Thấy anh công nhân trọ độc thân gần nhà lôi cái loa bluetooth ra lau chùi là tôi đoán chắc anh này chuẩn bị chở "bửu bối" về quê ăn cái Tết sắp tới. Thấy tôi, anh đon đả: "Chú thấy ngon không, mua bốn triệu mà xài hai năm rồi tiếng vẫn còn vọng lắm".
Nghe bốn chữ "tiếng còn vọng lắm" mà tôi hãi và nhớ lại những cuộc tra tấn thâu đêm của anh và đám bạn nhậu mỗi cuối tuần. Những người ở chung xóm trọ của anh cũng một giuộc ăn nhậu và karaoke nên chẳng ai nói được ai cả. Tôi dù góp ý với tổ khu phố, với chính anh ta và bè bạn nhưng chẳng thấy thay đổi gì.
>> 'Đừng mở bài Happy New Year buồn thảm nơi công cộng'
Tết quê từ dạo điện thoại và loa kẹo kéo thịnh hành thì không còn yên ả. Từ hăm lăm, hăm sáu đã rình rang tiếng nhạc tất niên cho đến đêm giao thừa. Qua mùng một, mùng hai, mùng ba thì coi như là tiếng nhạc mừng xuân vậy. Mười nhà hết sáu, bảy nhà bày mâm tiệc nhậu và hát hò inh ỏi thì ai sẽ góp ý được ai đây?
Nhiều người là công nhân, xa quê làm thuê trong các khu công nghiệp, khu chế xuất - Tết với họ chỉ là dịch chuyển ăn nhậu và hát hò từ phòng trọ về quê nhà mà thôi.
Ngày thường không có việc gì còn bày cớ ra để nhậu được. Vậy Tết là một dịp béo bở vì được nghỉ, đồ ăn, rượu bia ê hề thì "không nhậu là quá uổng".
Nhậu đi liền với sự bê tha, hại sức khỏe, gây gổ, tai nạn giao thông. Karaoke ầm ĩ làm phiền người khác. Nhưng nhậu thường đi liền karaoke, chính cái combo này đang hủy hoại sức khỏe của nhiều người mà không hay.
Nhưng nói đi phải nói lại, hẳn là đời sống tinh thần khô khan và nghèo nàn lắm mới tìm đến nhậu và karaoke. Vậy nên cách giải quyết một vấn đề là tác động vào nguồn gốc của nó. Đời sống công nhân rất cần được chăm sóc tinh thần. Mỗi ca làm việc, tính luôn tăng ca thì có thể hơn chục tiếng. Mệt mỏi, stress khiến họ chẳng thể tìm được cách giải trí nào khác. Xem phim, xem kịch là một điều xa vời.
>> Vì sao nhiều người Việt thích bài Happy New Year 'buồn thảm'
Vậy nên tôi nghĩ các công ty cần chăm sóc, quan tâm anh em công nhân hơn. Cần tổ chức các giải bóng đá, bóng chuyền, cờ tướng, cờ vua cho họ giao lưu. Vừa lành mạnh, vừa tránh xa bi rượu mỗi cuối tuần.
Tôi thấy các đồng bào vùng núi, hội xuân của họ có các trò ném còn, chơi đu rất nhộn nhịp và vui tươi. Vì thế, các cơ quan xã, huyện cũng cần kéo không khí lễ hội về địa phương mình. Chúng ta không thiếu những trò chơi dân gian như kéo co, cờ người, bịt mắt bắt dê...
Bao năm mải mê làm việc để chạy theo vật chất, nay đã đến lúc chúng ta chăm sóc lại đời sống tinh thần. Nhiều người phung phí thời gian nghỉ Tết cho nhậu nhẹt bê tha, khổ vợ khổ con, karaoke khổ sở xóm giềng là điều rất đáng buồn.
Lê Quân
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.