Hai con gái lớp 2 và lớp 4 của chị Hà đang học tại một trường tiểu học ở quận Hà Đông. Ngoài các tiết tiếng Anh nói trên, trường còn có lớp STEM, aerobic liên kết với các trung tâm, tổng cộng 4 tiết/tuần. Thấy cả lớp đăng ký, chị Nga cũng cho con học hết.
Hàng chục trường tiểu học ở quận Hà Đông như Yết Kiêu, Vạn Phúc, Văn Khê, Kim Đồng, Kiến Hưng... thông báo mời tham gia liên kết giảng dạy hoặc công khai thời khóa biểu có các tiết liên kết với trung tâm ngoài.
Ở TP HCM, chị Mỹ Hạnh, phụ huynh học sinh lớp 3 ở quận 3, cho biết mỗi tuần con chị được học một tiết STEM, tiếng Anh bản ngữ và kỹ năng sống. Đây là ba lớp trường liên kết với trung tâm ngoài, xếp vào giờ học buổi chiều.
"Đầu năm họp phụ huynh giáo viên thông báo có các lớp liên kết và giải thích lợi ích. Tất cả phụ huynh đều tham gia, không thấy ai thắc mắc là tự nguyện hay bắt buộc", chị nói.
Ở Bắc Giang, trường của con gái chị Phan Duyên cũng có thêm lớp STEM, ngoài tiếng Anh tăng cường và kỹ năng sống triển khai từ năm ngoái. Học phí lớp kỹ năng sống là 10.000 đồng/tiết, do giáo viên chủ nhiệm dạy, còn tiếng Anh 30.000 đồng/tiết do trung tâm bên ngoài phụ trách.
Là giáo viên THCS, chị Duyên cho biết hầu hết trường tiểu học, THCS ở Bắc Giang đều có các tiết tương tự.
Theo các nhà quản lý, việc trường học liên kết với trung tâm bên ngoài tổ chức các lớp học liên kết, tăng cường là phổ biến. Việc này đáp ứng nhu cầu của phụ huynh muốn cho con học thêm các môn mà nhà trường không có, nhưng cũng có thể bị lạm dụng, gây bức xúc.
"Trước năm 2010, những lớp học liên kết chưa nhiều, nhưng 10 năm trở lại đây phát triển đa dạng, muôn hình vạn trạng", ông Nguyên Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM, nói.
Chuyên viên phụ trách hoạt động ngoại khóa của một phòng giáo dục ở TP HCM cho biết gần như trường nào cũng có các lớp liên kết dạy ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài, STEM, kỹ năng sống.
Theo vị này, sự phát triển cả về số lượng lẫn quy mô các lớp học liên kết bám theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chú trọng phát triển kỹ năng, năng lực ngoại ngữ, tin học, khoa học.
Ở bậc tiểu học, chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 04 về việc quản lý giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Các nhà trường được quyền khảo sát và liên kết với các tổ chức, đơn vị bên ngoài để đáp ứng nhu cầu của người học.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM khẳng định các lớp kỹ năng sống, nâng cao, bổ trợ là hoạt động tự nguyện, trường không được ép học sinh tham gia.
"Những lớp này trên tinh thần tự nguyện, tức là phụ huynh có quyền đăng ký hoặc không và mức phí cũng trên tinh thần thu đủ chi", hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho hay.
Một hiệu trưởng ở Quảng Trị nói nhu cầu phụ huynh cho con em học tiếng Anh, STEM, Tin học hay một số môn năng khiếu như võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc là có. Trong bối cảnh nguồn lực của nhà nước chưa đủ để đầu tư, việc liên kết có thể đáp ứng nhu cầu này.
"Nhiều võ sư, giáo viên âm nhạc, mỹ thuật được đào tạo. Một số trung tâm tiếng Anh uy tín thì có sẵn chương trình đào tạo, nhân lực. Vì thế, nếu triển khai bài bản thì việc này rất tốt", ông nói. Ngược lại, nếu nhà trường không đặt lợi ích của học sinh lên trên, thì việc này có thể bị lạm dụng để tư lợi, theo vị hiệu trưởng này.
Thực tế, nhiều phụ huynh bức xúc vì cho rằng bị ép buộc phải tham gia, nếu không sẽ ảnh hưởng đến con.
Theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các lớp bổ trợ ngoại ngữ, STEM, kỹ năng sống là hoạt động ngoài giờ chính khóa, không được xếp vào thời khóa biểu 7 tiết học chính của học sinh. Nhưng không hiếm trường chèn các lớp này vào giờ học chính, phổ biến là buổi chiều. Vì thế, học sinh nếu không đăng ký thì không biết ngồi đâu, làm gì vào tiết đó.
Con chị Duyên suốt năm lớp 2 phải sang lớp khác ngồi nhờ khi đến giờ tiếng Anh tăng cường. Chị cho hay không đăng ký vì nghĩ học tiếng Anh với người nước ngoài không hiệu quả, khó kiểm soát nội dung.
"Con buồn cả năm ngoái, năm nay đòi mẹ học. Tôi đành đăng ký để con không phải lang thang", chị Duyên nói, cho biết một số phụ huynh cũng cho con học vì lý do này.
"Con sẽ ngồi chờ ở đâu trong lúc các bạn học?" cũng là băn khoăn của chị Hà Nguyên ở Hà Nội. Ở lớp, chỉ mình con chị đăng ký 3 trong 5 lớp liên kết. Chị không hài lòng khi việc đăng ký là tự nguyện nhưng giáo viên lại có động thái thúc giục, vận động.
"Nhà trường đưa các tiết học liên kết vào giữa buổi chính khóa, con muốn về sớm cũng không được; tiết học tăng cường lại chiếm dụng không gian lớp học của các bạn không tham gia, như thế là không công bằng với các con", chị Nguyên nói.
Một số trường tìm cách dung hòa, tránh việc một số học sinh phải đi ra khỏi lớp trong tiết tăng cường. Hiệu trưởng một trường ở Vĩnh Phúc cho hay khi đến tiết tiếng Anh với người nước ngoài, học sinh sẽ đến phòng ngoại ngữ của trường. Em nào không tham gia sẽ ở lại lớp, có giáo viên chủ nhiệm quản lý. Lớp học võ ở trường này bố trí sau 16h20, cũng đồng thời tạo điều kiện trông nom học sinh cho những cha mẹ chưa kịp đón con.
"Các nhà trường có thể bố trí cho học sinh không đăng ký xuống thư viện đọc sách, có cô giáo trông", ông nói.
Còn vị hiệu trưởng ở Quảng Trị nhìn nhận quan trọng nhất là người quản lý phải đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết. Trường học cần chọn các trung tâm có năng lực, uy tín. Mọi hoạt động sau đó phải lên kế hoạch tỉ mỉ, công khai, giải thích cặn kẽ để tránh gây bức xúc cho phụ huynh.
Bình Minh - Nhật Lệ