Trung Quốc cải tổ quân đội

Một trong các sự kiện đáng chú ý nhất về quân sự ở châu Á năm nay là tuyên bố cắt giảm 300.000 quân của Trung Quốc, một phần trong kế hoạch trỗi dậy đầy tham vọng của quốc gia có số quân đông nhất thế giới.
Các binh sĩ Trung Quốc tham gia lễ duyệt binh năm 2015. Ảnh: SCMP

Mặc dù với quân số 2,3 triệu đầy đủ các lực lương quân binh chủng, nhưng sự phân tán trong cấu trúc chỉ huy khiến Trung Quốc được nhiều nhà phân tích ví như con Hổ giấy. Với kế hoạch cải tổ, hải, lục, không quân và quân đoàn tên lửa chiến lược sẽ được đặt dưới sự chỉ huy hợp nhất. Giảm bộ binh, chuyển trọng tâm sang không quân và hải quân. Đặc biệt, lãnh đạo Trung Quốc không ngần ngại hiện thực hóa quyết tâm phát triển hải quân, tác chiến xa bờ.

Kế hoạch được công bố trong lễ duyệt binh khổng lồ ngày 3/9. Đây là lần đầu Bắc Kinh tổ chức duyệt binh kỷ niệm ngày thế chiến II kết thúc ở châu Á, khiến các nhà quan sát cho rằng hành động này là thông điệp gửi tới Nhật Bản và các quốc gia đang có tranh chấp với Trung Quốc về sức mạnh của họ. Tại cuộc duyệt binh, Trung Quốc đã phô diễn năng lực quân sự với hàng nghìn xe tăng, máy bay và tàu chiến.

Tuyên bố và các động thái của Trung Quốc khiến thế giới quan ngại, đặc biệt là các nước láng giềng mà Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền. Tỷ lệ tăng ngân sách quốc phòng hầu như luôn ở hai con số khiến Bắc Kinh trở thành nhà chi tiêu quân sự thứ nhì thế giới.

E ngại trước một thế lực đã rất lớn lại còn gia tăng nhanh chóng, các nước trong khu vực đồng loạt mua sắm thêm vũ khí, củng cố khả năng quốc phòng. Nhật Bản vừa quyết định ngân sách quốc phòng hơn 41 tỷ USD, cao nhất lịch sử. Philippines mua thêm khu trục hạm, tàu tuần tra, quyết định tăng gấp 3 chi tiêu quốc phòng thường niên, lên mức kỷ lục. Singapore, Philippines làm chủ nhà cho các tàu tuần tra luân phiên của Mỹ, trong khi Malaysia có thể sẽ là nơi các máy bay săn ngầm P-8 xuất phát ra Biển Đông.

"Các cải cách quân đội của Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình có nhiều tính toán, được thiết kế để góp phần hiện thực hóa ‘Giấc mơ Trung Hoa’ của ông Tập”, giáo sư Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Australia, nhận xét. “Bắc Kinh muốn các nước thích nghi với các lợi ích của Trung Quốc".