Cái hay của trường quốc tế là họ biết cách quảng bá, phương pháp dạy hiện đại, mục tiêu rõ ràng, chú trọng kỹ năng, làm việc nhóm, phát triển bản thân... và cơ sở vật chất tốt. Nhưng nhiều người lại đang phàn nàn về học phí cao và tăng liên tục, chất lượng có vấn đề, nhiều người có vẻ thất vọng sau vài năm theo đuổi. Chuyển về trường công thì gần như không thể, không theo kịp, không phù hợp về môi trường và cách học và cũng hơi... quê nữa. Đó là trăn trở của không ít phụ huynh khi chọn trường cho con.
Trường tư, bản chất là một ngành kinh doanh dịch vụ giáo dục. Bạn là khách hàng, phải trả tiền và họ phải có lợi nhuận bằng các phương pháp thông thường: giữ chân khách cũ, mời thêm khách mới, tiết kiệm chi phí, tăng số tiền thu được từ mỗi người...
Ban đầu, họ sẽ chào giá ưu đãi, khuyến mãi các loại nhưng không thể kéo dài mãi nên bạn phải để ý học phí chính thức với mức tăng 5-10% mỗi năm, chưa kể lớp cao hơn sẽ có học phí cao hơn. Có người nói với tôi rằng họ đã phải đóng gấp đôi học phí sau ba năm học trong lúc kinh tế khó khăn và phía trước vẫn còn chín năm nữa, thậm chí là 13 năm do các bạn này sẽ phải học đại học ở một trường quốc tế nào đó do trường nội địa không phù hợp với loại học sinh này.
Do vậy, để cho con học trường quốc tế, bạn phải chắc chắn là vẫn có thu nhập tốt trong vòng mười mấy năm tới dù dòng đời có đổi thay. Ngoài ra, trước khi quyết định, mỗi phụ huynh cần suy nghĩ kỹ về các vấn đề: trường có đủ đội ngũ giáo viên có năng lực để làm những điều họ hứa hẹn không? Nếu tuyển dụng không được, nhiều người ra đi là do thu nhập hay môi trường làm việc? Nếu thu nhập giáo viên không hấp dẫn thì tiền bạn đóng đã đi đâu rồi?
Trường có hồ bơi, phòng tập đa năng máy lạnh, nhưng con bạn sẽ được sử dụng như thế nào? Được vào đó mấy tiết trong tuần? Lúc tập có mở máy lạnh không? Hồ bơi có đủ chỗ tắm và thay đồ không? Thang máy có hoạt động liên tục không?
>> '800 triệu đồng một năm cho con học trường quốc tế không lãng phí'
Tôi từng nghe một lời giải thích rất kỳ lạ của nhà trường rằng: "Do đầu giờ chiều các em tập trung đi thang máy nhiều quá gây trễ giờ nên tốt nhất là tắt đi, tất cả đi bộ cho công bằng". Kiểu như sợ kẹt xe nên cấm đi xe giờ cao điểm vậy. Có người còn nói rằng con tôi phải đá banh ngoài trời lúc 13h hay học bơi lúc 11 vì "chỉ có một sân, một bể, học sinh phải chia ca, không lớp này thì lớp khác phải học giờ đó". Tất cả đều là những thứ mà mỗi cha mẹ phải suy nghĩ, cân nhắc.
Chưa kể, tiền ăn và phí bán trú, nội trú của trường quốc tế cũng rất cao, nhưng đã bao giờ bạn hỏi nó được sử dụng thế nào? Có minh bạch không? Về nội dung chương trình: do muốn các cháu được thoải mái, vui vẻ, học nhiều kỹ năng... nhưng thời gian thì không tăng được nên sẽ phải cắt, lướt qua một số thứ trong chương trình chính khóa, vậy nhà nước có quản lý được chất lượng dạy và học không? Nên nhớ rằng nhà trường có quyền tự chủ nên rất khó để chờ đợi sự can thiệp quá sâu của cơ quan quản lý.
Cuối cùng là một câu hỏi tưởng dễ mà lại khó: ngoại ngữ của các em có phải đều tốt? Đương nhiên là việc học hơn chục tiết tiếng Anh, có cả giáo viên nước ngoài dạy nữa thì trình độ ngoại ngữ của học sinh hẳn sẽ tốt hơn so với học sinh trường thường. Nhưng nếu bạn đưa một đoạn văn tiếng Anh và bắt tụi nhỏ dịch hay kêu chúng phải tiếp khách nước ngoài, hoặc mang đề thi IELS ra test thì chắc không thể vì người ta không dạy trẻ tới mức đó trong trường, phụ huynh đừng nên quá ảo tưởng con giỏi tiếng Anh vì học trường quốc tế.
Mong rằng mỗi người sẽ thật cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định chọn trường phù hợp cho con, bởi nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cả tương lai của con em mình.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.