Tôi thấy rất nhiều người suy nghĩ chưa đúng khi thắc mắc "Học Toán, Lý, Hóa để làm gì?". Tôi là một giáo viên Vật lý ở bậc THPT, xin khẳng định với các bạn rằng các môn khoa học tự nhiên là hệ thống tư duy logic, không phải rập khuôn máy móc như nhiều người vẫn nghĩ.
Tôi rất ngạc nhiên khi thấy các bạn cho rằng Toán không có tính ứng dụng. Lấy ví dụ đơn giản như phép tính đạo hàm do Newton phát minh khi nghiên cứu vận tốc của vật chuyển động. Đến tận bây giờ, tất cả các ngành kỹ thuật vẫn dùng đến nó. Các bạn có bao giờ nghĩ cái điện thoại mình đang dùng là do đâu mà có? Đó chính là sự kết hợp của Toán, Lý, Hóa.
Lý thuyết thường đi trước, ứng dụng sẽ đến sau. Tôi thấy người Việt rất giỏi, nhưng ngay cả các nhà khoa học trong nước khi có phát minh, sáng chế gì, khi muốn đưa nó vào sản xuất cũng đều phải có doanh nghiệp. Nhưng chúng ta lại luôn sính đồ ngoại, vậy thử hỏi có doanh nghiệp nào dám ứng dụng, sản xuất?
Hiện nay, chương trình giáo dục năm 2022 đã cho phép học sinh được tự chọn môn học ở bậc THPT. Khoảng 5 năm trở lại đây, học sinh cũng đã được tự chọn khối thi (ví dụ ngành kinh tế có các khối A, D, A1, B) chứ không bắt buộc thi khối A như trước kia. Tôi thấy rất nhiều em học sinh cấp hai chỉ tập trung vào học Văn, Toán, Tiếng Anh để thi vào lớp 10 và gần như không có chút kiến thức nào về Lý, Hóa. Lên cấp ba, các em lại chạy theo khối D (Toán, Văn, Tiếng Anh) để thi đại học nên cũng không biết gì mấy về những môn khoa học tự nhiên còn lại.
Chính thực trạng đó đã dẫn đến việc nhiều người không biết cả những kiến thức đơn giản như đọc các thông số ghi trên bóng đèn, tivi... Tôi từng đi mua đồ điện, có gặp một số nhân viên siêu thị, nhưng người này thậm chí còn chẳng biết gì về công suất để tư vấn cho khách hàng. Hay như anh hàng xóm nhà tôi còn hồn nhiên cho cái bát inox vào lò vi sóng và mất toi 4,5 triệu đồng, may mắn không thiệt hại về người. Giá bạn bán hàng có chút kiến thức Vật lý để đọc hiểu hướng dẫn sử dụng và không quên tư vấn cho khách hàng thì có lẽ đã không xảy ra chuyện như thế. Vậy theo các bạn, học Lý có quan trọng không?
>> Vật lộn với Toán cấp ba vì 'những kiến thức thừa'
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bây giờ, chỉ có 30% học sinh chọn khối tự nhiên. Tôi thấy tình trạng Lý, Hoá bị học sinh bỏ qua đang rất đáng báo động chứ không như trước kia. Tôi đang tập huấn đề án giáo dục mới và thấy chương trình môn Vật lý mới sẽ khắc phục những nhược điểm của chương trình hiện hành. Học sinh sẽ được giảm bớt tính toán như hiện nay, mà tập trung phát huy năng lực tự nghiên cứu, tự phát triển vấn đề... Nghĩa là không phải học kiểu lĩnh hội kiến thức như trước giờ.
Hy vọng, những thay đổi đó có thể giúp học sinh bớt sợ Lý, Hoá, và sẽ có nhiều em chọn khối khoa học tự nhiên hơn. Đây sẽ là cơ sở để cung cấp lực lượng lao động về công nghệ, kỹ thuật, khoa học... - những ngành nghề rất cần nhân lực ở thời kỳ 4.0.
Tôi xin khẳng định lại rằng, không học Toán, Lý, Hóa thì không thể có những kỹ sư giỏi xây dựng đất nước, các bác sĩ, nhà khoa học giỏi để chống dịch như bây giờ. Ngay cả nước Mỹ còn đưa hẳn khối STEM để thúc đẩy Toán, khoa học, công nghệ cho học sinh từ bậc tiểu học. Hay Hàn Quốc lập cả viện Toán, Vật lý và khoa học tự nhiên lớn, nên họ mới có thành công về khoa học, kỹĩ thuật, công nghệ như ngày nay.
Ngành khoa học cơ bản rất cần người giỏi nhất. Tôi buồn vì khoa học nước mình không được coi trọng, đi ngược với xu hướng của các nước phát triển. Lẽ ra, chỉ những người ưu tú nhất mới học được khoa học cơ bản. Toán học, Vật lý và các môn khoa học tự nhiên khác chính là nền tảng cho sự phát triển kỹ thuật, công nghệ của nhân loại. Vì thế, xin đừng mãi băn khoăn với câu hỏi: học giỏi Toán, Lý, Hóa để làm gì?
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.