Myanmar bầu cử tự do lần đầu tiên sau 25 năm

Ngày 8/11, tất cả các điểm bỏ phiếu ở Myanmar mở cửa đón 32 triệu cử tri tham gia cuộc tổng tuyển cử tự do đầu tiên sau 25 năm. Đảng đối lập Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của "Quý bà Myanmar" Aung San Suu Kyi giành chiến thắng vang dội, với 77,04% số ghế được bầu tại ba cấp trong quốc hội.
 

Đảng cầm quyền Liên minh Đoàn kết và Phát triển (USDP) do Tổng thống Thein Sein, từng là tướng quân sự, lãnh đạo chỉ giành 10%, số ghế còn lại thuộc về các đảng thiểu số và 5 ứng viên độc lập.

Với kết quả này, NLD có quyền thiết lập chính phủ mới độc lập, nắm quyền ở lưỡng viện, bổ nhiệm tổng thống và chỉ định hai ứng viên phó tổng thống.

Sự kiện được đánh giá là một dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar và đóng vai trò quyết định vận mệnh tương lai đất nước. Sau khi giành độc lập vào năm 1948, Myanmar liên tục chìm trong những biến cố về chính trị và xung đột sắc tộc dẫn đến tình trạng bất ổn liên miên. Đây là thành quả của một quá trình nỗ lực lâu dài của chính quyền khi theo đuổi một lộ trình cải cách 7 bước, được phát động và triển khai từ năm 2003. Giới chuyên gia nhận định cuộc tổng tuyển cử là bước thứ 7, đồng thời cũng là bước ngoặt cuối cùng trên con đường đưa Myanmar "lột xác".

Hành trình đấu tranh giành dân chủ của 'Quý bà' Myanmar

Để đi đến chiến thắng, bà Suu Kyi đã duy trì đường lối đấu tranh chính trị kiên cường và hòa bình, dù bị chính quyền quân sự cầm tù và giam lỏng tại nhà suốt 15 năm. Giới chuyên gia gọi đây là một cuộc "cách mạng rùa", một quá trình đấu tranh vì dân chủ diễn ra từ từ, chậm rãi, gần như không thể phát hiện được. Đối với thế giới bên ngoài, đường lối này rất dễ bị hiểu nhầm là phục tùng hay thỏa hiệp nhưng đó lại là một sự kết hợp đầy tinh tế giữa thực tế với phương châm né tránh bạo lực tối đa. Bà Suu Kyi đã và đang tạo dựng được một sợi dây tình cảm gắn bó với người dân trong nước - chất xúc tác quan trọng có khả năng làm nên chiến thắng của bất kỳ đảng phái nào.

Thắng lợi và chông gai

"Quý bà Myanmar" Aung San Suu Kyi và Tổng thống Thein Sein. Ảnh: AFP, AP

Giới quan sát đánh giá thắng lợi mà đảng NLD của bà Suu Kyi giành được là cơ hội tuyệt vời đưa Myanmar tiếp cận gần hơn với nền dân chủ. Đây cũng là bước đệm để tạo ra những thay đổi tích cực trong mọi mặt đời sống ở quốc gia này. Người dân đang hy vọng vào một sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế. Họ cũng muốn nhìn thấy những biến đổi trong quá trình phân bố của cải, kết thúc tình trạng đặc quyền đặc lợi và tham nhũng.

"Người dân Myanmar đã hoàn thành bổn phận của mình và đây là lúc để đảng NLD cố gắng thỏa mãn mọi nguyện vọng của dân chúng", một quan chức cấp cao Myanmar nhấn mạnh.

Dù NLD giành chiến thắng, hiến pháp Myanmar hiện thời không cho phép bà Suu Kyi giữ chức tổng thống, do bà đã kết hôn với một người nước ngoài là nhà sử học Oxford quá cố Michael Aris và có hai con trai mang quốc tịch Anh. Tuy nhiên, bà Suu Kyi tuyên bố sẽ chỉ định một người trở thành tổng thống và sẽ "đứng trên cả tổng thống".

Người ủng hộ chờ kết quả bỏ phiếu bên ngoài trụ sở NLD. Ảnh: Reuters

Giới phân tích đánh giá bà Suu Kyi và đảng NLD sẽ phải tiếp tục giữ vững chiến lược kiên trì và nhẫn nại sau chiến thắng, bởi quân đội vẫn là một thế lực chính trị có ảnh hưởng rất lớn ở Myanmar. Căn cứ theo hiến pháp do quân đội khởi thảo, một số cơ quan siêu quyền lực trong thể chế Myanmar hiện nay vẫn do quân đội trực tiếp kiếm soát, như Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ các Vấn đề Biên giới.

Là một xã hội với 135 nhóm dân tộc và khoảng 20 nhóm vũ trang, việc thúc đẩy và hoàn thành tiến trình hòa giải dân tộc ở Myanmar được coi là một nhiệm vụ đầy chông gai. Xây dựng đội ngũ viên chức đủ năng lực và liêm chính để tiến hành các biện pháp cải tổ nhằm "cởi trói" cho nền kinh tế cũng là một thách thức với bà Suu Kyi.

Tuy vậy, như lời Tổng thống Mỹ Barack Obama nói, "những nỗ lực không mệt mỏi và sự hy sinh" của bà Suu Kyi để "thúc đẩy một Myanmar toàn diện, hòa bình và dân chủ hơn" là rất đáng ghi nhận. "Cuộc bầu cử và sự thành lập một chính phủ mới sẽ là một bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi tiến lên dân chủ của Myanmar".