"Tôi học trường chuyên ở huyện nhỏ hồi cấp hai, nhưng học cũng không giỏi lắm nên chẳng thi được giải thưởng nào, cũng không đỗ vào trường chuyên cấp ba. Nhưng với tôi, đó lại là một may mắn của cuộc đời. Vì khi học chuyên, trong môi trường trọng thành tích, các tiết Thể dục, Mỹ thuật, Giáo dục công dân... của lớp tôi đều trở thành giờ học Văn, Toán...
Tôi suốt ngày phải làm bài tập, ôn thi vì cứ hàng tháng lại thi xếp loại một lần. Nếu tôi nằm trong top 10 thì không sao, chứ mỗi khi trượt top đầu tôi lại sợ tới tái người. Tôi sợ giáo viên, sợ Ban giám hiệu, sợ các bạn cờ đỏ... Sau rất nhiều năm, tôi vẫn còn theo dõi thông tin của những người bạn cùng thời khi đó học giỏi hơn mình và vào được trường chuyên cấp ba. Tôi thấy họ phần lớn không có thành tựu gì đặc biệt, thậm chí cũng không đỗ đại học tốt bằng mình. Hầu hết trong số đó đi theo con đường học thuật ở nước ngoài
Đi làm, kiếm tiền, cuối cùng có tham gia vào giáo dục trẻ em một thời gian, tôi thấy việc chọn trường chuyên cho trẻ em là một điều khá tàn nhẫn, nhất là đứa trẻ nào còn ham chơi, chín chậm như tôi khi trước. Bản chất của trẻ em là ngây ngô và muốn làm hài lòng người lớn, chúng không nên đánh mất bản thân sống trong sợ hãi và áp lực. Nghiên cứu của cá nhân tôi cho thấy, hầu như không có bạn nào học trường chuyên cùng lứa với mình mà lại đạt được thành tựu nhiều hơn, cả về tiền bạc hay học thuật so với các bạn không học chuyên".
Đó là quan điểm của độc giả Linhhoang.neu về việc cố duy trì hệ cấp hai trong lòng trường chuyên hiện nay trong khi Luật Giáo dục 2019 và Thông tư 05/2023 về quy chế tổ chức và hoạt động của trường THPT chuyên đã quy định trường chuyên chỉ có ở cấp THPT. Dừng tuyệt đối hệ chuyên ở cấp THCS còn góp phần giải quyết mâu thuẫn tiềm tàng về bất bình đẳng ngân sách công được chi cho một nhóm thiểu số.
Đồng tình với nhận định này, bạn đọc Coffees.mobi phân tích: "Tôi thấy trường chuyên, lớp chọn có hai vấn đề. Một là, nếu bạn học chuyên môn A thì như luật bất thành văn, các môn khác bạn sẽ được ưu ái, giảm tải từ thời gian cho tới kiểm tra, điểm số... vì bạn cần được tạo điều kiện để kiếm thành tích cho lớp, cho trường, cho bộ môn, cho huyện, cho tỉnh...
Xét về mặt phân bổ nguồn lực, do bạn đầu tư nhiều thời gian cho môn A, được thầy cô luyện cho nhiều dạng đề nên lâu dần bạn quen, bạn giỏi là điều dễ hiểu. Đơn giản là bạn giỏi giải đề, giỏi đi thi, chứ không thể hiện rằng bạn giỏi hơn hẳn (về tư duy, về kỹ năng...) so với các bạn không chuyên, không chọn.
Thứ hai, chúng ta nên nghiêm túc nhìn nhận, có phải 100% các em lên lớp 6 có nguyện vọng học chuyên, học chọn không? Hay đó chỉ là vì ý chí, là ước muốn, là nguyện vọng của bố mẹ các em?".
>> Mở trường chuyên cho học sinh cấp hai giữa những hoài nghi
Lựa chọn đứng ngoài cuộc chạy đua vào trường chuyên, lớp chọn, độc giả Phạm Minh nhấn mạnh: "Tỉnh tôi vẫn còn trường ngầm được hiểu là THCS chuyên, chỉ là không còn tên gọi chính thức nhưng việc tuyển sinh vẫn rất căng thẳng, với những bài Toán đánh đố. Các em học sinh phải học thêm ngày đêm từ lớp 3, thậm chí lớp 1 mới mong đỗ được. Riêng tôi không cho con lao vào cuộc đua vô nghĩa này.
Thông thường, phụ huynh sẽ tìm cách xin cho con mình vào các trường điểm hoặc lớp chọn ngay từ bậc tiểu học, để chuẩn bị cho việc ôn luyện hướng tới hệ chuyên ở cấp hai. Con tôi tới lớp ba cũng vô tình được phân vào lớp chọn của trường và bé bị đẩy ra chỉ sau một tuần vì nhiều bạn mới chuyển vào. Tôi rất thương những em bé phải học luyện thi ngay từ lớp 1 để được vào trường THCS điểm như mong muốn của cha mẹ".
Hướng tới đảm bảo nền giáo dục công bằng, bạn đọc Binhdien đề xuất hướng xử lý với các trường chuyên: "Theo tôi, nên tách trường chuyên thành trường tài chính tự chủ để ai thực sự giỏi, gia đình có điều kiện và năng lực tài chính có thể tham gia (tất nhiên sẽ có chính sách học bổng của trường để hỗ trợ học sinh giỏi nhưng kinh tế khó khăn).
Còn hệ thống trường công lập chỉ nên học chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời nghiên cứu giảm tải thời lượng và cả kiến thức của học sinh cấp phổ thông. Hiện nay, học sinh phải học quá nhiều môn xa rời thực tế (như Tin học; Âm nhạc, Mỹ thuật...). Các môn như Công nghệ đã không còn phù hợp, Lịch sử hời hợt, Địa lý chung chung, Giáo dục thể chất học cho có...
Học sinh cấp phổ thông cần được đơn giản hóa việc học, tăng cường kiến thức sống, kỹ năng sống trong thời đại hiện nay. Những thứ trên mạng Internet đã có thì không nhất thiết phải nhồi nhét trong chương trình trên lớp nữa. Những kiến thức chuyên sâu cũng nên dành lại cho các trường năng khiếu, hệ Đại học (chỉ phục vụ cho những học sinh thật sự có năng lực, năng khiếu và đam mê...)".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.