Choi, người thuê phòng trong một căn studio ở Seoul, cho biết bản thân luôn muốn tách biệt không gian sống và làm việc. Với anh, việc ra quán cà phê làm việc là lựa chọn hoàn hảo bởi không có nhiều thứ dễ phân tâm như ở nhà.
"Khoảng cách cũng là yếu tố quan trọng trong việc chọn quán. Quán cà phê gần nơi tôi ở chỉ cách hai phút đi bộ, đó cũng là nơi tôi thường xuyên ngồi hàng giờ để học", Choi nói.
Kim, 20 tuổi, nhân viên văn phòng, nói rằng phòng trọ đang sống quá ngột ngạt, chật chội và không thể làm gì ngoài ngủ. "Tôi thích ngồi ở những quán cà phê rộng rãi, nơi có thể nuôi dưỡng sự sáng tạo. Chưa kể xung quanh có nhiều người khác cũng đang học tập, làm việc cũng khiến bản thân tập trung hơn", cô nói.
Choi và Kim là đại diện tiêu biểu cho các cagongjok - thuật ngữ là sự kết hợp của các từ cafe, gongbu (học tập) và jok (câu lạc bộ), chỉ một bộ phận người thường xuyên tìm đến quán cà phê để học tập, làm việc.
Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha (Hàn Quốc), cho biết các quán cà phê là thiên đường cho sự thoải mái với những người sống một mình, bù đắp vào việc thiếu sự tương tác trực tiếp. "Nhóm khách này tạo ra không gian khép kín với sự trợ giúp của tai nghe khử tiếng ồn để làm việc riêng", ông Lee nói.
Đặc biệt, sự phổ biến của các quán cà phê cùng những tiến bộ trong công nghệ tạo điều kiện để học tập và làm việc từ xa đã khiến số lượng cagongjok ngày càng đông. Hình ảnh mỗi cá nhân ngồi chiếm dụng chiếc bàn dành cho bốn người, mải mê làm việc với tai nghe cắm vào máy tính, dần trở nên quen thuộc.
![Một số người trẻ tuổi đang học và làm việc tại một quán cà phê ở Seoul hồi tháng 2/2023. Ảnh: Im Se-jun/The Korea Herald](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/28/A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-06-3789-4003-1687949612.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=HjGtIKx7oz2-6wFQ0UcHlA)
Một số người trẻ tuổi đang học và làm việc tại một quán cà phê ở Seoul hồi tháng 2/2023. Ảnh: Im Se-jun/The Korea Herald
Trong cuộc khảo sát 1.000 người do Hankook Research thực hiện năm 2021, 29% từng tham gia vào các hoạt động một mình tại các quán cà phê trong một năm, 60% những người ở độ tuổi 20 đến quán cà phê để học tập.
Nghiên cứu do nền tảng tìm kiếm việc làm Job Korea cho thấy hơn 37% người thuộc thế hệ MZ (sinh từ năm 1981 đến 2025) sử dụng quán cà phê để học ngoại ngữ; 32% tập trung vào việc trau dồi kiến thức chuyên môn trong các lĩnh vực cụ thể và 31% ôn tập để đạt được các chứng chỉ nghề nghiệp.
Khi được hỏi lý do, gần một nửa số người được hỏi nói không thể tìm địa điểm khác phù hợp. Trong khi phần lớn những người ở độ tuổi 20 bày tỏ sự thích thú với bầu không khí thoải mái, mát mẻ, có sẵn đồ ăn nhẹ, đồ uống.
![Hình ảnh khách hàng mang theo máy tính, máy in đến quán cà phê được chủ cửa hàng chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Naver](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2023/06/28/A-nh-chu-p-Ma-n-hi-nh-2023-06-4366-5423-1687949612.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=_YCXwo_tulccoy2IjwR1kA)
Hình ảnh khách hàng mang theo máy tính, máy in đến quán cà phê được chủ cửa hàng chia sẻ trên mạng xã hội khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Naver
Yoo, 28 tuổi, tìm đến các quán cà phê từ năm nhất đại học do không gian ấm cúng của quán có lợi cho việc ôn tập và kích thích hoạt động của trí não. Tại đây, anh thường gọi tách cà phê có giá 4.500 won (hơn 80.000 đồng) và dành khoảng ba tiếng ngồi ở cửa hàng.
Tuy nhiên sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các cagongjok đã gây ra hiệu ứng ngược. Việc ngồi quá lâu nhưng gọi đồ uống giá rẻ đã trở thành chủ đề gây tranh cãi và bàn tán trên mạng xã hội. Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi mới đây một chủ quán cà phê phàn nàn việc khách hàng mang máy tính xách tay và máy in, biến bàn của quán thành văn phòng tạm thời.
Dữ liệu năm 2019 từ Viện Nghiên cứu công nghiệp thực phầm Hàn Quốc cho thấy các quán cà phê đạt điểm hòa vốn, khi khách hàng chi khoảng 4.100 won cho cà phê nhưng thời gian ngồi lại quán kéo dài đến 102 phút.
Điều này khiến các chủ kinh doanh phải đối mặt với thách thức lớn hơn trong việc duy trì hoạt động. Nhất là khi giá điện tăng do chi phí năng lượng toàn cầu ngày càng lớn và sự thua lỗ của các công ty tiện ích ở Hàn Quốc.
Chủ một quán đồ uống gần khuôn viên trường đại học ở Seoul bày tỏ sự lo ngại khi số cagongjok tìm đến sẽ tăng đột biến trong các kỳ thi sắp tới. Người này cho biết dù khách đông nhưng không thể vui bởi doanh thu không tăng, thậm chí có nguy cơ sụt giảm nếu khách ngồi quá lâu.
Một chủ quán khác cũng cho biết dù tiền điện tăng khoảng 10% nhưng có cảm giác như đã tăng 20-30% vì quá sốt ruột với những khách ngồi lâu. Những năm trước, tiền điện cao nhất từ tháng 6 tới tháng 8, khoảng 1,2 - 1,3 triệu won. Năm nay, trong tháng 1 hóa đơn đã lên tới 1,5 triệu won. Như vậy, tiền điện vào mùa cao điểm có thể vượt quá 2 triệu won. Chưa kể các chi phí cố định như thuê mặt bằng, nhân công, tủ lạnh, máy pha cà phê, lò vi sóng cũng tăng.
Trước thực trạng trên, giáo sư Lee nhấn mạnh nhóm khách hàng cangongjok cần cân bằng giữa thời gian lưu lại quán và số tiền bỏ ra để mua dịch vụ, tránh để nhu cầu cá nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.
Minh Phương (Theo Koreaherald)