Đọc bài báo những thạc sĩ làm công nhân trong đại dịch ở Trung Quốc, tôi không ngạc nhiên lắm. Vấn đề này không chỉ khi có dịch và cũng không phải vì câu chuyện này ở bối cảnh Trung Quốc. Tôi nghĩ ở Việt Nam ta cũng không hiếm và ngày càng nhiều.
Vì sao tôi nghĩ vậy? Vào những năm 2010, tôi cho rằng công nhân có trình độ đại học, thạc sĩ là hiếm. Khu trọ gần nhà tôi có một số sinh viên mới ra trường làm công nhân cho một tập đoàn đa quốc gia hàng tiêu dùng của Mỹ. Thấy lạ tôi hỏi: "Công ty các em tuyển công nhân, sao lại cần trình độ đại học, trên đại học".
Các em cười nói: "Tụi em cũng thấy lạ lắm. Tuyển rất khó. Nhiều khi ba bốn trăm ứng viên họ chỉ chọn lấy được vài người. Bằng cấp ngành gì không quan trọng vì vào phải đào tạo lại hết. Họ chú ý kiểm tra IQ và EQ (chỉ số cảm xúc).
Công ty nói chọn vị trí là công nhân nhưng tuyển kỹ sư để có nền tảng tư duy cao, đạo đức, tác phong.... tốt, khi làm việc mới sáng tạo và đủ trình độ tiếp cận công nghệ cao, mới.
Nhưng tụi em thấy có nhiều anh làm vài năm rồi mà công việc cũng đơn giản. Bọn em không thích nhưng họ trả lương cao, ráng làm vài năm có ít tiền rồi kiếm việc khác đúng chuyên môn hơn chứ làm như vậy thì không nâng cao tay nghề, kinh nghiệm".
Được mấy công ty có tiêu chuẩn tuyển dụng và triết lý như thế này? Nếu thật sự người công nhân có bằng cấp cao làm việc sáng tạo, cải tiến công nghệ và tạo ra được những thay đổi, như mong muốn của công ty trên, thì đó không phải là lãng phí.
Còn không thì là một sự lãng phí về thời gian tiền bạc vô cùng, trừ những trường hợp có số ít người thích đi học vì đam mê, để hiểu biết mà không cần sử dụng đến bằng cấp đó.
>> 'Tiến sĩ 10 năm lương 6,5 triệu đồng'
Đến năm 2020, công nhân có trình độ đại học trên đại học làm công nhân không còn hiếm nữa, rất nhiều. Rất nhiều ứng viên khi đi xin việc phải giấu bằng cấp cao, đưa bằng cấp thấp hơn để dễ được tuyển vào làm công nhân, hay nhân viên bình thường. Rồi chẳng bao giờ sử dụng đến bằng cấp. Tại sao vậy?
Có nhiều nguyên nhân mà báo chí đã phản ảnh nhiều như: Học xong không có việc làm, không phù hợp nên học lên cao hơn, hay do quy hoạch đại học, đào tạo ra những con người thuộc ngành nghề mà xã hội không cần, lỗi tại quy hoạch kinh tế vĩ mô, không tạo ra đủ việc làm mang tính tri thức?...
Ngoài ra còn có tâm lý trọng bằng cấp của người Việt, tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ, không thích làm công nhân, muốn học lên cao nhưng bản thân không có thực lực, khả năng và thực học. Dẫn đến có nhiều trường đại học cao đẳng được thành lập để đáp ứng cho nhu cầu tâm lý này.
Một số trường cạnh tranh tiêu cực hạ các tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra dẫn đến giá trị của bằng cấp giảm sút, không đúng giá trị của nó. Giảng viên lương không đủ sống phải làm thêm bên ngoài, dạy hời hợt... Cả việc người học không chú tâm nên ra trường không làm được việc, cuối cùng chọn làm công nhân, nhân viên trái ngành, chạy xe ôm, nhân viên bất động sản...
Chưa kể việc người học học "liên thông ngược". Thay vì học trung cấp xong liên thông lên đại học thì giờ người học học xong đại học nhưng đi quay học lại trung cấp nghề để nâng cao kỹ năng, kỹ xảo mới được làm công nhân? Theo lý giải của các bạn này là vì học lý thuyết xuông không có tay nghề nên xin làm công nhân cũng khó có chỗ nhận. Tôi nghe một số thầy dạy ở các trường trung cấp, cao đẳng nói rằng chuyện liên thông ngược này xảy ra mỗi năm càng nhiều.
Hơn nữa, nhiều trường coi đào tạo đại học tại chức là "nồi cơm", đào tạo trên đại học là "nồi lẩu" thơm ngon. Không phủ nhận lợi ích của việc đào tạo tại chức giúp cho người học được học tập suốt đời, vừa học vừa làm... Nhưng được mấy ai, bao nhiêu phần trăm là thực học?
Khi đa phần người học là những công nhân, nhân viên chưa có bằng cấp (ít có thời gian, khả năng thực lực, kinh phí để theo học các lớp chính quy) hoặc là người cần những bằng cấp này để hợp thức hóa chức vụ, công việc hoặc để leo lên vị trí cao hơn. Rồi từ đó tiếp tục học lên thạc sĩ, tiến sĩ? Vì thế, mấy năm trước có một số tỉnh không chấp nhận bằng tại chức khi đề bạt cán bộ cũng có lý do của họ.
Trong khi đồng nghiệp, người thân chẳng hiểu họ đi học vào lúc nào, thấy vẫn đi làm, ngày nghỉ, buổi tối vẫn nhậu nhẹt chơi bời bình thường nhưng khi xét các tiêu chuẩn đề bạt thì bằng cấp gì cũng có, có khi cả bằng thạc sĩ, tiến sĩ.
>> 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt
Ngay cả ở những nơi đào tạo, giáo viên càng có tâm lý sính bằng cấp cao mà nhiều khi tiêu chuẩn hay công việc không cần đến. Điều này gây lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức... có khi chỉ là hình thức cho đẹp hồ sơ mà chẳng đóng góp được bao nhiêu lợi ích thiết thực cho xã hội.
Tôi xin nhắc lại nếu học trên đại học để phấn đấu lên vị trí cao hơn và thực học để mở mang kiến thức áp dụng vào công việc là điều tốt, không cần phải bàn cãi. Các trường từ tiểu học đến đại học, lượng giáo viên, giảng viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ ngày càng nhiều vô kể.
Đến lúc này một số trường đào tạo không chỉ hạ tiêu chuẩn đầu vào, đầu ra ở bậc đại học mà cả ở các bậc học cao hơn cũng hạ tiêu chuẩn để phổ cập theo nhu cầu người học?
Vào thời gian trước năm 1995 một người thi đỗ đại học, có bằng kỹ sư cả dòng họ, cả làng ăn mừng. Đến nay kỹ sư, thạc sĩ là bình thường. Giá trị bằng cấp bị giảm sút. Đạt được học vị tiến sĩ hiện giờ giá trị, niềm vui, niềm hãnh diện tự hào chỉ ngang với đạt được học vị kỹ sư vào những năm đó.
Tín Trọng Quản
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.