Mỹ thách thức trực diện Trung Quốc trên Biển Đông
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Lassen hôm 27/10 đã tiến vào đá Subi, một trong 7 bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Trung Quốc đã điều hai tàu chiến, gồm tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Type 052C Lan Châu và tàu hộ vệ tên lửa lớp Sovremennyy Đài Châu để theo sát tàu USS Lassen, liên tục phát tín hiệu đòi tàu Mỹ rời khỏi "vùng biển Trung Quốc" ngay lập tức.
Bắc Kinh gọi hành động của Mỹ là "cực kỳ thiếu trách nhiệm", "gây tổn hại lòng tin" và dọa "kiên quyết đáp trả sự khiêu khích đơn phương của mọi quốc gia".
Trước việc Mỹ điều tàu đến tuần tra ở quần đảo Trường Sa, Việt Nam khẳng định chủ quyền của mình với Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời kêu gọi các nước góp phần duy trì hòa bình ở khu vực.
Philippines, Australia, Nhật Bản, liên minh châu Âu (EU) công khai ủng hộ động thái của Mỹ. Washington cũng thúc giục đồng minh và đối tác triển khai các hoạt động tương tự. Australia đã điều máy bay do thám P-3 Orion đến gần đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng. Nhật cũng tăng cường hợp tác với các nước Đông Nam Á và đề cập đến việc theo chân Mỹ thách thức Trung Quốc, nhưng khả năng này cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.
Ganh đua
Chuyến tuần tra là hành động quyết liệt nhất của hải quân Mỹ từ trước tới nay, nhằm thách thức và bác bỏ những tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với những bãi đá nửa nổi nửa chìm bị biến thành đảo nhân tạo ở Trường Sa. Sau đó, Mỹ còn điều cả máy bay B-52 tới gần các đảo Trung Quốc xây dựng trái phép. Washington muốn dùng cuộc tuần tra để khẳng định vai trò cường quốc của mình trong việc giữ gìn luật pháp quốc tế, đồng thời trấn an đồng minh và đối tác, những nước đang tỏ ra lo lắng vì cho rằng Washington chưa phản ứng đủ mạnh trước những động thái của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, nước đi của Washington có thể khiến quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, đồng thời là cái cớ để Bắc Kinh tăng tốc xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo, thậm chí là thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Chuyến tuần tra của tàu USS Lassen được đánh giá là sự khởi đầu cho một giai đoạn mới trong cuộc tranh giành quyền lực địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ trên Biển Đông, sẽ có ảnh hưởng lớn đến diện mạo tương lai của khu vực. "Dù kết quả cuối cùng như thế nào đi chăng nữa, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ không bao giờ còn như cũ được", ông Ryan Pickrell, chuyên gia quan hệ Mỹ - Trung nhận định.