Cậu ấy luôn nghĩ mình giỏi giang, tại sao phải làm việc nhỏ này, việc nhặt kia. Phẫn uất, người bạn này quyết định tạm thời nghỉ việc và đăng ký học cao học. Luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đều trôi qua xuôi lọt, được phô diễn để chứng minh cho tài năng của cậu ta. Tuy nhiên bi kịch lại xảy đến khi cậu vẫn không thể tìm được việc.
Hỏi ra mới biết, cậu ấy luôn ôm ấp giấc mộng làm gì đó, muốn để lại tác phẩm, công trình gì đó to tát cho cuộc đời chứ không cam phận làm nhân viên, nghiên cứu viên không ai biết đến. Thật lạ lùng, bản thân cuộc sống hàng ngày còn tự lo chưa được lại vội nghĩ đến kinh bang tế thế.
Tôi cũng có một cô bạn có đến 4 bằng cử nhân nhưng đang làm chủ một tiệm hoa nho nhỏ. Tôi trêu: Làm chủ tiệm hoa phải có trình độ thạc sĩ mới xuể. Cô bạn cười bảo rằng: Em đi học cho vui, để chinh phục kiến thức mà mình muốn tìm hiểu, chứ không mong làm ông này bà kia, hay có chữ thạc sĩ, tiến sĩ đứng trước tên mình. Tôi thật ngưỡng mộ người bạn này.
Có một vấn đề mà bấy lâu nay dư luận có dịp rôm rả bàn tán là: thạc sĩ, tiến sĩ mà cũng thất nghiệp sao. Rồi họ quay qua chỉ trích ngành giáo dục và vẽ ra một bức tranh u ám về cuộc sống. Nhưng ít ai chịu nghĩ rằng, ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ mà thất nghiệp là do bản thân người đó, môi trường- cuộc sống và việc làm không có lỗi lầm gì.
Người giỏi thì ở đâu cũng sống được và làm việc được, còn tốt là đằng khác. Chỉ có một số người loay hoay không biết làm gì với cuộc sống rồi bó gối ngồi than thân, tỏ ra xa lánh cuộc đời mới đáng trách.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Huy Cường