Đọc bài viết "Nở rộ môn học tăng cường, liên kết", tôi bất ngờ vì người Việt cũng đang bắt đầu cho trẻ em học các môn như STEM, dạy Toán bằng tiếng Anh... Tôi không phải người có năng khiếu ngoại ngữ nhưng từ những năm 2000, khi mọi người chưa quan tâm lắm, tôi đã chịu khó học tiếng Anh ngay lúc mới vào đại học và từ đó mở ra nhiều cơ hội về sự nghiệp.
Tôi chứng kiến những người thế hệ mình chật vật với tiếng Anh nên có tâm lý mong mỏi con cái giỏi tiếng Anh từ nhỏ. Có điều, học ngoại ngữ từ bé có thật sự cần thiết không khi mà chương trình học của các con ở Việt Nam vốn đã rất nặng? Không phủ nhận học ngoại ngữ sớm là tốt, vì khi ấy trẻ em hấp thụ ngôn ngữ từ việc nghe hiểu và bắt chước nên sẽ mềm mại hơn. Nhưng học muộn như tôi vẫn có tác dụng. Ngoài ra, giờ nhà nhà học tiếng Anh, trẻ em ngày nay dù có giỏi tiếng Anh hơn thời trước cũng khó có được lợi thế như tôi từng có so với bạn đồng trang lứa. Vì thế phụ huynh không nên kỳ vọng nhiều quá khi cho con đi học tiếng Anh từ sớm.
Trở lại việc học STEM và ngoại ngữ ở cấp tiểu học. Tôi đang sống ở châu Âu, nơi mà người dân thường biết ít nhất hai ngoại ngữ nữa, thường là tiếng Anh và một thứ tiếng khác. Bản thân ngôn ngữ mẹ đẻ của họ cũng khó hơn tiếng Việt, không thể chỉ cần một năm lớp 1 là đọc viết thành thạo. Nên họ sử dụng cả 5-6 năm tiểu học và vài năm trung học để tiếp tục rèn luyện ngôn ngữ mẹ đẻ. Đến lớp 5, học sinh mới bắt đầu học ngoại ngữ thứ nhất, đến lớp 7 sẽ học ngoại ngữ thứ hai, đến lớp 10, 11 thì có thể học ngoại ngữ thứ ba.
>> Mất cơ hội việc làm vì 'giỏi chuyên môn, kém tiếng Anh'
Do chất lượng giáo viên ở bên này khá tốt nên học sinh chỉ cần học trong trường, về nhà xem phim, đi du lịch nước ngoài là thành thạo ngoại ngữ. Do phải học nhiều ngoại ngữ nên họ bắt đầu từ lớp 5, nhưng mỗi tuần chỉ 1-2 tiết một ngoại ngữ và cứ học như vậy đến hết phổ thông. Nếu trẻ em Việt Nam chỉ quan tâm tiếng Anh thì có thể bắt đầu muộn hơn. Ngó qua thời khóa biểu của trẻ tiểu học ở Việt Nam, tôi thấy các em phải học Tiếng Anh 4-5 tiết mỗi tuần, như vậy là quá nhiều. Quan trọng nhất là chất lượng giáo viên, sự duy trì liên tục, đồng đều, khó dần đến hết phổ thông chứ không phải dồn học nhiều từ sớm.
Các môn ở tiểu học nơi tôi sống chỉ có Toán, tiếng mẹ đẻ, Khoa học, Thể dục, Thủ công (không tính điểm). Môn Âm nhạc cũng phải đến lớp 7 mới thực sự học (và cũng không tính điểm). Còn STEM cũng tới lớp 7 mới học một chút, khoảng một giờ mỗi tuần. Đến lớp 8, học sinh mới học nhiều hơn. Bản thân STEM đã là Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán rồi nên giờ STEM thực chất là giờ thực hành, học sinh vào phòng thí nghiệm để học những lý thuyết của môn Toán và các Khoa học.
Phải là học sinh lớn mới đủ khả năng sử dụng dụng cụ thí nghiệm một cách an toàn và tiếp thu được những kiến thức này. Đặc biệt, chỉ những học sinh chọn học khối ngành tự nhiên mới phải học giờ STEM. Vậy nhưng, ở Việt Nam chúng ta dạy đúng tinh thần của STEM, nhất là khi áp dụng cho cả học sinh ở cấp tiểu học. Tôi tin rằng, học STEM ở cấp một là không cần thiết và học ngoại ngữ muộn một chút cũng không sao. Học sinh Việt không cần học quá nhiều như hiện tại.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.