Hội nghị biến đổi khí hậu toàn cầu COP 21
Lần đầu tiên trong lịch sử, hôm 12/12, tại Paris, Pháp, 195 quốc gia đã đạt thỏa thuận phần nào mang tính ràng buộc pháp lý, cam kết cắt giảm lượng phát thải CO2 nhằm giữ nhiệt độ trái đất tăng không quá 2 độ C vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Khi Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius, Chủ tịch COP21, gõ chiếc búa nhỏ màu xanh, chính thức thông qua thoả thuận, các đại biểu trong khán phòng đồng loạt đứng lên vỗ tay.
Ý nghĩa thỏa thuận và tiến độ
"Các bạn đã đạt được một thoả thuận đầy tham vọng, một thoả thuận ràng buộc, mang tính toàn cầu. Tôi không thể bày tỏ hết sự cảm kích của mình tới những người tham gia hội nghị này. Các bạn có thể tự hào khi đứng trước con cháu mình", Tổng thống Pháp Hollande nói với các đại biểu tham gia hội nghị.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi thỏa thuận này là "bước ngoặt của thế giới, là cơ hội tốt nhất chúng ta có để cứu lấy hành tinh".
195 nước, là thành viên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP), từng nỗ lực thảo luận suốt hơn 20 năm qua trong các kỳ họp nhằm đạt sự nhất trí về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Mức tăng nhiệt độ 2 độ C là ngưỡng sẽ gây ra ngập lụt toàn cầu, theo khuyến cáo của các nhà khoa học. Nhiệt độ trung bình của hành tinh chúng ta hiện nay là 15 độ C.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon: "Lần đầu tiên, các nước trên thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải, tăng cường thích ứng và chia sẻ động lực để cùng thực hiện hành động chung. Đây là một thành công rực rỡ của sự hợp tác toàn cầu. Các nước đã bước vào một kỷ nguyên mới về hợp tác toàn cầu đối với một trong những vấn đề phức tạp nhất mà loài người phải đối phó."
Để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp khoản hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm.
Thoả thuận sẽ được ký kết vào ngày 22/4/2016, là ngày Mẹ Trái Đất (Mother Earth Day) sau khi 55 nước chiếm 55% lượng phát thải CO2 toàn cầu gửi văn kiện về việc thông qua cam kết. Các nước sẽ cùng thực hiện hành động trong giai đoạn từ nay đến 2020.
Hình ảnh trong và bên lề hội nghị COP21
"Các vị đã ngủ đủ rồi, đây là lúc cần hành động", các nhà hoạt động xã hội của tổ chức Oxfam đặt tấm biển bên cạnh những người đeo mặt nạ đóng giả các lãnh đạo thế giới. Ảnh: Reuters
Hàng nghìn cuộc họp chuyên đề tập trung vào chủ đề các nước ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, công nghệ mới, xu hướng sử dụng năng lượng tái tạo. Ảnh: Reuters
Triển lãm băng Bắc Cực của nghệ sĩ người Đan Mạch Olafur Eliasson nhằm giúp mọi người có cơ hội trực tiếp cảm nhận được sự nóng lên của trái đất. Ảnh: Reuters
Nhóm Our Power Campaign giăng tấm biểu ngữ lớn "Công lý cho khí hậu" (Climate justice) trên đại lộ Avenue de la Grande ở trung tâm Paris. Ảnh: AFP
Những nhà hoạt động vì môi trường trong hình dạng gấu trắng Bắc Cực tuần hành ở công viên Champs de Mars. Ảnh: AFP
Lãnh đạo tộc người thiểu số khắp thế giới cầu nguyện khi họ đi thuyền trên sông Seine, họ đề nghị có giải pháp thực sự trước thực trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters
Kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu năm 1750, lượng CO2 đã tăng hơn 30% trong khí quyển, và cao nhất trong lịch sử 800.000 năm trở lại. Theo đó, lượng CO2 thải ra từ đốt nhiên liệu hóa thạch toàn cầu chiếm 57% khí thải nhà kính. Các nhà khoa học đã đưa ra bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại lớn nhất từ trước tới nay.
Nhiệt độ trung bình toàn cầu đạt mức cao kỷ lục năm 2014, và dự kiến, năm 2015 sẽ đạt mức cao nhất trong lịch sử. Ngay cả khi các nước cắt giảm khí thải nhà kính ngay lập tức, hậu quả của nó cũng gây ảnh hưởng tới hàng trăm năm sau, đối với đại dương và băng ở hai cực. Và để loại bỏ ảnh hưởng của khí thải nhà kính đối với khí quyển, cũng phải mất hàng thập kỷ.
Mỹ và Trung Quốc là hai nước phát thải khí CO2 nhiều nhất thế giới, tương ứng 12% và 24% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, theo Viện Tài nguyên thế giới.
Các nước phát thải lớn nhất thế giới
Là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế. Ước tính Việt Nam cần hỗ trợ gần 20 tỷ USD.
Do biến đổi khí hậu , trong 20 năm qua, ước tính mỗi năm Việt Nam có gần 400 người chết và thiệt hại hơn 1% GDP. Đến năm 2100 nếu nhiệt độ toàn cầu tăng 2 - 3 độ C, mực nước biển dâng 100 cm, 10% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, 20% diện tích TP HCM có nguy cơ bị ngập. Tại Đồng bằng sông Cửu Long, nước dâng sẽ xâm chiếm khoảng gần 40% diện tích đồng bằng, ảnh hưởng đến cuộc sống 1/3 dân số và nguy cơ mất đi hơn 40% tổng sản lượng vựa lúa lớn nhất Việt Nam. Vì thế thỏa thuận đạt được ở COP 21, khi được thực thi, sẽ tác động to lớn đến tương lai kinh tế xã hội của Việt Nam.
Các thành phố bị ảnh hưởng khi nước biển dâng
Thỏa thuận COP 21, như lời ca ngợi của Tổng thống Mỹ Obama, chính là "bước ngoặt của thế giới, là cơ hội tốt nhất chúng ta có để cứu lấy hành tinh".