Cùng ngày, nhà điều hành viễn thông Nga MTS cam kết hợp tác với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei để xây dựng mạng 5G. Zhou Hong, chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại châu Âu và Nga của Huawei, tháng trước cũng đến Đại học Kỹ thuật Novosibirsk tại Siberia để thảo luận về cách các trường đại học Nga có thể giúp họ.
"Giờ đây, đối với các nhà nghiên cứu Nga, việc bắt tay với những đối tác ở cấp độ này vô cùng quan trọng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ sắp xếp cho quan hệ hợp tác như vậy", Anatoly Bataev, hiệu trưởng Đại học Công nghệ Novosibirsk, nói với Zhou.
Sự hiện diện của Huawei, tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, tại phương Tây sụt giảm kể từ sau lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, Huawei lại mở rộng hoạt động ở Nga. Giữa lúc tập đoàn cần thay thế khẩn cấp công nghệ Mỹ trong chuỗi cung cứng, các đối tác nghiên cứu tại Nga luôn sẵn sàng.
Quan hệ hợp tác ngày càng khăng khít này mang yếu tố lịch sử, khi Trung Quốc dựa vào các nhà khoa học Liên Xô từ đầu thế kỷ 20. "Sự chuyển giao công nghệ trên quy mô khổng lồ đã diễn ra từ năm 1949 đến 1960. Liên Xô đã huy động các chuyên gia giúp Trung Quốc phát triển công nghiệp", Joseph Torigian, nhà sử học tại Đại học Mỹ ở Washington, cho biết.
Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập 76 tuổi của Huawei, từng sống trong thời kỳ vàng son của quan hệ Trung - Xô đầy gắn bó. Ông học tiếng Nga, trưởng thành cùng các nhân vật Pavel Korchagin và Tonia Toumanova trong cuốn tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy" của Nikolai Ostrovsky. Năm 1996, ông Nhậm chọn Nga là thị trường quốc tế đầu tiên của Huawei, đến thăm Moskva với hàng nghìn tờ rơi quảng cáo về công ty.
Khoảng thời gian này, tổng thống Nga khi đó là Boris Yeltsin và lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân vừa thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, động thái mà cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger gọi là "tuyên bố độc lập" khỏi ảnh hưởng của Washington từ Moskva và Bắc Kinh.
Alexander Gabuev, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Carnegie ở Moskva, chỉ ra rằng Trung Quốc khi đó cảm thấy bất an do căng thẳng với Mỹ về vấn đề Đài Loan leo thang vô cùng nghiêm trọng, trong khi Nga đang đối mặt sức ép từ phương Tây vì cuộc chiến ở Chechnya.
Ông Nhậm từng cho biết bối cảnh địa chính trị đã mở ra cánh cửa tại Nga cho Huawei. "Việc quan hệ Trung - Xô được cải thiện khiến Mỹ hẳn là cảm thấy tình cảnh 'không có mợ chợ vẫn đông'. Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển thịnh vượng. Mỹ không thể ngăn cản", Chủ tịch Huawei viết năm 1996.
25 năm sau, Huawei lại trở về tình cảnh những ngày đầu, khi họ tuyên bố không cần phương Tây để tiếp tục phát triển. Nga là một trong vài nước mà ông Nhậm được cho là đã tới thăm kể từ khi Mạnh Vãn Chu, con gái ông và cũng là giám đốc tài chính của Huawei, bị bắt tại Canada năm 2018 theo yêu cầu của Mỹ.
Giờ đây, Trung Quốc và Nga cũng đang xích lại gần nhau hơn dưới áp lực của Mỹ. Giới chức Mỹ cáo buộc Huawei và những hãng viễn thông lớn khác của Trung Quốc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời cáo buộc Nga tấn công mạng. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Moskva đều bác bỏ các cáo buộc.
Trao đổi với nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 25/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi quan hệ Nga - Trung hiện nay là "tốt nhất trong lịch sử", nói thêm rằng Moskva sẵn sàng thúc đẩy hợp tác chiến lược. Trước đó, ông chủ Điện Kremlin từng cáo buộc Mỹ tấn công Huawei để kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.
Ban lãnh đạo Huawei từng hy vọng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ gỡ bỏ những hạn chế được áp đặt dưới thời Donald Trump. Nhưng thay vào đó, Biden quyết định gia hạn sắc lệnh hành pháp hồi năm 2019 của người tiền nhiệm, trong đó cấm các công ty Mỹ sử dụng thiết bị viễn thông của Huawei.
