bệnh, đã đến lúc các con nên đi học trở lại để đảm bảo kiến thức. Không gì là an toàn 100%, chúng ta sẽ phải sống chung với dịch, ít nhất là cho đến khi có vaccine hay thuốc đặc trị. Tuy nhiên, có một thực tế là quy định các học sinh ngồi cách nhau 1,5 m đã gây khó cho các nhà trường và các địa phương. Vì sao vậy?
Dưới cái nhìn của một giáo viên, việc giãn cách này rất khó thực hiện bởi cơ sở vật chất của các nhà trường là có hạn. Phòng học, diện tích, bàn ghế có hạn, không thể nào đủ chỗ cho học sinh nếu lớp nào cũng phải tách làm đôi, thậm chí làm ba, với một số trường tiểu học, THCS bị quá tải ở các thành phố lớn (từ 50 đến trên 60 cháu một lớp) còn có thể làm tư. Điều này vô cùng khó khăn trong việc bố trí lịch học trong tuần, có thể phải lấn cả thứ bảy, chủ nhật cũng như khả năng bảo đảm an toàn của các trường. Nhiều trường vùng núi, có những cơ sở giáo dục thuộc dạng "điểm trường", việc tách làm đôi là vô cùng khó.
Việc thực hiện giãn cách trong lớp, muốn thực hiện được còn phụ thuộc vào ý thức học sinh. Với học sinh từ lớp 8 đến lớp 12, đặc biệt là cuối cấp, việc giãn cách có thể tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, đánh giá đúng năng lực thực sự của học sinh. Đồng thời, lứa tuổi này cũng đã phần nào ý thức, đủ nhận thức được sự nguy hiểm của dịch để tự giác phòng tránh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra từ lớp 1 đến lớp 7, liệu học sinh có giữ được khoảng cách 1,5 m hay không khi nhận thức còn có phần chưa hoàn thiện, tính tình còn hồn nhiên, khó quản lý triệt để, giờ giải lao rất có thể đến gần nhau để vui đùa, mà giáo viên chẳng may phạt nặng, không có hình thức xử lý hợp lý thì ảnh hưởng đến tâm sinh lý lứa tuổi.
Nếu đã giãn cách được thì vấn đề thứ ba chính là áp lực của giáo viên. Mặc dù đã giảm tải chương trình, nhưng nếu trường không tự linh hoạt, giảm tiết, vẫn máy móc áp dụng số tiết định mức trong tuần đối với mỗi môn học thì khả năng giáo viên bị tăng giờ dạy là rất lớn, có thể vượt quá số tiết quy định tối đa. Như vậy, các chế độ lương bổng, làm thêm giờ cũng sẽ ảnh hưởng theo, khi ngân sách đã gặp khó vì Covid-19, việc phải chi trả lương cho giáo viên sẽ tạo áp lực rất lớn, trừ khi tự nguyện giảm lương. Đó là chưa kể việc đi dạy liên tục, có khi không có ngày nghỉ (vì việc tách lớp có thể dẫn đến việc xếp lịch học cách nhật để đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thực hiện đủ chương trình, đội sang cả thứ bảy, chủ nhật) sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng dạy học giảm sút, khó đạt kết quả tốt.
Và nếu đã đảm bảo cả ba điều trên, thì vẫn còn yếu tố đó là vấn đề đưa đón học sinh, nhất là học sinh tiểu học. mặt đường và diện tích phần đường xung quanh trường học liệu có đủ để tất cả phụ huynh đưa đón thực hiện giãn cách tối thiểu 1 m hay không? Và đã tính toán đến việc đi lại của người dân trên đường hay chưa? Chưa kể là các nguy cơ mất an toàn từ dịch vụ đưa đón học sinh, vốn dĩ đã khó kiểm soát.
>> 'Yêu cầu học sinh ngồi cách nhau 1,5 m là bất khả thi'
Những khó khăn khi học sinh phải cách nhau 1,5 m đã khiến nhiều nhà trường lo lắng vì không thể thực hiện được. Đó cũng là lo ngại của nhiều phụ huynh trên cả nước muốn con em được đến trường. Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần cân nhắc tình hình địa phương để đưa ra tiêu chí phù hợp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố cần phối hợp với ngành Giáo dục, Y tế và các đơn vị liên quan để xây dựng bộ tiêu chí an toàn tại cơ sở giáo dục ở địa phương mình giống như TP HCM. Từ đó hướng dẫn các nhà trường và các huyện thị ở địa phương thực hiện, nơi nào ở địa phương không đảm bảo an toàn (ở mức dưới 50%) theo bộ tiêu chí an toàn thì ra quyết định tiếp tục cho học sinh ở nơi đó nghỉ học.
Còn nếu vẫn thực hiện giãn cách 1,5 m thì nên có phương án như sau: Nghiên cứu chương trình đã tinh giản để giảm số tiết (định mức trong tuần nếu không tinh giản) đến tối đa có thể, môn nào 3-4 tiết thì rút gọn còn 2 tiết, những môn 2 tiết rút gọn còn 1 tiết, những môn 1 tiết thì tiếp tục rút gọn, tiến hành đẩy chương trình, hoàn thành sớm nhất có thể để chuyển sang các môn học khác, bỏ hoàn toàn các tiết tự chọn học kỳ II năm học 2019-2020.
Đối với THCS, THPT, ưu tiên các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ, Sử, Địa, GDCD, Lý, Hoá, Sinh; với tiểu học là Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ, Đạo đức, Khoa học, Lịch sử và Địa lý; nếu đã xong chương trình thì đến các môn Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật. Học sinh chỉ học 3 buổi một tuần, không quá 12 tiết, tiến hành phân chia các khối để học sáng/chiều, học các ngày chẵn lẻ (thứ 2,4,6 và thứ 3,5,7, không học chủ nhật), cho đến khi công bố hết dịch hoặc được phép tập trung trở lại. Riêng môn Thể dục, Giáo dục quốc phòng, khi nào cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch hoặc có cho phép tập trung đông người trở lại thì mới tổ chức học tập.
Không tổ chức dạy vào chủ nhật để giảm tải cho giáo viên. Không tổ chức chào cờ, yêu cầu đeo khẩu trang, giải lao tại lớp. Giáo viên cần có trách nhiệm theo dõi và quản lý học sinh, phát hiện các trường hợp bất thường, xử trí phù hợp. Khi đưa đón, cho các lớp lần lượt ra về, đi hàng một và cách nhau tối thiểu theo quy định. Các phụ huynh và xe đưa đón cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng dịch, đối với các dịch vụ đưa đón cần kiểm soát chặt chẽ việc khử trùng phòng dịch và đảm bảo an toàn cho học sinh. Tiếp tục thực hiện song song các giải pháp dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, qua Internet để tháo gỡ các khó khăn do tác động của nghỉ học kéo dài.
Xa hơn là thực hiện giảm tải chương trình, vì chương trình của chúng ta quá nặng. Cần tính toán giảm thời lượng học, có quỹ thời gian dự trữ đủ dài để ứng phó khi có sự cố thiên tai, dịch bệnh. Năm học này, giáo viên chúng tôi, học sinh và phụ huynh đã khổ quá nhiều vì dịch bệnh, đã đến lúc sống chung với dịch và vượt qua nó.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.