"Sau Thông tư 29 về việc cấm giáo viên dạy thêm thu tiền học sinh trên lớp của mình, cô giáo lớp con gái tôi đang tạo bình chọn để các phụ huynh biểu quyết cho 'công bằng'. Trong đó có một bình chọn là 'cho con học thêm giáo viên đứng lớp'. Và kết quả là gần như toàn bộ phụ huynh đều bình chọn phương án này.
Nghe qua thì tưởng cuộc bình chọn này rất công khai, trên tinh thần tự nguyện, không ép buộc, nhưng ai đó cứ thử chọn lệch ra xem, liệu ngày mai con mình lên lớp có bị phân biệt đối xử không? Đương nhiên là ai cũng biết và sợ chuyện đó nên thôi cứ theo số đông bình chọn vậy cho vừa lòng cô giáo.
Thế mới nói, dù quy định thế nào kiểu gì vẫn có những giáo viên tìm cách lách luật như trường hợp lớp con tôi. Kiến thức hiện tại cho các con học quá nặng. Nhìn con học mà tôi xót vô cùng. Sáng nào con cũng phải dậy từ 6h để kịp 7h vào lớp. Con học hai ca đến hơn 17h, rồi lại tiếp tục học thêm đến tối muộn. Về nhà là con bải hoải cả người, những cũng chỉ kịp ăn vội và chợp mắt nửa tiếng rồi lại phải dậy học bài đến 1h sáng. Tôi đi làm mà cảm giác còn dễ thở hơn con đi học".
Đó là chia sẻ của độc giả Dao.nguyen sau quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc siết hoạt động dạy thêm, học thêm. Theo khảo sát của VnEpxress, tính đến tối 6/2, khoảng 62% trong hơn 4.100 độc giả ủng hộ quy định mới. Một số nhà giáo cũng nhìn nhận việc dừng dạy thêm có tác động tích cực.
Ủng hộ cấm giáo viên dạy thêm thu tiền học sinh trên lớp, bạn đọc Vuthuhoan phân tích: "Con tôi học thêm ở trường, ở nhà cô giáo từ cấp một đến lớp 8, nhưng kiến thức vẫn hổng. Năm nay thi cuối cấp, tôi dừng không cho con học ở trường, ở nhà cô giáo nữa, để tự thiết kế ôn luyện kiến thức cơ bản, tự lên mạng tìm hiểu kiến thức nâng cao. Vậy mà con lại phát huy khả năng tự học. Kết quả, con từ học sinh trung bình khá của tất cả các năm vươn lên top 3 trong lớp ở kỳ I lớp 9 vừa rồi.
Vì thế, tôi tin vào việc khả năng tự học, tự ôn luyện của mỗi học sinh nếu không còn phụ thuộc vào việc học thêm nữa. Việc đi học thêm buổi chiều trên trường, buổi tối và cuối tuần ở nhà cô dẫn tới học sinh lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ và tiếp thu bài trên lớp không hiệu quả, mất khả năng rèn luyện tư duy và tự học".
>> Điểm học bạ không quá 7 vì con tôi không học thêm giáo viên trên lớp
Đồng quan điểm, bạn đọc Plutino lấy ví dụ từ chính trường hợp của bản thân: "Tôi cũng là phụ huynh có con đang học lớp 12, chuẩn bị thi cuối cấp, câu hỏi 'có cho con học thêm không?' cùng từng là trăn trở của tôi qua từng cấp học của con, kể cả thi chuyển cấp. Xin khẳng định là con tôi hoàn toàn không có năng khiếu các môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, nhưng thay vì nghĩ cách cho con học thêm thì tôi rèn con học từ sách giáo khoa, nghe giảng bài học bài đầy đủ và làm hết sách bài tập. Ngoài ra, tôi tìm các sách tham khảo bổ trợ, bài giảng YouTube để con tự học.
Cho tới giai đoạn nước rút này, con có ý định tự ôn thi thay vì đăng ký học thêm từ nhà trường và tôi tôn trọng ý kiến của cháu. Với tư cách là phụ huynh, tôi tin vào khả năng tự học mà con đã rèn luyện từ lúc bắt đầu bước chân vào nhà trường. Đồng thời, tôi cũng tin tưởng vào chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực sự khuyến khích các học sinh phát huy khả năng tư duy, độc lập suy nghĩ.