Huawei cũng bước sang năm thứ ba nằm trong "danh sách đen" của Bộ Thương mại Mỹ, nhằm hạn chế doanh nghiệp Mỹ bán công nghệ cho họ. Hồi tháng 2, ông Nhậm bày tỏ lo ngại việc đưa Huawei khỏi danh sách sẽ "vô cùng khó khăn".
Do đó, viện nghiên cứu tại Nga của Huawei đang làm việc trên một loạt lĩnh vực công nghệ, bao gồm chip và hệ điều hành, hai mảng chịu ảnh hưởng lớn bởi lệnh trừng phạt của Mỹ. Tại Novosibirsk, Huawei đang tìm kiếm những lập trình viên có thể viết và phát triển code cho bộ xử lý Kunpeng, cùng sự hỗ trợ để "cải thiện đáng kể khả năng cạnh tranh thương mại của các hệ điều hành do Huawei phát triển".
Một trong những thành quả hợp tác là hệ điều hành Harmony của Huawei, được xây dựng với sự trợ giúp từ các nhóm nghiên cứu tại Nga của công ty, bao gồm khoảng 1.500 nhân viên tại Moskva, St. Petersburg, Nizhny Novgorod, Novosibirsk và cả thành phố Minsk ở Belarus. Hệ điều hành này giúp Huawei thay thế Android của Google dành cho smartphone mà hãng chế tạo.
Tuy nhiên, nghiên cứu tại Nga được đánh giá chỉ bù đắp được phần nào tác động của các lệnh trừng phạt. Ngay cả khi Huawei cải thiện các thuật toán chip, họ vẫn thiếu nhà máy để sản xuất chúng. Tất cả các nhà sản xuất chip bán dẫn đều sử dụng công nghệ Mỹ.
"Huawei đang nỗ lực kiên cường để tồn tại, nhưng công ty công nghệ nào cũng khó có thể xoay xở nếu thiếu thiết bị bán dẫn", Dan Wang, nhà phân tích công nghệ tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, nhận xét.
Ken Hu, chủ tịch luân phiên của Huawei, hồi tháng 3 cho biết tập đoàn đang dựa vào nguồn chip dự trữ để đáp ứng các đơn hàng. Ông từ chối tiết lộ nguồn cung này có thể giúp họ duy trì trong bao lâu, hay Huawei sẽ làm gì khi nguồn chip cạn kiệt.
Tháng 5/2019, vài tuần sau khi Huawei bị Google "cấm cửa", ông Nhậm tuyên bố tập đoàn sẽ cạnh tranh về nguồn nhân lực với Google tại Novosibirsk, nơi đào tạo những lập trình viên cấp quốc tế. "Từ hôm nay, chúng tôi sẽ đưa ra mức lương cao hơn so với Google, hướng đến đổi mới trên đất Nga", nhà sáng lập Huawei phát biểu.
Nhưng Huawei lại đối mặt khó khăn, bởi không phải ai cũng hài lòng với nỗ lực tuyển dụng của tập đoàn. "Họ không chỉ làm suy yếu chủ quyền của Nga về an ninh thông tin, mà còn hủy hoại hoàn toàn thị trường lao động", Ilya Sachkov, giám đốc điều hành công ty an ninh mạng Group-IB, kiến nghị với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin trong một cuộc thảo luận hồi tháng 7/2020.
Sachkov cho biết Huawei đề nghị mức lương 16.300 - 20.400 USD/tháng, gấp 5 hoặc 6 lần mức lương phổ biến. Đáp lại, Huawei gọi những cáo buộc của Sachkov là "vô trách nhiệm" và kiên quyết bác bỏ.
Trong một tuyên bố, Huawei cho biết công ty "đóng vai trò có trách nhiệm, đóng góp cho xã hội ở Nga, bao gồm tạo ra những cơ hội việc làm hấp dẫn cho các chuyên gia công nghệ thông tin". Ivan Reva, giảng viên Đại học Công nghệ Novosibirsk, cũng tỏ ra ủng hộ Huawei.
"Nếu các chuyên gia Nga không có tài năng gì, Huawei sẽ không đến đây. Họ quan tâm đến các nhà nghiên cứu và kỹ sư của chúng tôi", Reva nói.
Ánh Ngọc (Theo Washington Post)