Trong tuổi thơ của tôi, bộ truyện tranh Siêu quậy Teppi là một phần không thể nào quên. Dạo gần đây, tìm đọc lại bộ truyện này trên mạng, có một chi tiết khiến tôi chú ý và rất giống với câu chuyện của giáo dục Việt Nam hôm nay. Chi tiết khiến tôi chú ý đó là khi Teppi thi vào trường Đông Hải, cậu ta phải trải qua một kỳ thi khốc liệt.
Sau khi đậu vào trường, dựa vào thành tích thi cử của Teppi, trường xếp cho cậu vào lớp E trong hệ thống năm lớp A, B, C, D, E - tức là lớp có trình độ thấp nhất của bậc trung học. Ở đó, Teppi gặp những thành phần cá biệt nhất, lười học nhất, với một giáo viên chủ nhiệm dữ dằn nhất.
Trong ngày đầu tiên đi học, cậu đã đánh nhau và trở về phòng với thương tích đầy mình. Anh bạn cùng phòng Otrisin (học lớp D) nhìn thấy cảnh đó lập tức ngồi vào bàn học vì sợ nếu mình không cố gắng thì năm sau sẽ phải chuyển xuống lớp E kinh khủng đó. Ngoài ra, các giáo viên lớp E đều chủ yếu dạy những kiến thức cơ bản và dễ hiểu nhất, tức là các giáo viên chỉ dạy kiến thức phù hợp nhất với trình độ của học sinh.
Câu chuyện của Teppi lấy bối cảnh Nhật Bản thập niên 1970-1980, tức là hơn 40 năm trước. Đọc tới đây, tôi có liên hệ với một người bạn cũ sống ở Nhật và có thời gian làm việc trong ngành giáo dục của nước này để hỏi thêm về hệ thống giáo dục của họ hiện nay: liệu có còn xếp lớp như vậy hay không?
>> Tôi loay hoay khi con lớp 12 phải dừng học thêm giáo viên trên lớp
Bạn tôi đã trả lời như sau:
Thứ nhất, ở bậc tiểu học tại Nhật Bản hầu như không có tình trạng phân lớp theo trình độ, tức là cũng khá giống như ở Việt Nam chúng ta.
Thứ hai, tình trạng học thêm ở Nhật rất phổ biến. Các kỳ thi vào các trường cấp hai và cấp ba cũng vô cùng căng thẳng. Kiến thức học trên lớp là không đủ nếu bạn muốn vào một trường tốt.
Thứ ba, nhiều trường ở Nhật hiện nay vẫn áp dụng cách chia lớp như trong truyện Teppi, tức là chia lớp theo điểm thi đầu vào. Hàng năm, họ dựa vào kết quả kỳ thi cuối kỳ mà sẽ có sự sắp xếp lại lớp học. Tức là bạn nào có kết quả tốt sẽ được xét để chuyển vào lớp trình độ cao hơn và ai có kết quả thi không tốt sẽ bị chuyển xuống lớp thấp hơn.
Trong đó lớp E (Mậu Ban), là lớp dành cho học sinh cá biệt và có thành tích học tập kém nhất, được dạy theo chương trình cơ bản nhất và hướng học sinh lớp đó theo xu hướng học nghề hơn là học bậc cao hơn. Còn lớp A thường là những học sinh ưu tú nhất, được dạy theo một chương trình đặc biệt, khó hơn và được nhiều trường Đại học để ý hơn.
Nói chung cách họ chia lớp ra A, B, C, D, E cũng giống như chia học sinh thành năm thành phần: giỏi, khá, trung bình, yếu, kém, từ đó có chương trình và phương pháp dạy phù hợp nhằm cung cấp kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh và định hướng học tập cho các em ngay từ cấp trung học. Tất nhiên học sinh nào có nhu cầu về kiến thức cao hơn thì phải nỗ lực tự học hoặc đi học thêm, chăm chỉ làm thêm bài tập về nhà...
Trở lại câu chuyện giáo dục ở Việt Nam, những ngày qua chúng ta đã nói nhiều về tình trạng dạy thêm, học thêm. Có rất nhiều quan điểm trái chiều về vấn đề này. Tuy nhiên, theo tôi việc cấm dạy thêm, học thêm trên trường chỉ là chữa trị phần ngọn, nếu chúng ta tạm bỏ qua các yếu tố tiêu cực hình thành nên việc học thêm, dạy thêm... Ở đây, tôi chỉ xét về nhu cầu tiếp thu kiến thức thật sự của học sinh.
