Khủng hoảng di cư Châu Âu
Hình ảnh cậu bé ba tuổi người Syria Alan Kurdi chết đuối nằm sấp trên một bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng 9 như một hồi chuông thức tỉnh cả thế giới trước cuộc khủng hoảng di cư lớn chưa từng có kể từ Thế Chiến II, buộc châu Âu phải thay đổi cách ứng phó với dòng người tị nạn.
Người di cư tìm đường tới châu Âu đa số đến từ các nước có xung đột hoặc khu vực còn nghèo khó ở Trung Đông và châu Phi. Họ ồ ạt di chuyển vào mùa hè để tránh thời tiết lạnh giá khi vượt biển hoặc đi qua miền núi vùng Balkan. Phần lớn họ chọn cách vượt biển bằng thuyền cao su hoặc thuyền gỗ nhỏ từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp do hành trình từ Libya sang Italy dài hơn và nguy hiểm hơn.
Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) ước tính hơn một triệu người đã di cư sang châu Âu trong năm nay, cao gấp 4 lần so với năm ngoái, gần 3.700 người thiệt mạng trong lúc vượt biển. Khủng hoảng di cư tạo ra thách thức lớn về an ninh và phần nào gây rạn nứt trong nội bộ Liên minh châu Âu (EU).
Hành trình vượt biển đến với châu Âu
Một tàu cao su chở người tị nạn Syria trôi dạt trên biển Aegean giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sau khi động cơ bị hỏng ngày 11/8.
Người dân địa phương đưa tay giúp đỡ một người tị nạn nhảy khỏi thuyền và bơi đến kiệt sức để vào đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 17/9.
Một người tị nạn chuẩn bị đưa một đứa bé cho sang tàu cứu hộ của tình nguyện viên khi tới đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 30/10.
Người di cư Pakistan chèo thuyền trong vùng biển động giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ sáng sớm ngày 30/5.
Người di cư Iran bật khóc bên vợ con khi vượt biển đến đảo Kos, Hy Lạp, thành công ngày 15/8.
Người tị nạn Syria bơi đến đảo Lesbos cùng một em bé ngày 12/9.
Tình nguyện viên Chữ thập Đỏ Hy Lạp an ủi người tị nạn Syria đang khóc sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ vượt biển Aegean đến Hy Lạp ngày 20/10.
Người tị nạn bám vào dây thừng sau khi thuyền gỗ chở khoảng 150 người, phần lớn đến từ Syria, đến sát đảo Lesbos, Hy Lạp.
Người tị nạn Syria cố gắng bế con xuống khỏi tàu cao su lên đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 24/9.
Một người di cư bị mất thân nhiệt sau hành trình vượt biển.
Đức trở thành quốc gia nổi bật trong cuộc khủng hoảng châu Âu khi thông báo tiếp nhận 800.000 người tị nạn trong năm nay, cao hơn con số của cả EU trong năm ngoái. Nhưng các quốc gia Đông Âu, vốn đang gặp khó khăn về kinh tế và xã hội, không muốn nhận người di cư. Họ cũng lo ngại xảy ra xung đột về văn hóa và tôn giáo một khi cộng đồng người Hồi giáo gia tăng. Một số chính trị gia còn cho rằng nhiều người di cư tới châu Âu không phải là chạy trốn chiến tranh mà muốn đổi đời. Họ lo ngại một khi EU tiếp nhận quá dễ dàng, dòng người sẽ ùn ùn đổ về, khiến liên minh bị quá tải.
Chính quyền một số nước đã thực hiện các biện pháp mạnh tay để ngăn chặn lượng người di cư tiếp tục đổ về như thắt chặt kiểm soát biên giới. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng các hành động kiểu này chỉ càng tạo điều kiện cho khoảng 30.000 người đang trực tiếp tham gia các mạng lưới buôn người. Trong năm 2015, ước tính những kẻ buôn người này đã bỏ túi tới 1 tỷ USD.
Người tị nạn bị chặn lại ở biên giới các nước EU
Một bé gái nhập cư cầm đồ chơi tại biên giới Hy Lạp – Macedonia khi bị cảnh sát Macedonia chặn đường vào nước này ngày 20/11.
Cảnh sát cố gắng chặn một người di cư trèo cửa sổ lên tàu ở ga Gevgeljia, Macedonia, gần biên giới với Hy Lạp, ngày 15/8.
Người tị nạn Syria ngồi sau hàng rào dây thép gai gần làng Idomeni chờ được phép từ Hy Lạp sang Macedonia ngày 21/8.
Người tị nạn Syria chui qua hàng rào để từ Serbia sang Hungary ngày 27/8.
Cảnh sát cưỡi ngựa dẫn đầu một đoàn người nhập cư gần Dobova, Slovania, ngày 20/10.
Cảnh sát Hy Lạp đẩy người tị nạn ra phía sau rào chắn tại khu vực biên giới với Macedonia ngày 9/10.
Người di cư và người tị nạn đội mưa cầu xin cảnh sát Macedonia cho phép họ vượt qua biên giới từ Hy Lạp sang Macedonia ở khu vực gần làng Idomeni, Hy Lạp, ngày 10/9.
Cảnh sát Hungary bắt một gia đình người Syria sau khi họ từ Serbia vượt biên giới vào Hungary ngày 28/8.
Người nhập cư Morocco được sơ cứu sau khi bi giật điện tại đường ray xe lửa gần biên giới Hy Lạp – Macedonia ngay 28/11.
Cảnh sát bạo động Hungary đối phó với người di cư tại biên giới với Serbia ở Roszke, Hungary ngày 16/9.
Một đứa bé di cư ngủ trong áo mưa tại một điểm xuất nhập cảnh ở Trnovec, Croatia, sau khi từ Slovania vượt qua biên giới ngày 19/10.
Cuộc khủng hoảng còn mang theo lo ngại về an ninh do những phần tử khủng bố có thể giả làm người tị nạn để xâm nhập, trở thành những "con sói đơn độc", sẵn sàng thực hiện tấn công vào các mục tiêu trọng yếu trong lòng châu Âu. Giới chức đã tìm thấy hộ chiếu của một công dân Syria từng đăng ký tị nạn ở Hy Lạp tại hiện trường vụ tấn công, xả súng mà Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) nhận trách nhiệm nhằm vào Paris, Pháp hôm 13/11, khiến 130 ngườichết.
Liên Hợp Quốc dự báo số người di cư đến châu Âu trong năm 2016 có thể lớn hơn năm nay, nếu tình trạng bạo lực ở Syria không chấm dứt.
Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch (DIIS) đề nghị giải pháp duy nhất để giải quyết khủng hoảng di cư là xử lý cội nguồn vấn đề: Sớm chấm dứt xung đột ở Iraq, Syria và Eritrea, bất ổn ở Libya và đưa Tây Phi thoát khỏi đói nghèo.