"Iraq bị kẹp giữa người bạn cách xa hơn 8.000 km và người hàng xóm đã ở bên suốt 5.000 năm. Chúng tôi không thể thay đổi vị trí địa lý và lịch sử của mình. Đây là thực tế ở Iraq", Thủ tướng Adel Abdul Mahdi nói trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày đầu tiên của năm mới, theo Abdul Hussain al-Hunain, cố vấn thân cận của Thủ tướng Iraq.
Hàng nghìn người biểu tình một ngày trước đó ném bom xăng, phá tường và xông vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad do phẫn nộ trước hành động của quân đội Mỹ trên đất nước này. Các cuộc không kích của Mỹ vào ba vị trí của nhóm vũ trang Kataib Hezbollah thân Iran đã khiến 25 tay súng thiệt mạng và ít nhất 51 người bị thương.
Vài ngày sau, tình hình càng căng thẳng hơn khi Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, bên ngoài sân bay Baghdad hôm 3/1. Abu Mahdi al-Muhandis, phó tư lệnh Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Quốc hội Iraq sau đó thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại nước này. Văn phòng Thủ tướng Iraq hôm qua cho biết Abdul Mahdi đã yêu cầu Mỹ gửi phái đoàn đến Iraq nhằm thiết lập các cơ chế thực hiện quyết định của quốc hội.
Với nhiều người Iraq, việc đẩy Mỹ khỏi nước này đã bị trì hoãn quá lâu. Một số cảm thấy biết ơn vì Washington giúp họ lật đổ chính quyền Saddam Hussein hồi năm 2003, cũng như chiến đấu cùng lực lượng Iraq để đánh đuổi phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, họ vẫn tức giận trước những tổn thất lớn về dân sự sau khi Mỹ xuất hiện và sự tra tấn nặng nề với các tù nhân tại Abu Ghraib.
Những dân quân thiệt mạng trong các vụ không kích của Mỹ gần đây cũng là thành viên của lực lượng an ninh Iraq, được nhiều người dân coi như anh hùng vì vai trò của họ trong cuộc chiến chống IS.
"Không khí sục sôi đang bao trùm Iraq. Quá trình rút quân của Mỹ sẽ giúp chúng tôi lấy lại một phần tự trọng của Iraq sau những vụ không kích và vi phạm chủ quyền đất nước", cố vấn al-Hunain cho hay. Thủ tướng Abdul Mahdi hôm 3/1 cũng chỉ trích Washington "vi phạm chủ quyền nghiêm trọng" khi giết tướng Iran trên lãnh thổ Iraq.
Cảm giác này đặc biệt mạnh mẽ đối với những người Hồi giáo theo dòng Shiite, cộng đồng chiếm đa số ở Iraq và ủng hộ Iran. Tehran từ lâu cũng nung nấu ý muốn đẩy lực lượng Mỹ khỏi lãnh thổ nước láng giềng, bởi cho rằng đây là một mối họa ngay sát nách.
Tuy nhiên, theo bình luận viên Alissa Rubin của NY Times, việc quốc hội Iraq nhất trí quay lưng với quân đội nước ngoài giữa lúc tình hình căng thẳng là động thái thiếu thận trọng, để lại những hậu quả tiềm tàng với đất nước.
"Áp lực lớn từ người dân đã dẫn tới quyết định yêu cầu nước ngoài rút quân. Tuy nhiên, chúng tôi có thể chịu đựng điều đó thay vì gánh những hậu quả do sự ra đi của người Mỹ", một quan chức Iraq giấu tên cho hay.
Chỉ 170 trong số 328 nghị sĩ quốc hội Iraq bỏ phiếu. Hầu hết thành viên không tham gia là những người Hồi giáo dòng Sunni hoặc người Kurd. Ahmed al-Jarba, một trong số ít người Sunni dự phiên họp tại quốc hội, cho rằng sự ra đi của lính Mỹ sẽ có lợi cho Iran.
"Những người hàng xóm là bạn hay ông chủ của chúng ta vậy? Có phải chúng ta sẽ trao sự thịnh vượng và những quyết định của đất nước vào tay nước láng giềng hay không?", Jarba đề cập tới Iran.
Theo cố vấn al-Hunain, Thủ tướng Abdul Mahdi hy vọng sau khi lực lượng Mỹ rời đi, Iran, một "gã khổng lồ" ở Trung Đông, sẽ không còn cảm thấy lo ngại về an ninh và để yên cho Iraq. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ, nhà ngoại giao và học giả Iraq đặt ra viễn cảnh ngược lại. Họ cho rằng Iraq có thể buộc phải "ngả vào vòng tay" Iran khi bị Mỹ cắt nguồn viện trợ và phương Tây cô lập.
Một mối nguy hiểm khác, ngay cả đối với Iran, là nguy cơ IS trỗi dậy nếu không có binh sĩ Mỹ trợ giúp. Mặc dù nhóm Hồi giáo cực đoan theo dòng Sunni này không còn kiểm soát lãnh thổ Iraq và quy mô bị thu hẹp nhiều, các tay súng phiến quân vẫn tấn công gần như hàng ngày.
