Có ý kiến cho rằng "những đứa trẻ học ở trường quốc tế kỹ năng mềm rất tốt nhé (thuyết trình, kỹ năng sống, làm việc nhóm...) còn trường công chỉ ưu tiên chạy theo giáo trình". Tôi không đồng tình với quan điểm này. Trước hết giáo trình học phải theo chuẩn chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh trường quốc tế cũng vẫn phải học đầy đủ và đúng chương trình mới được cấp phép giảng dạy.
Còn các thuyết trình, kỹ năng sống... là chương trình bổ sung mà hiện tại các trường công cũng vẫn được thêm vào sau các tiết học chính khóa trên lớp. Tuy nhiên, quy định là các môn học này không được vượt tối đa tổng số tiết theo quy định.
Đúng là các trường quốc tế hơn trường công ở cơ sở vật chất tốt hơn và lượng giáo viên trên học sinh mỗi lớp thấp (trung bình cứ một giáo viên dạy năm học sinh) và dễ phân chất lượng tương đương, nên dễ giảng dạy hơn trường công. Thực tế, trường công có tỷ lệ giáo viên trên học sinh cao gấp 5-10 lần trường tư mang danh quốc tế và trình độ học sinh trải dài do quá đông, nên chất lượng khó đảm bảo đồng đều.
Tuy nhiên, ở mặt ngược lại, chất lượng trường quốc tế không đồng đều. Câu chuyện "Gần 1.400 học sinh trường Quốc tế Mỹ Việt Nam phải nghỉ học" do giáo viên ngừng giảng dạy vì bị nợ lương mới đây là một ví dụ điển hình. Khi có vấn đề xảy ra, phụ huynh và học sinh trường quốc tế sẽ rơi vào cảnh điêu đứng vì tiến thoái lưỡng nan. Những gia đình cho con học ở trường quốc tế thường phải có điều kiện kinh tế xuyên suốt chương trình và đích đến của các em này là học hết cấp ba thường sẽ đi du học.
>> 'Ảo tưởng thiên đường' khi cho con học trường quốc tế
Còn những gia đình không theo tới nơi thì sẽ rất khó cho con về sau. Nếu không may hết tiền học trường quốc tế, học sinh sẽ khó chuyển sang trường công được, kể cả trường tư chất lượng cao (do không quen với cách học ở các môi trường giáo dục này nên khó bắt nhịp và hòa nhập lại).
Trường hợp chuyển trường kết hợp chuyển cấp còn dễ, chứ nếu đang học dang dở ở giữa cấp học tại trường quốc tế mà học sinh phải chuyển qua trường công thì khả năng cao không thể thích nghi được. Truyền thông, ngành giáo dục đã cảnh báo rất nhiều về thực trạng này, có ví dụ thực tế chứ không nói suông. Do vậy, hãy cân nhắc thật thấu đáo về điều kiện kinh tế cũng như định hướng tương lai trước khi quyết định cho con học trường quốc tế hay không.
Hiện, TP HCM có hơn 2.350 trường học, trong đó khoảng 1.350 trường công lập, học phí 900.000-2,7 triệu đồng một năm. Năm ngoái, học phí các trường ngoài công lập, bao gồm cả trường có vốn đầu tư nước ngoài, khoảng 20 triệu đồng đến hơn 900 triệu đồng. Trong đó, mức cao nhất là ở trường Quốc tế TP HCM (ISHCM), áp dụng với lớp 11 và 12.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.