Công nhân dầu mỏ Mỹ ở Baghdad vội vã rời khỏi Iraq hôm 3/1, do lo sợ nguy cơ chiến tranh giữa Mỹ và Iran. Tại Karbala, thánh địa của người Hồi giáo dòng Shiite, người sùng đạo hô vang khẩu hiệu "Giết người Mỹ".
Tại quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Baghdad, nơi người biểu tình chống chính phủ tụ tập nhiều tháng qua, một biểu ngữ mang thông điệp rõ ràng gửi tới Mỹ và Iran: "Hãy mang xung đột của các người ra khỏi Iraq".
Người Iraq thức dậy sáng hôm 3/1 với tin tức chấn động về cái chết của tướng Iran Qassem Soleimani. Tư lệnh Quds, kiến trúc sư trưởng trong kế hoạch mở rộng ảnh hưởng của Tehran tại Iraq, bị giết trong cuộc không kích của Mỹ gần sân bay Baghdad cùng một số người khác.
Nhưng trước khi hết bàng hoàng về cái chết này, phe phái ở Iraq phải cân nhắc về phản ứng của họ. Dân quân Iraq có mối quan hệ mật thiết với Iran thề sẽ trả thù đẫm máu. Thủ tướng Adel Abdul Mahdi lên án vụ tấn công như "hành vi vi phạm trắng trợn chủ quyền của Iraq" và cho biết quốc hội sẽ thảo luận về sự hiện diện của Mỹ tại nước này.
Người biểu tình chống chính phủ để phản đối ảnh hưởng của Iran tại Iraq lo lắng phong trào của họ sớm bị dân quân Iran dập tắt. Trong khi đó, hầu hết người dân Iraq cảm thấy đất nước của họ nằm ngoài cuộc xung đột địa chính trị giữa Mỹ và Iran, dù nó diễn ra trên đất Iraq.
Cuộc không kích giết tướng Iran đặt ra một câu hỏi chung: liệu Mỹ có thể duy trì mối quan hệ hợp tác an ninh với Iraq? Câu hỏi này được nêu ra ở mọi cơ quan cấp cao ở Baghdad, ngay cả khi chính quyền Trump hôm 3/1 tuyên bố gấp rút đưa quân tới khu vực để đối phó với khủng hoảng.
Vụ giết tướng Soleimani là phát súng chống lại Iran, nhưng có thể đẩy nhanh mục tiêu dài hạn của Iran: đuổi quân Mỹ ra khỏi Iraq.
"Tôi cho rằng tướng Soleimani đã đóng chiếc đinh cuối cùng vào cỗ quan tài của hiện diện quân sự Mỹ tại Iraq bằng chính cái chết của ông. Nếu Tehran có thể xóa sạch sự hiện diện của quân Mỹ ở Iraq bằng sự hy sinh của 5 quân dân Iran, họ sẽ làm chứ? Tôi tin câu trả lời là có", Mohammad Shabani, nghiên cứu sinh về quan hệ Iran - Iraq tại Đại học nghiên cứu về châu Phi và phương Đông (SOAS) tại London, Anh, cho biết.
Mỹ có 5.000 quân ở Iraq. Nhưng dù họ ở hay đi, sức mạnh của Mỹ ở Iraq sẽ giảm sút. "Kết quả chắc chắn của cuộc không kích là kỷ nguyên của mối quan hệ Mỹ-Iraq đã chấm dứt", Richard N. Haass, chủ tịch Hội đồng Quan hệ ngoại giao và cựu nhân viên ngoại giao Mỹ, viết trên Twitter. "Hiện diện về ngoại giao và quân sự của Mỹ sẽ kết thúc bởi Iraq yêu cầu chúng tôi rời đi hoặc xem sự hiện diện của chúng tôi là mục tiêu. Kết quả này giúp Iran tăng tầm ảnh hưởng với Iraq, kéo theo đó là khủng bố và xung đột ở Iraq".
Hơn 16 năm sau cuộc tấn công Iraq của Mỹ, chính quyền Washington mất gần một nghìn tỷ USD và khoảng 5.000 mạng sống của công dân Mỹ. Trong khi đó, tầm ảnh hưởng của Iran tại Iraq ngày càng lớn, thậm chí trước khi tướng Soleimani bị giết. Khi Mỹ không kích căn cứ dân quân thân Iran hôm 29/12, giết chết 24 người, quan chức Iraq đã chỉ trích Washington vi phạm chủ quyền của Baghdad.
Tuy nhiên, khi cuộc không kích của lực lượng dân quân khiến nhà thầu Mỹ thiệt mạng lại vấp phải rất ít chỉ trích và nhanh chóng lắng xuống. Thậm chí, khi dân quân thân Iran diễu hành và tấn công đại sứ quán Mỹ hôm 31/12, chính quyền Baghdad dường như bất lực và chỉ còn cách cầu xin họ rút lui.
"Xin đừng đẩy tôi vào tình huống nguy cấp này. Chúng tôi là một quốc gia và phải thực hiện trách nhiệm của mình. Chúng tôi phải bảo vệ các đại sứ quán ở đây", Thủ tướng Abdul Mahdi lên tiếng cầu xin lãnh đạo dân quân trong cuộc họp khẩn hôm 31/12, theo chuẩn tướng Abdul Karim Khalaf. Cuối cùng, ông Abdul Mahdi phải thuyết phục bằng cách đe dọa từ chức thủ tướng và "để đất nước chìm trong hỗn loạn".
