Nga thay đổi cuộc chơi khi can thiệp quân sự vào Syria
Từ ngày 30/9, theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, máy bay Nga tại căn cứ của nước này ở Syria xuất kích cả ngày lẫn đêm nhằm tìm diệt các mục tiêu IS và các nhóm phiến quân đối lập khác. Chiến trường Syria dường như thành "thao trường" để Nga thử nghiệm vũ khí mới và phô diễn sức mạnh, với tên lửa phóng từ chiến hạm, tàu ngầm cách xa mục tiêu hàng nghìn km. Đến nay các lợi ích chiến lược của Nga ở Syria, trong đó có các căn cứ quân sự và mối quan hệ đồng minh lâu năm với chính quyền Assad, vẫn được bảo toàn.
Mỹ và liên minh mất "vị thế độc tôn" trên không phận Syria. Trước đây, họ không kích mà không vấp phải trở ngại nào, nhưng giờ, họ phải chú ý tới thông tin tình báo và thiết lập liên lạc với Nga để tránh va chạm. Nga được kỳ vọng phá vỡ thế bế tắc hơn một năm qua trong cuộc chiến chống IS của Mỹ và liên quân, khi IS vẫn hoành hành,với hàng nghìn chiến binh nước ngoài đổ về Iraq và Syria.
Sự can thiệp của Nga khiến thế lực ở chiến trường này cân bằng hơn, với một bên là Mỹ, đồng minh như Qatar, Arab Saudi và các phiến quân họ hậu thuẫn, một bên là Nga, Syria, Iran và dân quân.
Mỹ và đồng minh cũng dần thay đổi quan điểm về giải pháp chính trị ở Syria. Ban đầu, họ luôn khẳng định cuộc nội chiến ở Syria chỉ có thể chấm dứt khi Tổng thống Bashar al-Assad từ chức. Nhưng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 19/12 đã nhất trí thông qua nghị quyết ủng hộ tiến trình hoà bình ở Syria, bao gồm lệnh ngừng bắn và đàm phán hoà bình, dù né đề cập đến số phận tổng thống nước này.
Nga cũng đang dần tạo ảnh hưởng đến những nước khác trong khu vực, thách thức ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông. Nga và Iran, Iraq, Syria đã lập được cơ chế an ninh và chia sẻ thông tin tình báo với trụ sở đặt ở Baghdad. Người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng và An ninh của quốc hội Iraq còn nêu khả năng mời Nga không kích IS ở Iraq.
Con dao hai lưỡi
Niềm vinh quang được làm mũi giáo tiên phong trong cuộc chống IS cũng có thể là con dao hai lưỡi, khiến Nga phải đánh đổi nhiều thứ. Một cường kích Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ở gần biên giới với Syria hôm 24/11. Các cuộc không kích dày đặc, kéo dài có khả năng trở thành gánh nặng trong bối cảnh kinh tế Nga đang suy giảm. Nga còn đối mặt nguy cơ tấn công khủng bố ở sân nhà.
Thế giới cũng chấn động trước vụ máy bay của hàng không Nga Metrojet hôm 31/10 rơi trên đường từ Sharm el-Sheikh, Ai Cập đến thành phố St. Petersburg, Nga, làm 224 người trên khoang thiệt mạng. Moscow tuyên bố chiếc Airbus A321 rơi do khủng bố gài một thiết bị nổ tự chế và nhiều nguồn tin cho rằng IS là thủ phạm.
Theo chuyên gia James Nixey, tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các bên có thể mang lại hòa bình cho Syria bằng cách tạo ra một chính phủ liên minh mới, có sự tham gia của cả đại diện chính quyền Assad lẫn phe nổi dậy. Nếu có thể đoàn kết được lực lượng, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào IS, tăng khả năng tận diệt nhóm khủng bố này.
Nhưng muốn vậy, "Mỹ và Nga cần phải làm việc cùng nhau", Nixey nói.