"Thủ tướng Adil Abdul-Mahdi yêu cầu Mỹ gửi phái đoàn đến Iraq nhằm thiết lập các cơ chế thực hiện quyết định của quốc hội về việc đảm bảo lực lượng nước ngoài rút quân", theo thông cáo do Văn phòng Thủ tướng Iraq công bố hôm nay.
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại quốc gia này sau cuộc bỏ phiếu trong phiên họp bất thường ngày 5/1. Iraq thu hồi cam kết hỗ trợ liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau vụ không kích hạ sát thiếu tướng Iran Qassem Soleimani tại Baghdad.
Nghị quyết của quốc hội Iraq không có tính ràng buộc với chính phủ như luật. Tuy nhiên, trước phiên họp, Thủ tướng Abdul-Mahdi kêu gọi phải có biện pháp khẩn cấp để chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài.
Một quan chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 8/1 cho biết một số nhân viên rời Iraq do lo ngại căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran. Bộ Quốc phòng Đức cùng ngày thông báo khoảng 30 binh sĩ đồn trú tại Iraq sẽ tới Jordan và Kuwait.
Khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại các căn cứ ở Iraq để huấn luyện và hỗ trợ quân đội nước này ngăn IS trỗi dậy. Chính phủ Iraq mời lực lượng Mỹ tới nước này năm 2014 để chống IS, tuy nhiên thỏa thuận không được quốc hội Iraq phê chuẩn.
Bức thư của một chỉ huy đặc nhiệm Mỹ nói sẽ rút quân để đảm bảo chủ quyền Iraq xuất hiện ngày 7/1. Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói bức thư là "bản nháp" chưa được thông qua và được gửi do nhầm lẫn. Tuy nhiên Abdul-Mahdi nói văn phòng của ông nhận được bản sao bức thư đã được ký và dịch sang tiếng địa phương, đồng thời yêu cầu Mỹ làm rõ ý định.
Vụ không kích hạ sát tướng Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng một chỉ huy dân quân Iraq hôm 3/1 khiến căng thẳng Mỹ - Iran leo thang và làm nhiều nhà lập pháp Iraq tức giận. Iran tập kích tên lửa lực lượng Mỹ đồn trú tại hai căn cứ ở Iraq hôm 8/1 để báo thù cho tướng Soleimani, tuy nhiên Washington thông báo không có thương vong và muốn tìm kiếm hòa bình với Tehran.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)