Hậu quả của dạy thêm, học thêm đã ăn sâu vào ý nghĩ của mọi người đến nỗi không chỉ giáo viên mà phụ huynh và học sinh cũng lo sợ khi mất 'cái phao cứu sinh' đó. Vậy chúng ta muốn con 'bơi được ra biển lớn' thì phải đi từ bước bỏ cái phao đó ra, đừng để tới đại học rồi kể cả đi làm con chúng ta cũng phải tìm tới học thêm.
Nên nhớ tự học là khả năng người học tìm tòi, khám phá và chủ động tiếp thu những kiến thức mình muốn, mình cần. Còn học thêm thông thường mà thầy cô giáo chính khóa dạy là học nhồi nhét, học thụ động và học cái mà thầy cô chuẩn bị sẵn. Kiến thức con bạn đi học thêm ở thầy cô là để học trước bài trên trường, học trước đề kiểm tra và làm cho quen dạng bài chứ không hề phải động não. Thầy cô dư sức hướng dẫn học sinh tự học ngay trong lớp thay vì dạy đúng kiến thức đó và kiến thức ngoài sách giáo khoa trong lớp học thêm.
Thực sự, so với các phụ huynh ngày đêm đưa con đi học thêm và tốn chi phí học thêm, tôi lại là người ít đầu tư thời gian và tiền bạc nhất. Tôi vẫn đi làm tám tiếng một ngày, nuôi bố mẹ hai bên già yếu nên thời gian cho con chỉ có khoảng 30 phút một ngày để hướng dẫn con học".
Thực tế, khi giáo viên và các trường dừng dạy thêm, nhiều phụ huynh như "ngồi trên đống lửa". Họ sốc vì con "tự học" không tốt mà kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học chỉ còn bốn tháng nữa.
Tuy nhiên, độc giả Thoa nhấn mạnh những lo lắng đó là không cần thiết: "Khi tất cả các trường đều không được phép dạy thêm thì kiến thức truyền tải cho học sinh sẽ như nhau. Như vậy 'nước lên thuyền lên', nên không có gì phải lo lắng. Vấn đề là do tâm lý của nhiều em đang quen học thêm nên giờ không học sẽ thấy hụt hẫng, lo lắng lúc ban đầu.
Bản thân tôi luôn không muốn con phải học thêm. Tôi có hai con đang học cấp hai và cấp ba, nên theo xu thế phải đi học thêm rất nhiều, không có thời gian cho thể dục, thể thao và kỹ năng sống khác. Có người phản biện theo kiểu 'ai bắt bạn phải đi học thêm?'. Đúng là không thích thì có thể không đi, nhưng vấn đề ở chỗ khi học thêm tràn lan, nếu con tôi đi ngược lại thì sẽ bị đánh giá kém so với các bạn khác.
Như giai đoạn Covid-19, bị hạn chế đi lại, giao tiếp, các con phải học online ở nhà, nhưng tôi cảm thấy rất thoải mái vì đi làm về là không phải ngược xuôi đưa đón con đi học thêm. Nên tôi ủng hộ quy định mới để học sinh không phải học thêm tràn lan như hiện nay. Vấn đề cần quan tâm là khi khi Thông tư có hiệu lực, các trung tâm 'sân sau' của các trường có thể sẽ mọc lên, thầy cô giáo của trường đó lại tiếp tục lách luật dạy thêm học sinh của mình".
- Tôi 'ngồi trên đống lửa' vì con không được học thêm giáo viên trên lớp
- Con tôi điểm thấp hơn bạn bè vì không học thêm giáo viên trên lớp
- Cô giáo lớp 1 thúc ép tôi cho con đi học thêm
- Ám ảnh giáo viên dạy thêm thu nhập 40 triệu
- 'Nhà trường tổ chức dạy thêm thay vì để giáo viên dạy tại nhà'
- Phụ huynh nháo nhác khi tôi dừng dạy thêm