Trong một lớp luôn có đủ năm thành phần học sinh như đã nói ở trên. Với một tiết học kéo dài 40 phút với học sinh tiểu học, và 45 phút với học sinh trung học, các giáo viên rất khó có thể truyển tải kiến thức phù hợp với từng đối tượng người học. Thiết kế giáo án, chương trình giảng dạy chỉ có thể truyền đạt kiến thức chung và cơ bản nhất trong khoảng thời gian ấy. Như vậy, vô tình chung chúng ta đã "cào bằng" nhu cầu kiến thức của tất cả thành phần học sinh trong lớp.
Từ đó, tất nhiên sẽ dẫn tới những mâu thuẫn: học sinh khá, giỏi muốn học kiến thức ở mức độ cao hơn và học sinh yếu, kém muốn ôn lại kiến thức cũ hoặc học kiến thức ở mức độ thấp hơn. Khi các tiết học trên lớp không đáp ứng đủ nhu cầu về kiến thức của mình, học sinh có lý do để tìm tới những kênh giáo dục khác để bù đắp như: tự học, học online, học nhóm, học từ bạn, nhờ ba mẹ hướng dẫn... Nhưng kênh nhanh nhất, tiện nhất vẫn là đi học thêm từ chính các thầy cô đã dạy chúng ở trên trường.
Ngoài ra, theo quy định ra đề thi được áp dụng hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, một đề thi phải bao gồm đủ các mức câu hỏi: nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao... Nếu học sinh chỉ học trong sách giáo khoa hay học những kiến thức cơ bản được dạy trên lớp thì hầu như rất ít em làm được các câu vận dụng và vận dụng cao. Như vậy với cách dạy, cách xếp lớp ở ta, có vẻ là "cào bằng" kiến thức hơn là "công bằng" cho người học. Thế nên, việc xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm gần như là không thể, bởi đó là nhu cầu có thật của học sinh.
>> Giáo viên có nhiệt huyết nếu bồi dưỡng miễn phí học sinh cuối cấp
Trước đây chúng ta dạy theo kiểu giáo viên đứng giảng bài, học sinh ngồi dưới ghi chép. Khi nhận ra đó là cách dạy thụ động, chúng ta dần chuyển sang hình thức giáo viên tổ chức các hoạt động để học sinh tham gia, từ đó nắm bắt kiến thức một cách chủ động, gọi là phương pháp dạy học phát huy tính tích cực, năng động của học sinh. Và đây là một phương pháp dạy học hiện đại.
Tuy nhiên, ở một số nước châu Âu, trước khi vào học, trường sẽ cho học sinh làm một bài kiểm tra đánh giá để biết chúng phù hợp với phương pháp giáo dục nào. Thực tế, có những đứa trẻ phù hợp với phương pháp dạy học năng động, nhưng cũng có những trẻ chỉ cần ngồi nghe giáo viên giảng bài và ghi chép theo kiểu thụ động mà vẫn tiếp thu rất tốt. Từ đó, nhà trường sẽ xếp lớp để phù hợp với khả năng học tập của học sinh sao cho các em phát huy hết khả năng của mình.
Như vậy, theo tôi để giải quyết vấn đề của việc học thêm, dạy thêm, chúng ta không phải chỉ cấm, mà còn cần tìm hiểu gốc rễ của vấn đề này. Mà một trong số đó là nhu cầu học tập thật sự của học sinh. Khi học sinh được học trong môi trường và kiến thức phù hợp với khả năng tiếp thu của bản thân thì nhu cầu học thêm chắc chắn sẽ giảm đi đáng kể.
Giáo viên khi dạy những đối tượng học sinh tương đồng sẽ có thể dễ dàng hơn khi thiết kế bài giảng, từ đó đầu tư vào chất lượng giảng dạy trên lớp nhiều hơn, sao cho phù hợp với trình độ học sinh của mình. Đó sẽ là tiền đề để trẻ hứng khởi hơn, học sinh yếu sẽ bớt áp lực hơn khi đi học.
- 'Giáo viên biểu quyết học thêm, phụ huynh lớp con tôi đồng ý hết'
- Điểm học bạ không quá 7 vì con tôi không học thêm giáo viên trên lớp
- 'Dừng dạy thêm sẽ chỉ có lợi cho học sinh'
- 'Dừng dạy thêm chỉ là chữa phần ngọn'
- Tôi lo học sinh của mình đi học thêm ngoài khi giáo viên bị siết dạy thêm
- Tôi 'ngồi trên đống lửa' vì con không được học thêm giáo viên trên lớp