Cuối năm, thấy mọi người than vãn về nạn karaoke, tôi cũng có một chia sẻ quanh vấn đề này. Đó là nạn hát karaoke, nhạc sống ở đám cưới.
Lúc xưa thì có cả dàn nhạc sống bao gồm các tay trống, organ... để đệm cho khách dự tiệc hát. Bây giờ, công nghệ phát triển nên "dàn nhạc" này bị thay thế bởi vài cái loa công suất lớn, chiếc laptop, một màn hình tivi và một người điều khiển.
Từng đi dự rất nhiều đám cưới ở quê, tôi thấy karaoke, nhạc sống ầm ĩ là một "hủ tục" cần phải được loại bỏ đi bớt. Đồng ý là có chút âm thanh ồn ào sẽ góp phần làm ngày vui thêm náo nhiệt hơn. Nhưng những tác hại mà nó mang lại cũng không kém.
Kể một vài ví dụ như nhạc quá ầm ĩ khiến thực khách không thể trò chuyện, hỏi thăm nhau, mạnh ai nấy gắp thức ăn trong tiếng nhạc chát chúa để rồi đi về cho sớm. Ảnh hưởng tiếng ồn đến hàng xóm. Chưa kể là khi rượu vào, lời ra, các thanh niên, đàn ông ngà ngà say lại cầm micro, hú hét như không còn là những tiếng hát nữa.
Chưa kể, rất nhiều đám cưới ở Việt Nam thường tổ chức như sau: gia chủ dựng rạp lấn ra lòng đường, đi kèm tiếng nhạc ầm ĩ, gây ảnh hưởng đến người và phương tiện tham gia giao thông.
Nếu cứ nói nhân ngày vui để xí xóa cho gia chủ, tức là chúng ta đang sống dựa quá nhiều vào cái tình. Liệu có hợp lý không khi hàng xóm tổ chức liên hoan, tiệc nhậu đi kèm karaoke lại đòi xử lý theo luật pháp còn đám cưới thì lại bỏ qua?
Nhiều người sẽ nói tôi khập khiễng khi so sánh hai vấn đề này với nhau. Nhưng ô nhiễm tiếng ồn là ô nhiễm tiếng ồn. Nếu bây giờ cứ nhân nhượng với lý do "vì ngày vui" của một gia đình, một cá nhân mà ảnh hưởng chung đến không gian công cộng thì rõ ràng là chúng ta đang góp phần cổ súy cho những thói hư, tật xấu.
Theo tôi, đám cưới nên tổ chức gọn nhẹ, không nhạc ầm ĩ. Nếu thích, có thể vào buổi tối mọi người thân quen trong gia đình nên dẫn nhau ra tiệm karaoke mà hát cho thỏa thích. Như vậy vừa văn minh, vừa lịch sự.
Nguyễn Minh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.