Giới chuyên gia cho rằng nếu chính quyền Trump hợp tác với chính phủ Iraq để đảm bảo sự ổn định và chủ quyền, thông qua cam kết về ngoại giao và kinh tế, cuộc không kích giết chết tướng Iran sẽ là đòn bẩy.
Kenneth M. Pollack, cựu nhân viên CIA, hiện là chuyên gia về Iraq và Iran tại Viện nghiên cứu chính sách công (AEI) của Mỹ, cho rằng vụ không kích giúp "quan chức Iraq bớt sợ Iran hơn và sẵn sàng nghe theo Mỹ" dù trong thời gian ngắn. Khi mất đi lãnh đạo, lực lượng Iran ở Iraq sẽ có thời gian chao đảo trước khi xác định được nên làm gì tiếp theo. Tuy nhiên, Mỹ dường như không có chính sách nào dành cho Iraq ngoài xem nước này là căn cứ chống Iran.
"Tôi từng nói chuyện với vài người bạn ở Mỹ và biết Mỹ không có giải pháp nào giúp Iraq phát triển tốt hơn. Vụ giết tướng Iran là bước đi chiến thuật nhắm vào Iran mà không có chiến lược mang tính khu vực", Pollack đánh giá.
Ngược lại, Iran ngày càng nâng tầm ảnh hưởng ở Iraq ở nhiều cấp độ. "Mỹ chỉ có một màu, đó là màu sắc quân sự, và họ bỏ tiền cho điều đó. Nhưng Iran có rất nhiều màu, như chính trị, văn hóa, tôn giáo và nhiều lĩnh vực khác", Qais al-Khazali, lãnh đạo dân quân thân Iran, cho biết.
Trên nhiều con phố, người Iraq ăn mừng sau cái chết của tướng Soleimani. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đăng bức ảnh người Iraq vẫy cờ và mô tả họ "nhảy múa trên phố vì được tự do, cảm ơn vì tướng Soleimani không còn". Nhưng trên các con phố, nơi người biểu tình chống chính phủ để kêu gọi chấm dứt sự ảnh hưởng của Iran, không có cảnh ăn mừng đó. Họ lo ngại nguy cơ khác có thể xảy ra sau cái chết của tướng Soleimani.
Faiq al-Shakhe, nghị sĩ quốc hội Iraq, cho biết người biểu tình không ăn mừng hay cảm thấy hạnh phúc. Thay vào đó, họ lo sợ phản ứng dữ dội từ dân quân thân Iran, lực lượng bị cáo buộc giết nhiều người biểu tình và lúc này có thể coi họ như đặc vụ Mỹ.
"Mỹ đã có bước đi sai lầm bởi đáng lẽ Mỹ nên phối hợp với chính phủ Iraq", theo Ameer Abbas, người biểu tình cho rằng Mỹ vi phạm chủ quyền của Iraq.
"Chúng tôi phản đối tất cả sự can thiệp của nước ngoài, dù là Iran, Saudi Arab hay Mỹ. Nhưng nếu Mỹ hành xử giống Iran, bạn có thể thấy phản đối với Mỹ có thể lớn gấp nhiều lần so với Iran", Mustafa Nader, người biểu tình, cho hay.
Emma Sky, cựu cố vấn của lực lượng Mỹ ở Iraq, hiện làm việc tại Đại học Yale, cho rằng mối quan hệ Mỹ - Iraq sẽ bị hủy hoại vì vụ ám sát. "Tôi nghĩ sẽ có nhiều yêu cầu Mỹ rút quân khỏi Iraq", Sky nói. Mỹ khó có thể có lý do để tiếp tục ở lại Iraq bởi nhiều người nhận ra mục tiêu của chính quyền Washington không phải sự ổn định của Iraq mà là Iran.
Trong khi quốc hội Iraq chắc chắn tiến hành thảo luận về sự hiện diện của quân Mỹ, ít người cho rằng chính phủ thực sự trục xuất người Mỹ. Lãnh đạo Iraq xem sự hiện diện của Mỹ quan trọng về an ninh. Họ cần Mỹ huấn luyện lực lượng an ninh và ít nhiều giúp họ trở thành đối trọng với Iran.
Tuy nhiên, người Mỹ ở Iraq hiện có rất ít sự bảo vệ. "Không ai lên tiếng vì chúng tôi, bất chấp chúng tôi đã làm gì cho họ. Và có Chúa chứng giám, chúng tôi cũng mắc sai lầm", Ryan Crocker, cựu đại sứ Mỹ ở Iraq và giờ là cố vấn ngoại giao tại Đại học Princeton, bang New Jersey, Mỹ, cho biết.
"Tất cả những gì chúng tôi cho Iraq, đặc biệt là người Hồi giáo dòng Shiite, là điều mà họ không dám mơ trước năm 2003. Nhưng quá khứ đã qua và giờ là hiện tại", ông nói.
Xem thêm:
Mỹ nhiều lần 'nương tay' với tướng Iran
Mỹ tranh cãi vụ không kích giết tướng Iran
Các nước phản ứng vụ tướng Iran chết
Thanh Tâm (Theo NY Times)