Mới đây, một người em gọi cho tôi nhờ giải bài toán tính thể tích săm ôtô. Bình thường khi đi dạy học cho các em học sinh lớp 12, việc tính thể tích của một vật thế được tạo ra khi quay một đường cong quanh một trục số là những bài toán tôi cùng các em học sinh của mình vẫn giải mỗi ngày. Khi gặp những bài toán dạng này, thường là thầy trò chúng tôi rất dễ dàng giải được, chỉ cần biến đổi một chút rồi áp dụng công thức là xong.
Nhưng đây là bài toán thực tế, chẳng có công thức nào để mà áp dụng cả, vậy nên một số người gặp khó khăn. Tôi nhận thấy, nhiều thầy cô có chuyên môn tốt, gặp một bài toán lý thuyết cơ bản là có thể phân tích, suy luận hoặc áp dụng công thức để cho ra kết quả ngay. Tuy vậy, khi gặp bài toán thực tế, cần xây dựng công thức để tính toán thì họ lại rất lúng túng, khó khăn. Các thầy cô khó khăn như vậy nên sẽ càng khó để học sinh linh hoạt tư duy khi gặp những bài toán thực tế.
>> Bài toán tiểu học ở Việt Nam làm khó học sinh cấp hai Australia
Nhiều năm trước, khi tranh luận với một anh đồng nghiệp về cách dạy Toán, tôi có nói là nên minh họa nhiều hơn bằng hình vẽ hay ví dụ cụ thể trong quá trình dạy học để các em học sinh có thể hiểu được bài. Tôi xin lấy vài ví dụ để minh họa cho quan điểm của mình:
Thứ nhất, bài toán về tam thức bậc hai – một bài toán rất cơ bản của phần Toán trong chương trình lớp 10. Bài toán thứ hai là dạng toán lượng giác liên quan đến góc lượng giác. Bài toán cuối cùng là một bài hình học không gian. Khi dạy những dạng bài này, giáo viên nên minh họa bằng hình vẽ và những hình ảnh cụ thể ở ngoài đời để các em học sinh dễ dàng hình dung.
Chẳng hạn, khi dạy về hai đường thẳng song song, đường thẳng vuông góc với mặt phẳng... người giáo viên có thể chỉ cho học sinh thấy sàn nhà và trần nhà là hình ảnh hai mặt phẳng song song, tường nhà và sàn nhà là hình ảnh của hai mặt phẳng vuông góc... Từ đó học sinh sẽ có thể dễ dàng hiểu và hiểu sâu được những vấn đề cơ bản này.
Anh bạn tôi không đồng ý với quan điểm này, có thể là do đối tượng học sinh của anh đều là những học sinh khá giỏi, có tư duy tốt. Rất may là những lần thay sách giáo khoa sau này, những vấn đề cơ bản đều đã được minh họa bằng những hình ảnh cụ thể trong đời sống, rất dễ hiểu.
Trong một buổi tọa đàm trực tuyến mới đây, GS Phùng Hồ Hải, nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam, nhận định: "Việc hóa giải nỗi sợ Toán cho các học sinh phổ thông là sứ mạng của những người làm Toán". Ngoài ra, theo tôi, đây còn là cách để tạo nên niềm say mê, yêu thích của học sinh với các môn học, muốn vậy, rất cần đến những thầy cô trực tiếp giảng dạy các môn đó.
Giáo sư Ngô Bảo Châu - Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán từng chia sẻ: "Trong thời đại kỷ nguyên số, sợ Toán là một thiệt thòi lớn trong cuộc đời. Việc phổ cập Toán đúng cách sẽ không để mọi người mất đi cơ hội của mình. Việc dạy học Toán là phải làm sao cho những điều trông có vẻ rối rắm, phức tạp trở thành đơn giản, đó mới là cái đẹp của Toán học. Tôi nghĩ điều đó tốt hơn là những cuộc thi đua".
