"Vợ tôi là tiến sĩ, giảng viên một học viện đầu ngành. Phải nói là gia đình tôi và bên gia đình vợ luôn tự hào vì chưa có ai học vấn cao như cô ấy. Chỉ có điều lương đi làm 10 năm mới được 6,5 triệu đồng, thấp hơn cả các anh chị em làm công nhân hai bên gia đình.
Vậy nên cô ấy cất bằng tiến sĩ đi rồi vì tôi cũng chẳng thấy nghiên cứu gì mấy. Ngoài thời gian ở trường, rảnh thì chăm con, lo công việc gia đình, cô ấy bảo không có động lực làm việc".
Độc giả nguyen dai lang chia sẻ sau thông tin chất lượng giáo dục đại học Việt Nam 'tụt hậu'. Ngày 14/7, tại hội thảo giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011-2020 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức, TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đại học, đã trình bày nghiên cứu đánh giá giáo dục đại học Việt Nam trong 10 năm qua. Theo đó, dù một số trường Việt Nam vào bảng xếp hạng quốc tế, nhưng chất lượng giáo dục đại học trong nước vẫn tụt hậu.
Một số độc giả đánh giá chất lượng giáo dục đại học chưa cao vì giảng viên ôm đồm nhiều việc nhưng thu nhập lại không đảm bảo cho cuộc sống, khiến động lực cống hiến bị bào mòn.
Độc giả Chung Le chia sẻ: "Tôi là một giảng viên đại học, trình độ tiến sĩ. Ngoài công việc giảng dạy chúng tôi còn làm các công việc giấy tờ phòng ban như thu thập minh chứng để đánh giá chất lượng đào tạo, và một số việc vặt khác.
Công tác nghiên cứu khoa học mang về thu nhập trung bình khoảng 5-10 triệu đồng, không tính các giảng viên nghiên cứu xuất sắc. Mức lương hiện tại cả phụ cấp chức vụ trưởng bộ môn, thâm niên là 9,2 triệu sau khi trừ ủng hộ đóng góp (tôi thuộc dạng cao còn trung bình khoảng 6-7 triệu).
Do vậy chúng tôi thường làm nhiều công việc khác nhau để nâng cao thu nhập. Có người may mắn làm thêm đúng chuyên môn nhưng 90% là không đúng chuyên môn.
Để viết được mọt bài báo trong danh mục tính điểm cần có nghiên cứu liên tục từ ba tháng tới một năm, thậm chí trong những năm đầu nghiên cứu đa số chưa có kết quả.
Hơn nữa để có thể bắt đầu nghiên cứu cần có đầu tư cơ sở vật chất đầy đủ bất kể ngành nào, những ngành như tự động hóa cang cần nhiều hơn. Sau 15 năm giảng dạy và học tập nâng cao trình độ, hiện tôi không còn nhiều tâm huyết nghiên cứu nữa vì thu nhập không đủ lo cho gia đình và các con.
Trong khi đó tuổi cũng đã nhiều khá khó để thay đổi công việc nên đa số chúng tôi chấp nhận làm sao để hoàn thành công việc giảng viên và làm thêm một công việc bên ngoài để đủ tồn tại (thường công việc bên ngoài quan trọng hơn).
Vì lẽ đó giáo dục đại học nói chung và ở trường tôi nói riêng không thể cải thiện được".
Trong hoàn cảnh có vợ chồng là giảng viên đại học như độc giả Nguyen Dai Lang chia sẻ đầu bài viết, độc giả Chi Chi kể: Chồng tôi học xong tiến sĩ sớm, mấy năm đầu chịu khó nghiên cứu rồi hướng dẫn sinh viên, học viên.
"Qua vài năm anh ấy chán vì không ra "kinh tế". Mỗi bài báo được thưởng vài triệu, không bõ công sức thời gian bỏ ra.
Bây giờ anh ấy mở công ty riêng làm dự án. Mỗi tuần đi dạy vài tiết, hết tiết lại chạy qua công ty. Chả thấy viết báo hay hướng dẫn sinh viên như trước nữa".
Lương giảng viên và chất lượng giáo dục có mối ràng buộc lẫn nhau. Nhưng đây là vấn đề muôn thuở, vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để, độc giả Huy Le:
"Tôi nghĩ lương giáo viên, giảng viên phải cao nhất trong số các ngành nghề mới đúng, thu nhập phải vài chục triệu thậm chí vài trăm triệu mỗi tháng mới đúng để làm sao giáo viên chỉ cần đi làm vài năm là đủ tiền mua nhà, mua xe hơi là mới xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Để từ đó người ta mới thấy được giá trị khi làm nghề giáo bên cạnh các yếu tố khác để các bạn trẻ khi học sư phạm không có tư tưởng rằng làm nghề giáo để sau này mở lớp dạy thêm kiếm thật nhiều tiền mà không lo dạy trên lớp.
Các thầy cô cũng có nhiều động lực trau dồi kinh nghiệm bản thân, nâng cao chất lượng dạy học. Chứ lương giáo viên mà có vài triệu mỗi tháng thì nói thật không dạy thêm hoặc làm thêm nghề khác thì làm sao họ nuôi gia đình.
Thêm vào đó, chất lượng giáo dục đại học xuống thấp minh chứng rõ nét nhất là sinh tốt nghiệp cử nhân ra ngoài thất nghiệp thì nguyên nhân nằm chính ở trường dạy dở chứ không đâu cả.
Làm một phép so sánh tại sao các nước khác như Nhật, Hàn, Trung, học sinh họ quyết tâm bằng mọi giá phải đậu đại học cho được vì họ biết rằng chỉ cần tốt nghiệp đại học thì sau này dường như chắc chắn sẽ có việc làm, có cuộc sống tốt, đủ để thấy chất lượng các trường bên họ như thế nào".
Những năm qua, nhiều trường đại học đã bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính, một số trường lương giảng viên đã được cải thiện. Độc giả Trung Nguyễn cho rằng điều này giúp giảng viên tăng thu nhập, đồng thời các tiêu chí, yêu cầu giảng viên cũng tăng theo, từ đây mới thay đổi được chất lượng giáo dục đại học:
"Hiện tại các trường đã dần được tự chủ tài chính, học phí cũng đã tăng khá nhiều, hi vọng qua đó lương của giảng viên sẽ được cải thiện. Quả thực đúng là để có thể dạy tốt và nghiên cứu tốt thì họ phải có đủ điều kiện để thực sự được tập trung vào công việc, thay vì cứ luôn phải lo lắng về chuyện tài chính.
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu sau này thu nhập được cải thiện thì đổi lại yêu cầu dành cho các giảng viên cũng phải tăng theo, những ai tỏ vẻ an phận thủ thường, năng lực giảng dạy và nghiên cứu yếu kém thì phải thẳng tay loại bỏ bất kể thâm niên để tạo cơ hội cho những cá nhân tâm huyết và có năng lực thực sự.
Đấy là vấn đề mấu chốt, cộng với việc điều chỉnh lại chương trình đào tạo cho bám sát với thực tiễn và nâng cao cơ sở vật chất (đặc biệt là đối với các trường kỹ thuật, y dược) thì tin rằng dần dần nền giáo dục của chúng ta sẽ đi lên. Nói thì dễ nhưng để làm được những điều đó thì không biết tới bao giờ".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.