807 triệu đồng một năm là mức học phí cao nhất của trường quốc tế tại Hà Nội. Con số này thậm chí còn tăng lên thành 950 triệu đồng nếu phụ huynh đóng thành nhiều đợt. Hàng năm, học phí của các cơ sở giáo dục liên cấp 100% vốn đầu tư nước ngoài cũng thường được điều chỉnh theo hướng tăng dần (khoảng vài chục triệu đồng). Những con số thống kê học phí của các trường quốc tế hẳn sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
Tuy nhiên, học phí cao có đi liền với chất lượng? Tôi cho rằng, chưa chắc học sinh ở đây đã có trình độ xứng với đồng tiền mà cha mẹ bỏ ra để đầu tư. Quan trọng nhất vẫn là sự tự thân vận động của cá nhân người học. Thực tế, chẳng thiếu gì những học sinh công lập bình thường nhưng vẫn đạt thành tích học tập tuyệt vời, nói tiếng Anh chuẩn, và kỹ năng sống rất tốt, vứt vào đâu các em cũng đều thích nghi và nổi trội.
Sự giáo dục ở gia đình khi trẻ còn nhỏ và sự tự giáo dục, ý chí kỷ luật, cùng tầm nhìn, lẫn mơ ước của bản thân sẽ quyết định thành công của mỗi người chứ không phải chuyện học phí đắt hay rẻ. Nếu có tiền, tôi cũng sẽ không cho con học trường quốc tế với học phí quá khủng, thậm chí là đắt vô lý như vậy. Tôi cho rằng, mức học phí như vậy chủ yếu nhằm đánh vào tâm lý khách hàng mà thôi.
>> Cho con học trường quốc tế là đầu tư may rủi
Bản thân tôi mất ba khi mới 9 tuổi. Mẹ tôi khi đó chỉ vừa bước sang tuổi 31, một mình nuôi bầy con sáu đứa, đứa lớn nhất là tôi, đứa nhỏ nhất mới bảy tháng tuổi, lại sống trong hoàn cảnh chiến tranh, thiếu thốn. Thế mà chúng tôi đều tốt nghiệp Đại học, thậm chí đạt hạng ưu và được giữ lại trường giảng dạy. Điều quan trọng là mẹ tôi luôn tôn trọng con cái và hết lòng vì sự học của các con. Chúng tôi luôn được mẹ dạy rằng "phải cố học để sau này giúp đời, giúp người". Chúng tôi sống đầy lý tưởng và luôn học thật giỏi vì lý tưởng cao đẹp như thế.
Giờ đây, một đứa em tôi đang làm chủ doanh nghiệp, rất thành công với phương châm "honesty is the best policy" (trung thực là chính sách tốt nhất). Học là cả một quá trình của cuộc đời. Còn sống là còn học. Nhiều người bỏ học nửa chừng, nhưng vẫn làm quản lý vì không ngừng nghỉ tự học để vươn lên. Nên trường quốc tế không phải là chìa khóa duy nhất, buộc phải học mới thành công.
Tóm lại, đầu tư học vấn với tâm lý sính ngoại, thiếu định hướng chẳng khác nào cái túi hàng hiệu phải mua cho bằng được để chứng tỏ đẳng cấp, chẳng được gì ngoài cái mã bề ngoài.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.