Phi công Đức lao máy bay xuống núi
Những mảnh vỡ máy bay và thi thể của các nạn nhân rải rác trên những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng hiểm trở đến mức lực lượng cứu hộ chỉ có thể đu dây từ trực thăng xuống mới tiếp cận được hiện trường. Sự việc xảy ra khi nỗi hoang mang sau thảm kịch hàng không MH370 và MH17 của năm 2014 còn chưa lắng xuống.
Hiện trường, cứu hộ
Cuộc điều tra của cảnh sát hé lộ sự thật đằng sau thảm kịch khiến thế giới bàng hoàng hơn. Cơ phó Andreas Lubitz, 28 tuổi, đã chiếm buồng lái trong khi cơ trưởng ra ngoài và cố tình lao máy bay xuống núi.
Diễn biến giảm độ cao và lao xuống núi của máy bay
Không thư tuyệt mệnh hay bất kỳ bằng chứng nào cho thấy hành động này mang động cơ tôn giáo hoặc chính trị, những gì mà các nhà điều tra tìm thấy tại nhà của Andreas Lubitz là các giấy khám bệnh, toa thuốc và khuyến cáo nghỉ bay của bác sĩ bị xé nát.
Suốt nhiều năm, nam phi công này che giấu nỗi sợ hãi rằng một ngày không xa mình sẽ phải từ bỏ nghề bay vì gặp vấn đề về sức khỏe. Cơn trầm cảm lên đến đỉnh điểm là khi Lubitz lập kế hoạch để thực hiện mưu đồ kết liễu đời mình và 149 sinh mạng vô tội khác bằng chính công việc mà mình đam mê.
Vụ việc gây chết người đầu tiên của hãng Germanwings trong lịch sử 18 năm hoạt động và cũng là thảm kịch hàng không thảm khốc nhất ở Pháp trong hơn ba thập kỷ qua đã dẫn đến những thay đổi tức thời trong an ninh hàng không.
Nhà chức trách nhiều nước phải cân nhắc lại cơ chế bất khả xâm phạm của buồng lái và nhanh chóng áp dụng quy định mới yêu cầu luôn có hai người có thẩm quyền trong buồng lái suốt thời gian bay.
Những kế hoạch dự phòng như cung cấp mật khẩu riêng hoặc một loại khóa điện tử để ra vào khoang lái cho cả hai phi công hay cho phi công và tiếp viên trưởng được đưa ra. Tuy nhiên, việc kiểm tra và theo dõi sát sao tâm lý, sức khỏe của các phi công là một vấn đề không dễ dàng khiến hàng không thế giới phải đau đầu.