Các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết nếu Mỹ rút quân, châu Âu và những lực lượng khác trong liên minh cũng sẽ hành động tương tự, bởi họ phụ thuộc vào hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần của Mỹ, như bệnh viện Mỹ tại sân bay quốc tế Baghdad giúp điều trị cho binh sĩ từ toàn bộ 30 quốc gia trong liên quân.
Iraq còn đối mặt áp lực về kinh tế, khi Tổng thống Trump cảnh báo trừng phạt nước này "theo cách họ chưa từng thấy" nếu quân đội Mỹ bị trục xuất. Ông chủ Nhà Trắng cũng nói rằng chi phí cho các căn cứ Mỹ ở Iraq rất đắt đỏ, "tốn hàng tỷ USD để xây dựng", nên Mỹ sẽ không rời đi "trừ khi Iraq trả lại khoản tiền đó". Theo bình luận viên Rubin, các lệnh trừng phạt này còn có thể giúp Trump mở rộng chiến dịch gây áp lực tối đa lên Iran, khi nền kinh tế của nước này và Iraq liên kết chặt chẽ.
Biện pháp trừng phạt có khả năng bao gồm đóng băng tài sản của chính phủ Iraq tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York, từ đó cắt nguồn USD của nước này. Chính phủ Iraq gửi lợi nhuận từ việc bán dầu tại đây và rút chúng ra để trả lương cho nhân viên và các hợp đồng.
Mỹ còn có thể chấm dứt các lệnh miễn trừ cho phép Iraq mua khí đốt của Iran để cung cấp nhiên liệu cho các máy phát điện ở phía nam, nơi sản xuất ít nhất 35% năng lượng cho đất nước. Iraq có thể tìm kiếm nguồn năng lượng khác, nhưng khó thực hiện được ngay lập tức. Khi thời tiết nóng lên, việc thiếu điện có thể gây ra bất ổn và tình trạng này từng xảy ra hồi năm 2018.
Mối lo ngại khác là các công ty nước ngoài sẽ giảm hoặc đình chỉ hoạt động tại Iraq để đảm bảo an toàn. Một số nhà thầu Mỹ đã rời đi vài ngày sau vụ hạ sát tướng Soleimani bởi họ không muốn "hứng đạn".
Tuy nhiên, Thủ tướng Abdul Mahdi tỏ ra sẵn sàng đối mặt với những hậu quả tiềm tàng đó. "Dường như các ý kiến và quyết định trong văn phòng thủ tướng đang nghiêng về hướng đông (Iran). Họ hầu như không màng tới con đường chông gai mà họ đang đi theo", một quan chức cấp cao Iraq giấu tên cho hay.
Joost Hiltermann, giám đốc chương trình Trung Đông và Bắc Phi tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nhận định vấn đề nằm ở chỗ không ai trong chính phủ Iraq nghiêm túc xem xét về những khả năng dàn xếp. "Người Iraq không muốn cả Mỹ lẫn Iran, nhưng nếu buộc phải lựa chọn, họ sẽ cố gắng cân bằng hai bên", Hiltermann nói.
Giới chuyên gia cho biết vẫn có một số biện pháp tiềm năng để giải quyết thế bế tắc cho Iraq, như thảo luận với những quốc gia trong liên quân nước ngoài về việc giữ lại một số lính Mỹ, từ đó giúp duy trì liên minh chống IS. Bản thân các nước châu Âu cũng muốn đảm bảo khả năng đối phó với phiến quân IS tại Iraq do lo ngại sự trỗi dậy của nhóm này. Một nhà ngoại giao phương Tây giấu tên cho hay Anh và Pháp đang vạch ra biện pháp xử lý, tập trung vào việc bảo toàn thành quả của cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Abdul Mahdi đã yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq nộp bản tóm tắt những lựa chọn giúp thực thi nghị quyết của quốc hội. Theo một quan chức giấu tên am hiểu vấn đề, phương án đầu tiên được đưa ra là yêu cầu quân đội Mỹ rời đi nhanh nhất có thể. Cách này ít nhất có thể giúp quân đội Mỹ tránh được các cuộc tấn công từ lực lượng dân quân thân Iran.
Lựa chọn thứ hai là một cuộc rút quân theo thỏa thuận. Phương án này sẽ làm chậm quá trình trục xuất lực lượng nước ngoài và có khả năng giúp duy trì cuộc chiến chống IS tại một số địa điểm. Lựa chọn cuối cùng là đàm phán lại thỏa thuận với liên quân do Mỹ dẫn đầu, cho phép một số binh sĩ ở lại, mở ra cánh cửa duy trì lực lượng quốc tế. Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq đã đề nghị phương án thứ ba.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ không tuân thủ yêu cầu chuẩn bị rút quân của Baghdad, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục thảo luận với chính phủ nước này về "cấu trúc phù hợp", nói thêm rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục nhiệm vụ huấn luyện lực lượng Iraq để chống lại IS.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)