Có nhà phê bình Văn học lại nói rằng: "Cuộc sống chất chứa ngồn ngộn những chất liệu để có thể từ đó tạo nên các tác phẩm hay. Toán học cũng vậy, chất liệu để giúp người giáo viên biến một giờ học Toán trở nên thú vị cũng ngồn ngộn, quan trọng là người giáo viên có tận dụng được không?". Những chất liệu, những hình ảnh thực tế của cuộc sống khi được đưa vào minh họa cho bài giảng sẽ giúp giờ học trở nên thú vị, bài toán phức tạp đôi khi trở thành đơn giản.
Albert Einstein cũng có câu nói nổi tiếng: "Nếu chúng ta không giải thích được một vấn đề để một đứa trẻ hiểu được thì nghĩa là chúng ta vẫn chưa hiểu được vấn đề đó". Những hình ảnh minh họa, những ví dụ thực tế sẽ giúp những vấn đề, bài toán phức tạp trở nên gần gũi, dễ hiểu hơn với một đứa trẻ. Giống như logic của sơ đồ tuyến tính: từ hiểu, đến thích, thành say mê, khám phá, rồi sẽ đạt được thành công và hạnh phúc.
>> 'Học sinh Việt phải học quá nhiều công thức Toán'
Với bản thân tôi, ngoài năng lực chuyên môn, tôi còn có một chút vốn sống, một chút hiểu biết để thấu hiểu với học sinh của mình. Tôi đôi khi là người thầy, cũng có lúc là người bạn thân tình của các em. Với tôi, nghề giáo là nghề cao quý, nhưng cũng là một nghề dịch vụ. Mà dịch vụ phải tốt thì mới có nhiều khách hàng. Trong mỗi giờ lên lớp của mình, tôi luôn ghi nhớ: "Người dạy chữ thì nhiều, nhưng người dạy người thì ít"; "người thầy trung bình chỉ biết nói, còn người thầy giỏi sẽ biết giải thích, người thầy xuất chúng sẽ biết minh họa, người thầy vĩ đại sẽ biết cách truyền cảm hứng" (William A Warrd).
Điều này cũng đã được nhà báo Thomas Friedman viết trong cuốn Thế giới phẳng: "Khi rời ghế nhà trường, chúng ta thường không nhớ những thầy cô đã giải giúp chúng ta những bài toán khó, chúng ta chỉ thường nhớ những người giúp chúng ta tự giải được những bài toán đó".
Năm nào đến ngày 20/11 tôi cũng thường thu xếp để sống chậm lại, sao cho tâm hồn được thư thái, nhẹ nhàng. Năm vừa rồi, khi đang ngồi với mấy người bạn thân, cũng đồng thời là đồng nghiệp, tôi đã nhận được tin nhắn của một học trò với nội dung: "Có thể khi học chuyên nghiệp, thầy đã phải học những kiến thức khó, nên khi khi đi dạy, đôi khi thầy dạy hơi trừu tượng, khó hiểu. Tuy vậy, đa số các bài giảng của thầy đều được minh họa bằng hình vẽ hoặc hình ảnh cụ thể gắn liền với cuộc sống. Bởi vậy, em cũng như nhiều bạn khác đã thích học, rồi học tốt môn Toán từ đó. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho em rất nhiều. Em rất cảm ơn thầy vì điều đó. Chúc mừng ngày 20/11 thầy – 'Nhà giáo nhân dân' của chúng em".
Lời chúc này cũng chính là sự ghi nhận, mong muốn của học sinh với phương pháp dạy học gắn liền với thực tiễn của tôi. Đồng thời lời chúc này cũng làm tôi liên tưởng đến phát biểu chỉ đạo của một vị lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay: "Đề thi sẽ tăng cường nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn ở một số môn học". Nhưng để "đề thi vận dụng được thực tiễn" thì ngay trong năm học, việc dạy học cũng phải gắn với thực tiễn trước đã.
Anh Phạm
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.